Nghệ An: Nhiều nhà máy nước bỏ không

Điền Bắc 18/05/2022 07:06

10 năm trước, chính quyền xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tiến hành phê duyệt và làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân. Vậy nhưng, đến nay không những chưa thể vận hành mà một số hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, gây lãng phí. Đó cũng là những bất cập của nhiều dự án nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Các hạng mục tại Dự án Nhà máy nước Diễn Quảng “đắp chiếu” gần 10 năm vì thiếu vốn.

10 năm chờ nước sạch

Năm 2012, nhà máy nước sạch xã Diễn Quảng được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Công trình do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư, mục tiêu cung cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân. Tuy nhiên đã 10 năm trôi qua, dự án này vẫn còn ngổn ngang, chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu vốn.

Nhà máy được xây dựng tại xóm 4, cách UBND xã hơn 100m. Sau khi khởi công, một số hạng mục của dự án như hồ chứa nước, bể nước, nhà điều hành, đường ống dẫn nước… đã được xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công trình chỉ mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng.

Tại nhà điều hành, hệ thống máy bơm, hút chưa được lắp đặt, hệ thống đường ống cấp 2, 3 chưa được xây dựng.

Theo phản ánh của người dân xã Diễn Quảng, nhà máy nước sạch là niềm mong mỏi của họ khi nhà máy được khởi công, nhất là khi các hạng mục càng dần hình thành.

“Ngày khởi công, dân chúng tôi rất mong đợi, sau khi nhà máy hoàn thành, nước sạch sẽ về tận bếp các gia đình. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm, nhà máy nước sạch vẫn không thể vận hành. Chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, thậm chí cả nước mưa” - bà Lê Thị Hoa người dân gần nhà máy nước chia sẻ. Đó cũng là mong mỏi của hơn 1.000 hộ dân xã Diễn Quảng về dự án nhà máy nước sạch trị giá hàng tỷ đồng này.

Ông Tăng Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết: Công trình này được đầu tư vào năm 2012, do xã làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương tài trợ 60%, địa phương 40%. Hiện tiền vốn từ Trung ương đã được cấp đủ, song 40% còn lại huy động từ người dân lại gặp khó khăn. Theo ông Quý, nguyên nhân nhà máy nước bỏ hoang là do thiếu vốn.

“Trước đây, theo hạch toán, dự án có 40% vốn đối ứng do dân đóng góp. Thời điểm đó, nếu chia phần trăm thì mỗi hộ phải đóng khoảng 6 triệu đồng/1 hộ. Còn nay vật giá đều lên nên nếu tính lại chắc chắn sẽ phải hơn nhiều. Nhiều hộ không đủ khả năng để đáp ứng. Ngoài ra, một số hạng mục lâu năm nay đã xuống cấp cũng cần tu sửa nhưng không có tiền nên hiện vẫn tạm dừng” - ông Quý nói.

Lãng phí

Không riêng nhà máy nước sạch Diễn Quảng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có rất nhiều nhà máy nước sạch, được đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi công trình, nhưng vẫn không thể vận hành.

Đơn cử nhà máy nước sạch Diễn Minh (nay là xã Minh Châu) cũng tại huyện Diễn Châu được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng vào năm 2015. Dự kiến sau 1 năm xây dựng, nhà máy sẽ hoạt động, cung cấp nước cho 900 hộ dân trong xã. Ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, người dân trong xã phải đóng mỗi hộ 2 triệu đồng để góp vốn đối ứng.

Khác với nhà máy nước Diễn Quảng, công trình nước sạch tại địa phương này đã hoàn thành tất cả các hạng mục kể cả hệ thống đường ống dẫn nước đến các trục đường chính trong xã. Nhưng, hơn 4 năm nay vẫn bỏ không.

Đó là 2 nhà máy nước sạch điển hình cho việc lãng phí ngân sách. Với nhà máy nước sạch Diễn Quảng, khi được hỏi, công tác khảo sát thời điểm triển khai dự án như thế nào?

Ông Tăng Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết: “Tôi là người mới lên nên không nắm rõ. Tuy nhiên qua nắm bắt việc khảo sát người dân thời điểm ấy làm rất bài bản. Người dân rất đồng tình, từ vị trí dự án đến mức huy động vốn đối ứng từ người dân”.

Trong khi đó, tại dự án nhà máy nước sạch xã Minh Châu, khi triển khai dự án này có nhiều điều tiếng trong quá trình thi công. Theo ông Nguyễn Nghĩa Bé, một thành viên giám sát, cho biết trước khi xây dựng nhà máy, xã đã cho khảo sát 4 điểm, nhưng không hiểu sao lại chọn địa điểm này để xây dựng khi nằm gần núi đá vôi từng là nơi làm kho của hợp tác xã nông nghiệp có chứa thuốc trừ sâu và cũng từng là bãi rác thải của xã.

Cũng theo ông Bé, quá trình triển khai, đơn vị thi công đào hồ chứa, người dân phát hiện có nhiều rác thải lẫn trong đất. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải chở đi nơi khác để tiêu hủy, dùng lớp đất đảm bảo tiêu chuẩn để đắp nhưng họ không nghe. Sau đó, người dân tạo áp lực, đơn vị thi công mới chịu múc đất này đổ đi để thay lớp đất khác.

Ngoài ra, hạng mục đáy hồ chứa theo thiết kế phải dùng đất sét, cát vàng để đầm kỹ, nhưng khi thi công, đơn vị thi công cũng không thực hiện. Khi nghiệm thu, người dân yêu cầu làm đúng thiết kế mới nghiệm thu, nên đến nay công trình bị ngừng lại.

Trao đổi với ông Võ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Minh Châu về nội dung này, ông Quyền cho biết, ông cũng là người tiếp quản sau này, những vấn đề mà ban giám sát cộng đồng phản ánh tôi cũng chưa nắm hết. Do đó, để khách quan chúng tôi đã chuyển hồ sơ dự án này cho cơ quan Công an điều tra, làm rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Nhiều nhà máy nước bỏ không

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO