Người con cách mạng nơi địa đầu

HOÀNG YẾN 02/09/2022 15:18

Câu chuyện về ông Vương Quỳnh Anh là một phần trong câu chuyện của lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn kết với đồng bào H'Mông xuyên suốt cuộc cách mạng của nước ta và liên quan đến khối đại đoàn kết dân tộc mà ít người biết đến hoặc biết chưa chính xác, cặn kẽ.

Ông Vương Quỳnh Anh khi đang là sĩ quan khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Tư liệu.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, xã Mèo Vạc của đồng bào H'Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang do thủ lĩnh Vương Chính Học (Vàng Sính Vừ) đứng đầu đã lãnh đạo người H'Mông chống lại chính sách thuế thân của thực dân Pháp. Chính quyền Pháp tức giận đã bắt ông Vương Chính Học rồi giam tại nhà tù Hà Giang và sau đó ông mất trong tù năm 1937. Ở nhà, người vợ của ông đau buồn, ốm nặng rồi cũng mất năm 1938, để lại người con trai vừa tròn 11 tuổi là Vương Quỳnh Anh (Vàng Pháy Po) bơ vơ cùng mấy anh em.

Trải qua biến cố, đến năm 1945, Vương Quỳnh Anh sang Sà Phìn sống trong nhà cụ Vương Chí Sình nuôi chí đánh thực dân Pháp. Trên đường đi, ông gặp đồng chí Hoàng Việt Hưng (là cán bộ Việt Minh) tại xã Thài Phìn Tủng. Chính đồng chí Hưng là người đầu tiên giác ngộ cách mạng cho Quỳnh Anh.

Ông Vương Quỳnh Anh được Chính phủ và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng Nhì; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất vì đã có công lao trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông cũng được trao tặng nhiều Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, xóa nạn mù chữ, diệt giặc đói…

Bước ngoặt lớn nhất đưa Vương Quỳnh Anh đến với Cách mạng và Quân đội Nhân dân Việt Nam là vào tháng 4/1946, khi vợ chồng cụ Vương Chí Sình cử cháu Vương Quỳnh Anh về thị xã Hà Giang đón mẹ vợ là cụ Síu lên Phó Bảng nghỉ mát.

Khi đến thị xã Hà Giang, cụ Síu quyết định đi Hà Nội và cho Vương Quỳnh Anh đi theo. Đến Hà Nội, Vương Quỳnh Anh được biết Chính phủ đang chiêu sinh học viên khóa đầu tiên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tức Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay).

Ông nói ngay với cụ Síu: “Cháu muốn đi học trường này!”. Cụ Síu đồng ý và cử người đưa Quỳnh Anh sang Bộ Nội vụ gặp ông Đặng Việt Châu - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó. Ông Châu rất vui mừng khi biết Vương Quỳnh Anh là người H'Mông đầu tiên xin đi học và chấp thuận ngay. Mấy hôm sau, một chiếc xe con của Bộ Nội vụ đưa Vương Quỳnh Anh lên tựu trường kịp ngày khai giảng 26/5/1946. Đó là cột mốc chính thức đánh dấu ngày ông tham gia cách mạng khi Vương Quỳnh Anh tròn 19 tuổi.

Sau này, trong phòng truyền thống của Trường Sĩ quan Lục quân 1 Việt Nam và trong hai cuốn sách của Ban liên lạc khóa 1 kỷ niệm 50 năm và 60 năm ngày khai giảng khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn luôn ghi rõ danh sách họ tên và ảnh của học viên Vương Quỳnh Anh. Nhất là những câu chuyện mà các đồng đội của ông như: Nông Gia Long (tức Trần Kiên) ở TPHCM; Đinh Tường (Lê Kim Dũng) ở Hà Nội; Hoàng Liên (Hồ Kỳ Lượm) ở Nha Trang - Khánh Hòa… kể trong cuộc gặp mặt truyền thống ở Bộ Quốc phòng và ghi trong 2 cuốn sách đã cho thấy rất rõ cả quãng thời gian là học viên của Vương Quỳnh Anh và sau này là sĩ quan tham gia chống đế quốc Pháp trong cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc Việt Nam.

Các con của ông vẫn còn lưu giữ bằng tốt nghiệp do đích thân Thiếu tướng Lê Thiết Hùng-Hiệu trưởng và Thiếu tướng Trần Tử Bình - Chính ủy nhà trường ký, chứng nhận Vương Quỳnh Anh tốt nghiệp khóa 1 Trung cấp khoa Bộ binh của trường.

Vinh dự lớn lao trong thời học viên của Vương Quỳnh Anh là ông đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần trong cả ba lần Bác Hồ đến thăm khóa 1 của trường. Đầu tháng 12/1946, khóa 1 của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng. Vương Quỳnh Anh được trường lựa chọn ở lại học thêm kỹ năng chiến đấu.

