Nghệ thuật truyền thống - đường trường chông chênh

Trần Vân 03/10/2017 08:00

Talkshow “Nghệ thuật truyền thống - đường trường chông chênh” diễn ra chiều 1-10 là một trong chuỗi sự kiện thuộc Dự án “Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình vào sân trường” do thành viên Nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương phối hợp với Khoa Văn học và CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) tổ chức.

Một buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Gìn giữ truyền thống là gìn giữ bản sắc dân tộc

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, khi mà nhiều lĩnh vực của đời sống và khoa học kỹ thuật đang mang trong nó những giá trị mang tính toàn cầu, thì văn hóa chính là sự khẳng định những nét đặc trưng riêng có của quốc gia, dân tộc đó trên thế giới.

Là một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa, âm nhạc dân tộc cổ truyền với những giá trị tiềm ẩn mang tính bản sắc có thể xem như “chứng minh thư” của một dân tộc trong thời đại của toàn cầu hóa.

Thế nhưng trước sự bùng nổ về các hình thức biểu diễn nghệ thuật, hưởng thụ nghệ thuật thì nghệ thuật truyền thống đang tồn tại một cách khó khăn, vất vả. Nghiệp diễn, nghiệp của văn hóa truyền thống vẫn còn chông chênh.

Âm nhạc dân tộc cổ truyền là một kho tàng quý giá nhưng dường như chính chúng ta lại chưa biết cách khai thác và tạo dựng vị thế cho nền âm nhạc Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Là người có những tác phẩm được đánh giá cao ở các vở diễn đương đại trên nguồn cảm hứng từ chất liệu âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ: “Khi còn đi học tôi rất ghét nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên sau khi được đi biểu diễn ở nhiều nơi, tôi nhận thấy rằng cái mà tôi vốn ghét xưa kia mới là cái vốn quý của tôi, ruột thịt của tôi. Trong các sáng tác của mình tôi sử dụng nghệ thuật truyền thống bởi tôi nắm dõ nó và yêu nó và tôi thấy rằng chất liệu đương đại nằm ở chính nghệ thuật truyền thống. Khi ra đấu trường quốc tế, chúng ta có thể thấy không phải là các dòng nhạc pop, rock,… mà là nghệ thuật truyền thống, là những làn điệu chèo, câu hát xẩm hay trích đoạn chầu văn mới là điều thế giới quan tâm. Họ tò mò và thích thú với những thứ mà mình chưa từng được tiếp xúc chứ không phải cái mà họ vẫn nghe hàng ngày”.

Tuy nhiên, việc truyền dạy những âm điệu âm nhạc dân tộc truyền thống cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề còn nhiều bất cập.

Tại nhiều địa phương những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông chỉ còn được kế thừa ở những nghệ nhân lớn tuổi.

Tuy thế hệ trẻ hiện nay vẫn có thái độ trân trọng di sản văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương, nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách. Họ cho rằng những lời ca cổ đó lạc hậu, khó hiểu làm họ rất khó thuộc.

Do hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ thường gắn với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng.

Bởi vậy, lớp trẻ hôm nay khó có thể học thuộc và cảm thụ được hết vẻ đẹp những bài hát ví về các loài cá nếu như họ không làm nghề chài lưới, hoặc không hiểu hết ý nghĩa của những lời ca từ các tích cổ.

Nghệ thuật dân gian là sự sáng tạo không ngừng qua từng giai đoạn, qua từng người diễn nhưng nếu không nắm vững được cái gốc, cái cốt lõi của tác phẩm có thể dẫn tới tình trạng làm biến dạng các tác phẩm.

Còn lắm chông chênh

Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận được khởi sự từ năm 2014 với sứ mệnh truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ thông qua các hình thức tiếp cận gần gũi, sáng tạo, qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả.

Được thực hiện bởi các bạn trẻ hoàn toàn không dính líu gì đến chuyên môn âm nhạc hoặc giới nghiên cứu. Nhưng bằng niềm đam mê và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, “Chèo 48” đã thu hút không ít các bạn trẻ từng chỉ chạy theo những loại hình âm nhạc thời thượng, hiện đại tìm về với những giai điệu của nguồn cội.

Đối với Nhóm Chèo 48h, “chông chênh” không chỉ là những gì vụt đến trước mắt. “Chông chênh” còn là một nỗi niềm dài, khi tuổi trẻ bắt tay vào thực hiện chặng đường từ những viên gạch đầu tiên với bao nỗi hoang mang, vừa tìm đường vừa bước, vừa tiến lên vừa hỏi. “Tại sao bạn lại làm điều mà bạn đang làm?” “Đơn giản là vì mình thích nó thôi, và mình muốn biến niềm yêu thích thành hành động”.

Qua Chèo 48h, có thể thấy người trẻ vốn không quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống. Họ khát khao được tìm hiểu, được trải nghiệm và được yêu nghệ thuật truyền thống.

“Đừng nói giới trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống vì nó đã bao giờ đứng trước mặt em đâu để em có cơ hội quay lưng lại với nó. Không phải ai cũng được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật hay là con nhà nòi, hoặc là quê hương có văn nghệ dân gian phát triển. Phải cho chúng em cơ hội đứng trước mặt nó đã, để chọn nó hay chọn âm nhạc mới hoặc có thể sẽ chọn cả hai. Có phải lỗi là tại chúng em quay lưng hay lỗi là mọi người không cho chúng em xem. Trong suốt thời gian đi học ở trường, em được học về âm nhạc nhưng chưa từng được nghe được dạy về chèo, về xẩm, chầu văn đó là sự thiệt thòi cho chúng em khi không được tiếp xúc từ sớm để chân quý và yêu thương”- chia sẻ từ bạn Ngô Văn Hảo, một học viên lớp Chèo 48h.

Trong đời sống hiện đại, khi mà các loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc đang dần bị lãng quên, nhiều trào lưu mới được du nhập từ nước ngoài, thì “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” được xem là một trong những cầu nối cho những bạn trẻ tìm về bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật truyền thống - đường trường chông chênh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO