Người dân, tài xế công nghệ nói gì khi cước dịch vụ tăng?

Minh Hiếu 11/03/2022 08:17

Việc các hãng xe công nghệ tăng giá cước dịch vụ trong giai đoạn dịch bệnh sẽ làm cho khách hàng mất niềm tin, ít sử dụng dịch vụ hơn.

Tăng giá cước dịch vụ càng ít khách hàng

Ngày 6/3 vừa qua, Grab Việt Nam phát đi thông báo về việc điều chỉnh tăng cước dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố từ ngày 10/3. Việc doanh nghiệp gọi xe công nghệ tăng cước dịch vụ nhằm bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn.

Theo đó, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TP HCM.

Trước thông tin này nhiều tài xế taxi công nghệ và lái xe grab cho rằng việc tăng giá cước dịch vụ sẽ tăng thêm một chút thu nhập cho họ, nhưng sẽ khiến khách hàng mất niềm tin và ít sử dụng dịch vụ hơn.

Theo anh Phương trong lúc dịch bệnh nếu tăng giá cước sẽ ít khách hàng sử dụng dịch vụ hơn.

Anh Uông Văn Phương một tài xế taxi công nghệ Grab quê ở Đan Phượng cho biết: Dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu liên tục tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của anh em lái xe.

“Sau khi giá xăng dầu tăng, thông qua ứng dụng app Grab thì tôi đã nắm bắt được thông tin sẽ được tăng giá cước dịch vụ. Trong bối cảnh dịch bệnh và giá xăng tăng thì việc điều chỉnh cước dịch vụ cũng có thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh như thế này đã ít khách rồi, nếu cước dịch vụ mà tăng sẽ khiến khách hàng lại phàn nàn, quay lưng”.

“Trước khi chưa có dịch Covid-19 và giá xăng dầu chưa tăng thì trừ chi phí rồi thì mỗi ngày cũng kiếm được 500-700.000 đồng. Còn bây giờ mỗi ngày kiếm được 500,000 đồng còn khó, cứ tình trạng dịch bệnh và giá xăng tăng như này mà không có khách thì có khả năng phải bán xe, chuyển sang công việc khác”, anh Phương ngậm ngùi nói.

Cũng theo anh Hòa một tài xế lái xe hãng taxi Âu Lạc (chạy thêm ứng dụng xe công nghệ) cho hay: “Giá xăng tăng cao nhưng cho đến thời điểm này giá cước dịch vụ taxi chưa tăng một đồng nào. Trong lúc xăng tăng mà không tăng giá cước thì không được, còn tăng giá cước khách sẽ vắng thêm, thu nhập của anh em lại giảm sút không được bao nhiêu. Do giá xăng tăng cao mỗi ngày chạy xe mất thêm 30- 40.000 đồng, tính ra mỗi tháng cũng tốn thêm cả triệu đồng tiền xăng nữa”.

Anh Hòa cũng cho biết thêm: “Tôi cũng nắm bắt được thông tin là đang có chương trình được tăng giá cước dịch vụ. Nhưng muốn tăng thì phải có văn bản trình lên hiệp hội taxi, Bộ GTVT họ cho phép mới được tăng chứ có phải muốn tăng là được đâu”.

Tránh để khách hàng phải thiệt thòi

Trước việc các hãng xe công nghệ tăng giá cước thì người dân phàn nàn việc tăng giá như vậy “té nước theo mưa” người sử dụng dịch vụ phải trả giá cao, thiệt thòi hơn.

Anh Nguyễn Tuấn Anh một người dân sinh sống tại Mỹ Đình chia sẻ: “Trước kia tôi hay bắt xe grap từ Nhân Mỹ (phường Mỹ Đình) đến cơ quan đi làm với quãng đường 3 km thì phải trả có 15,000 đồng. Cũng quãng đường đấy giờ họ đã tăng giá lên 25.000 đồng, cứ tình hình này chắc tôi phải chuyển sang đi xe đạp cho thuận tiện”.

Tài xế công nghệ chật vật kiếm sống giữa lúc dịch bệnh, giá xăng tăng.

Anh Mai Văn Chiến một người dân sống tại phường Mễ Trì cho rằng: Việc các hãng xe công nghệ tăng giá dịch vụ theo kiểu “té nước theo mưa”.

“Tôi thường xuyên di chuyển và gọi đồ ăn trưa thông qua các ứng dụng Grap, Be giờ họ tăng giá thì người sử dụng dịch vụ như tôi phải trả mức giá cao, như vậy là quá thiệt thòi”.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đỗ Trọng Thịnh nhận định: “Theo cơ chế thị trường là khi chi phí đầu vào tăng thì chi phí đầu ra cũng phải tăng chứ không có cách nào khác. Vì thế việc hãng xe công nghệ tăng giá phải thực hiện các bước theo quy định pháp của Nhà nước đưa ra, nếu họ xin phép các cơ quan quản lý nước đồng ý thì mới được tăng giá. Còn nếu trong quá trình tăng giá mà họ không thực hiện đúng quy định luật pháp thì các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý và yêu cầu người ta quay về giá ban đầu”.

“Việc tăng giá phải theo đúng quy định, trong phạm vi cho phép và phù hợp với giá cả gia tăng đầu vào. Cơ quan chức năng cần phải giám sát để tránh trường hợp doanh nghiệp ‘té nước theo mưa’ khi giá xăng tăng 10-20%, mà tăng gấp đôi là không được phép, sẽ gây thiệt thòi cho người sử dụng dịch vụ”, ông Thịnh nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân, tài xế công nghệ nói gì khi cước dịch vụ tăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO