Sắp khai giảng nhưng vẫn thiếu đủ thứ, trong đó thiếu giáo viên đang là vấn đề nhức nhối ở một số địa phương.
Sở GDĐT TP HCM vừa ra thông báo khẩn về việc tuyển dụng giáo viên cho các trường THPT, một số trường mầm non, tiểu học trực thuộc. Sở GDĐT cần tuyển 441 giáo viên, nhân viên phòng thí nghiệm nghiệm, thủ quỹ… để bổ sung nhân lực cho các trường.
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Đắk Lắk thiếu hơn 1.300 giáo viên mầm non và tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sở GDĐT tỉnh Lào Cai thống kê toàn tỉnh hiện còn thiếu 842 giáo viên. Trong đó, cấp học mầm non thiếu nhiều nhất, với 663 giáo viên. Giải pháp trước mắt của Lào Cai đó là Sở GDĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố được hợp đồng giáo viên theo quy định trong khi chờ tuyển dụng.
Tuy nhiên, có những bộ môn chuyên biệt còn thiếu nguồn tuyển như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc cấp Tiểu học và THCS, Lào Cai chấp nhận hợp đồng giáo viên có trình độ theo lộ trình thực hiện nâng cao trình độ chuẩn tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.
Một số địa phương khác cho biết có thể giao Phòng GDĐT bố trí linh hoạt, ví dụ như, với môn Âm nhạc thì một giáo viên có thể dạy ở hai trường, nhưng vẫn bảo đảm số tiết đứng lớp theo quy định…
Như vậy, trong ngắn hạn việc bố trí giáo viên có thể khắc phục được song về lâu dài, đây thực sự là vấn đề cần được các địa phương quan tâm giải quyết triệt để nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình giáo dục hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về phía Bộ GDĐT, cần có những thống kê, phân tích dữ liệu đầu ra của sinh viên ngành sư phạm, trong đó có cơ chế đào tạo đặt hàng từ các địa phương để không lãng phí ngân sách cấp cho ngành sư phạm, sinh viên ra trường không lo nơm nớp thất nghiệp, tiền đâu hoàn trả học phí...
Nói như GS TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên tại Hội nghị giáo dục ĐH 2021 vừa được tổ chức mới đây, đó là trước và trong mỗi mùa tuyển sinh, cần có dự báo ngành nghề trong 5-10 năm tới để xã hội, phụ huynh học sinh nắm được về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành. Bên cạnh đó là sự đánh giá về tuyển sinh có khớp hay phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước, nhu cầu thực tế hay không tránh đào tạo tràn lan dẫn đến lãng phí, vừa thừa vừa thiếu...