Đêm ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, tướng Trần Tử Bình gọi ông lên và hỏi ông có muốn trở về địa phương tham gia kháng chiến không? Vương Quỳnh Anh trả lời: “Tôi quyết tâm ở lại trường theo sự phân công của trường, hãy cho tôi được đi chiến đấu!”. Ngày 15/1/1947, ông được phân về Bộ Tổng tham mưu ở Trung đội 13 và lấy tên là Lê Thủy Hồng.

Ông công tác ở vùng Nam Hà, Hà Tây và Vĩnh Phúc. Sau này, biết Vương Quỳnh Anh là người H'Mông, Bộ Quốc phòng chuyển ông sang hoạt động tại Liên khu Việt Bắc. Trong suốt thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông giữ chức Tiểu đoàn bậc phó đơn vị Liên Khu Việt Bắc.

Trong cuốn Lịch sử Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang (1945-2003) khẳng định rõ những đóng góp to lớn của ông Vương Quỳnh Anh, cùng với tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh Hà Tuyên khi ấy đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1958 Vương Quỳnh Anh được Trung ương cử về đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Giang khi ông vừa tròn 31 tuổi. Ông đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển, trở thành một trong những lão thành cách mạng của tỉnh có uy tín lớn với cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tháng 3/1961, trong đoàn lãnh đạo của tỉnh, Vương Quỳnh Anh có vinh dự lần thứ tư được gặp và đón Hồ Chủ tịch lên thăm tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, từ năm 1976 đến năm 1986, Vương Quỳnh Anh được Trung ương phân công giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tuyên (sáp nhập hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang).

Sau này, trong cuốn Lịch sử Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang (1945-2003) khẳng định rõ những đóng góp to lớn của ông Vương Quỳnh Anh, cùng với tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh Hà Tuyên khi ấy đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo lời dạy của cha, các con của ông Vương Quỳnh Anh đã phấn đấu trở thành những người góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. Trong đó, ba người con trai đã nhập ngũ tham gia quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Gia đình ông trở thành gia đình người H'Mông ở Việt Nam có tới 4 người tham gia quân đội nhân dân Việt Nam và được Nhà nước Việt Nam hai lần tặng thưởng Bảng Gia đình vẻ vang. Ông mất ngày 27/2/1986 (âm lịch) tại thị xã Tuyên Quang tỉnh Hà Tuyên do một căn bệnh hiểm nghèo khi mới 59 tuổi.

Cuộc đời cách mạng của Vương Quỳnh Anh - người H'Mông đầu tiên là sĩ quan khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Quân đội Nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng cho con cháu người H'Mông noi theo. Tên tuổi của ông mãi được người H'Mông cùng anh em các dân tộc khác ở quê hương Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang (hay tỉnh Hà Tuyên) cũng như bạn bè, đồng chí, đồng đội nhắc đến từ thế hệ này sang thế hệ khác với tấm lòng yêu mến, trân trọng.

Trong ngày họp mặt truyền thống 26/5/2006, cựu sĩ quan Khóa 1, Hồ Kỳ Lượm - người đồng đội thân tình của ông nói: “Dù ở vị trí công tác nào, Vương Quỳnh Anh luôn là niềm tự hào với lời thề dưới lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” mà Bác Hồ kính yêu trao tặng cho Khóa 1 của Trường Võ bị chúng ta”.

Ngày 28/10/2006, người con trai lớn thay mặt gia đình tướng Trần Tử Bình đã viết những lời gắn bó thân thiết đầy tình cảm gửi tới bà quả phụ Vương Quỳnh Anh khi trao tặng cuốn hồi ký về vị tướng này: “Gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình kính biếu gia đình chú Quỳnh Anh! Cháu Trần Kiến Quốc”.

Vương Quỳnh Anh là người yêu quê hương đất nước, yêu bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông của mình. Những đồng nghiệp gắn bó với ông và các con ông nhớ mãi lời ông nhắc nhở: “Yêu nước phải gắn liền với yêu đồng bào, yêu thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc mình”. Ngôi mộ của ông được để đúng theo luật tục của dân tộc H’Mông và gia tộc họ Vương của ông. Ông dặn các con chỉ ghi trên bia mộ dòng chữ mộc mạc: “Lão đại nhân Vương Quỳnh Anh”.

Tháng 3/1987, khi nói về người bạn thân thiết của mình, Thượng tướng Đàm Quang Trung - Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có lời tri ân đầy ý nghĩa và xúc động: “Vương Quỳnh Anh là tấm gương sáng cho các thế hệ người dân tộc thiểu số đến với cách mạng. Ông luôn xứng đáng là lớp sĩ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xứng đáng là người lãnh đạo của tỉnh hết lòng vì nước, vì dân…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người con cách mạng nơi địa đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO