Nghệ thuật biểu diễn thời công nghệ

Hoàng Minh 12/09/2019 08:00

Trong xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhiều thành tựu công nghệ đã mang lại thuận lợi đồng thời cũng đặt ra một số thách thức đến chất lượng của hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”.

Nghệ thuật biểu diễn thời công nghệ

Sân khấu biểu diễn ngày nay mang nhiều nét công nghệ.

Nhìn nhận về những lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại, nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đã đưa ra giả thuyết về “nhân bản ca sĩ” trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Theo ông Long, khi áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra những ca sĩ ảo, nhà lập trình hoàn toàn có thể tạo nên rất nhiều phiên bản của các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng. Giả sử như lấy nguyên mẫu là cố nghệ nhân Hát Xẩm Hà Thị Cầu.

Khi còn sống bà được ví như di sản sống, khi bà vĩnh viễn ra đi, những khán giả yêu tiếng hát của bà không khỏi xót xa về sự mất mát to lớn, họ coi sự ra đi của bà là mang cả một văn hóa âm nhạc dân gian đặc sắc của dân tộc đi theo, để lại cả một khoảng trống cho hát xẩm nói riêng, cho nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung. Nhưng khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, người ta hoàn toàn có thể “hồi sinh” nghệ nhân Hà Thị Cầu bằng việc nhân bản nghệ nhân Hà Thị Cầu ảo.

Phiên bản ảo này giống như người thật lúc nghệ nhân còn hiện hữu trên cuộc đời. Không chỉ có hình thức, cử chỉ giống như nguyên mẫu, nghệ nhân Hà Thị Cầu ảo hoàn toàn có thể hát và đánh đàn nhị với những kỹ thuật rung, nhấn, nhá, nhả câu nhả chữ y như nguyên bản người thật. Và đồng thời, bất chấp tuổi cao sức yếu, nghệ nhân ảo có lợi thế là có thể hát bất cứ lúc nào, có thể hát liên tục mà không cần nghỉ ngơi...

Còn theo TS Phạm Việt Long- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc biệt là các tác phẩm dân gian, vấn đề xuất xứ, bản gốc - dị bản luôn luôn là điều gây đau đầu cho các nhà nghiên cứu. Do thời gian đã lùi xa về quá khứ, do tính chất không văn bản, lại được lưu truyền rộng rãi theo hai chiều không gian và thời gian, cho nên việc xác định xuất xứ và bản chính rất khó khăn. Tác phẩm đó xuất hiện từ khi nào, ở đâu, đâu là bản chính, đâu là dị bản? Nếu ta tích hợp được một lượng tư liệu lớn theo những chuẩn mực nhất định, thì hi vọng, có thể nhờ vào trí tuệ nhân tạo sàng lọc, sẽ cho ta biết câu trả lời về những câu hỏi đó.

Chẳng hạn, với một bài dân ca, dựa vào dữ liệu về bối cảnh xã hội, nội dung lời ca, giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu được tích hợp từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều bản khác nhau, trí tuệ nhân tạo có thể giúp ta so sánh, lựa chọn để chỉ ra đâu là bản gốc, đâu là dị bản, cùng với bối cảnh xã hội của bản dân ca đó, mà với cách tính toán của con người, sẽ không làm nổi. “Riêng đối với tác phẩm sân khấu, vấn đề xác định chính xác tác giả cũng có thể nhờ trí tuệ nhân tạo, thông qua việc máy tính tự xử lý hàng loạt dữ liệu về kịch bản sân khấu, về các tác giả… sẽ đưa ra câu trả lời khả dĩ tin được” - ông Long nói.

Có thể thấy rằng, ngành Văn hóa trong những năm qua đã có những bước đi đầu tiên tiến hành cuộc CMCN 4.0 bằng việc ứng dụng công nghệ số tại các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn, phục dựng và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của CMCN 4.0 cũng đang đẩy nhiều lĩnh vực NTBD có nguy cơ tụt hậu, đứng trước thách thức trong việc tồn tại và phát triển.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam suốt thời gian qua cho thấy các nghệ sĩ hầu như còn xa lạ với CMCN 4.0. Còn khi trao đổi với các nghệ sĩ cấp tiến về CMCN 4.0 thì hầu hết đều phát biểu rằng “Chúng tôi rất yêu CMCN 4.0, muốn thực hành theo, nhưng cơ sở vật chất sân khấu nhà hát thời bao cấp cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu, bé nhỏ, ọc ạch, lỗi thời nên không sao “vung tay” lên được!” Quả thật, nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu 1.000 cái ô tô không bán được thì vẫn là ô tô, còn một vở diễn mà không có khán giả thì không còn là vở diễn...

Cũng theo PGS Trắc, con người trong nghệ thuật sân khấu không phải là những robot, dù CMCN 4.0 sẽ tạo ra một thế giới robot và ở sân khấu cũng có những robot làm nhiệm vụ thay cảnh, mở màn, bật đèn, tắt điện, chuyển đạo cụ,... mà phải là những cảm xúc thẩm mỹ về con người, bằng con người, vì con người. Không có cảm xúc thẩm mỹ này thì nghệ thuật sân khấu dù có đầy người, những người là người, cũng trở thành vô nghĩa. Có nghĩa là, các nghệ sĩ sống trong thời đại CMCN 4.0 phải tìm ra, phát hiện thấy những hệ giá trị thẩm mỹ của con người ở thời đại ra sao, để rồi thành những cảm hứng sôi động thôi thúc sáng tạo và làm cho khán giả thời đại cũng được cảm hứng theo, nhằm sáng tạo ở cuộc sống, thôi thúc cuộc sống phát triển không ngừng.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong CMCN 4.0 thì phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương ứng. Đặc biệt hơn, là phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và khán giả... mang tầm trí thức thời CMCN 4.0. Nếu không thì có khác gì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật biểu diễn thời công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO