Nghịch lý rác Hà Nội

Tuấn Việt 15/03/2017 10:05

Bãi rác lớn nhất Hà Nội – bãi rác Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn đang quá tải và ô nhiễm. Trung bình mỗi ngày bãi rác này “hứng chịu” 4.000 tấn rác thải trên tổng số 5.400 tấn rác phát sinh của thành phố. Công nghệ không bắt kịp với thời thế hay do cơ chế kìm hãm? Trên thực tế, công nghiệp rác tăng trưởng theo năm và không bao giờ chịu tác động của khủng hoảng, với không chỉ Hà Nội, đáng ra phải là ngành kiếm bộn tiền.

Một góc bãi rác Nam Sơn.

3.000 tỷ mỗi năm để chôn lấp rác thải

Hiện nay, phần lớn số lượng rác thải của Hà Nội được tập trung xử lý tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý.

Đây cũng là bãi rác lớn nhất Hà Nội, diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49 ha được sử dụng vào việc chôn lấp rác thải, với công suất trung bình 4.000 tấn/ngày. Trong khoảng 2 năm tới, với lượng rác tăng mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn sẽ không đủ sức chứa, khi 11/13 hố chôn lấp đã chật ứ.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố mỗi ngày phát sinh khoảng 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó ở khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng trên 2.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt gần 4.300 tấn, tức khoảng 78%, chủ yếu là sử dụng “công nghệ” chôn lấp, chiếm khoảng 80%.

Tương ứng với lượng rác thải được xử lý, mỗi ngày số tiền để hô biến rác tại Hà Nội “ngốn” vào khoảng trên 8,3 tỷ đồng, khoảng 3.000 tỷ mỗi năm, tương đương số kinh phí TP Hải Phòng tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Ông Cao Xuân Thìn, Phó Giám đốc URENCO cho biết, nếu như thời điểm năm 1999 khi hình thành bãi rác, trung bình mỗi ngày xử lý chôn lấp 600 tấn rác, thì đến nay trung bình đã lên tới 4.000 tấn, cao điểm lên tới 6.000 tấn.

Nhiều hố chôn đã không còn có thể tiếp nhận rác. Công ty đã mở rộng cơ sở nhưng sức ép rác đô thị ngày một lớn. Đó là chưa kể đến hơn 1.000 tấn rác trôi nổi mỗi ngày ngoài xã hội, không biết đã về đâu(?).

Công nghệ chôn xử lý rác hiện tại rất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, cao hơn là khả năng tái sử dụng bãi chôn rất thấp. Đó là lý do nhiều hộ dân tại không chỉ 3 xã của huyện Sóc Sơn là Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ nhiều năm nay khiếu kiện vì ô nhiễm.

Hiện tại, công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã chính thức đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên, “hố chôn” hiện đại gần 612 tỷ đồng này chỉ có khả năng xử lý 75 tấn rác/ngày.

Liệu có phải do thiếu kinh phí để hiện đại hóa xử lý rác thải? Hiện nay, mỗi người dân tại Hà Nội phải đóng 5.455 đồng/người/tháng cho thu gom rác thải, khoảng 65.000 đồng/năm, chưa tính thuế GTGT. Hà Nội có bao nhiêu triệu dân?.

Số tiền dành cho rác lớn hơn rất nhiều so với 3.000 tỷ đồng ước tính. Cơ chế chính sách hay do nguồn tiền dành cho xử lý rác thải chưa tương xứng. Cứ kiểu chôn lấp công nghệ lạc hậu như này, Hà Nội chẳng mấy sẽ ngập rác.

Bao giờ xử lý rác mới thành một ngành thực sự?

Trong lịch sử 100 người giàu nhất nước Mỹ, điều bất ngờ có tới 8 người hiện kinh doanh rác và các vấn đề liên quan đến rác. Đây cũng được coi là ngành công nghiệp tăng trưởng theo năm và không chịu tác động của khủng hoảng.

Cụ thể, tại châu Âu và châu Mỹ, lượng rác thải ở các quốc gia phát triển tăng 1,3% mỗi năm từ nay tới năm 2030 (tức tăng tổng cộng khoảng 38%). Tại châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là 2 quốc gia có tốc độ “tăng rác” cao nhất, khoảng 130 đến 200%.

Mức phí cho thu gom và xử lý rác thải không hề thấp. Từ năm 1985 đến nay, khi nước Mỹ không còn sử dụng các bãi rác nhỏ, mà tập trung và chuyên nghiệp xử lý theo vùng, mức phí trung bình đã tăng từ mức 10 USD/tấn lên gần 50 USD/tấn. Tại châu Âu, cụ thể là ở Pháp mức phí vào khoảng 74 euro/tấn.

Tại Italia, mức phí khoảng 50 euro/tấn. Tại châu Á, Ấn Độ có được ghi nhận có phí trung bình nhất, khoảng 28 USD/tấn. Tại Việt Nam, mức giá áp dụng cho bãi rác Nam Sơn, khoảng 3,5 USD/tấn, bãi rác Đa Phước (TP Hồ Chí Minh) 21,1 USD/tấn…

Rõ ràng, ngành công nghiệp rác không hề “hẻo” như những gì đã và đang diễn ra tại không chỉ Hà Nội. Thực tế đã cho thấy, giữa thu và chi các công ty xử lý rác thải đều “sống ổn” trong bối cảnh các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe hơn. Công nghệ xử lý càng phức tạp thì lợi nhuận mà các công ty này thu về càng cao.

Nghịch lý rác Hà Nội tồn tại vài thập kỷ chưa có lối thoát. Bãi rác không đủ chứa, rác ngập ngụa nhiều nơi. Nhưng tiền chi ra để xử lý đâu phải ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý rác Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO