Người đẹp sa ngã - Cần định vị giá trị bản thân

Thư Hoàng - Mai An (thực hiện) 04/08/2020 10:00

“Thú thật là chuyện những cô gái có nhan sắc, một số cô đính kèm danh hiệu hoa hậu, hoặc có chút nổi tiếng vì hoạt động trong showbiz sa ngã đã quá cũ, vẫn diễn ra hàng ngày, chỉ có điều có bị phát hiện và đưa lên truyền thông hay không mà thôi”- Đó là chia sẻ của nhà văn Kiều Bích Hậu, tác giả của nhiều tập truyện như “Smart Wife - Vợ ảo”, “Đường yêu” và mới đây là “Mũi tên đỏ vút bay”.

Nhà văn Kiều Bích Hậu.

PV:Không phải tới bây giờ, câu chuyện những người đẹp dùng nhan sắc để đánh đổi lấy tiền bạc, hay siêu xe, thời trang hàng hiệu… mới lộ ra mà trước đó, đã từng xảy ra nhiều lần. Thậm chí, chân dài - đại gia dường như trở thành một xu hướng, một lối sống của một bộ phận người đẹp. Trong quan sát của chị, điều này phản ánh câu chuyện xã hội gì?

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Đúng vậy, câu chuyện mối quan hệ mang màu sắc thương mại giữa cô gái có nhan sắc, có danh hiệu, có giải thưởng với một anh lắm tiền nào đó là chuyện… xưa như Trái đất. Thế nên, nói là xu hướng cũng có phần đúng khi chúng ta thấy dường như hiện tượng đó nhiều lên. Tuy nhiên, khẳng định có là xu hướng hay không thì cần có nghiên cứu, thống kê xã hội nghiêm túc. Tôi cho rằng, một phần chúng ta cảm thấy nó là xu hướng, chỉ vì chúng ta bị truyền thông tẩy não. Ngày nay, ra ngõ đụng hoa hậu, đụng thiếu gia, tiểu gia… chỉ vì truyền thông suốt ngày đưa tin về họ. Khi mới đầu giờ sáng, bạn làm gì đầu tiên?

Bạn bật điện thoại thông minh, xem mạng xã hội, xem vài trang báo mạng, toàn các cô gái xinh đẹp, danh tiếng ẹo qua ẹo lại trong những bộ đồ gợi cảm, toàn các anh lắm tiền đi xe khủng, rồi truyền thông lá cải tìm cách ghép họ lại với nhau, tung tin đồn, tung tin thất thiệt, rồi từ tin đồn thành sự thật ngắn chẳng tày gang. Thấy được nhiều người chú ý, nhiều view, nhiều quảng cáo, các báo chính thống cũng nhảy vào đưa tin nóng kiểu đó. Đến tối, trước khi đi ngủ, ta lướt qua thông tin cuối ngày, lại cũng rặt những tin nóng kiểu lá cải. Tất cả chúng ta bị truyền thông hỗn loạn này tẩy não, khiến ta tưởng rằng cứ gái đẹp là đi với anh nhiều đô la.

Chúng ta hoàn toàn “mù lòa” không thấy những cô gái đẹp, có danh hiệu đang cần mẫn làm việc ngày đêm. Họ cũng có đôi khi được ngợi ca, nhưng không mấy ai hưởng ứng, thế là truyền thông đầu hàng, lại nhăm nhăm đi tìm tin nóng, tìm tin xấu của hai đối tượng dễ gây scandal nhằm câu like, hút view, tăng quảng cáo. Tôi cũng công nhận phải có quảng cáo thì báo chí mới sống được, nhưng chúng ta hãy tự hỏi, phải sống thế nào?

Truyền thông của chúng ta đang chọn con đường dễ dãi, đang làm hỏng đôi mắt, tâm trí, quan điểm và hình ảnh xã hội chúng ta. Điều này, cần một nhạc trưởng truyền thông cao tay, xây một kịch bản khác, điều chỉnh lại cách chúng ta làm truyền thông chuyên nghiệp. Truyền thông để xây dựng nhân cách Việt, xây dựng đất nước Việt giàu mạnh, xây dựng hình ảnh Việt đáng tự hào với quốc tế. Cần nhà quản lý nghiêm khắc. Cần mỗi người làm truyền thông có tâm, tầm, tài, không chỉ chiều chuộng ý thích độc giả. Cần mỗi độc giả tiếp nhận thông tin một cách thông thái, không để bị tin rẻ tiền, dễ dãi làm mờ mắt.

Nhưng cũng có quan niệm cho rằng, những người đẹp, hoa hậu sa ngã kia là sản phẩm của sự vội vàng, trao danh hiệu nhưng thiếu sự đồng hành giám sát, thiếu cả sự đào tạo, trong đó có vai trò quan trọng từ phía gia đình?

- Gia đình truyền thống của chúng ta đang đứng trước thách thức vô cùng nghiệt ngã. Hầu như chúng ta không còn mấy gia đình đúng nghĩa nữa. Hãy thử bước vào bất cứ gia đình nào trong bữa tối, thời gian đoàn tụ gia đình mà xem. Có thể người cha còn mải tiệc tùng đãi đằng đối tác đâu đó không có nhà ăn bữa tối với gia đình, có thể đứa con đi học thêm buổi tối chưa về kịp, có thể người mẹ còn đang dở buổi tập yoga, có thể người ông còn đang đi sinh hoạt câu lạc bộ thơ…Toàn những lý do chính đáng đấy chứ. Hoặc cho dù đó là bữa ăn cuối tuần, có đầy đủ mọi người trong nhà, quanh mâm cơm, nhưng khi đứa nhỏ cất câu hỏi nào đó, không ai trả lời, mẹ nó còn mải vừa ăn vừa ngẫm nghĩ xem có nên mua cái váy thời trang mà cô đồng nghiệp vừa post lên Facebook không, bố nó bận nhắn tin, ông nó mải xem ti vi, chị nó vừa ăn vừa chơi điện tử trên điện thoại hoặc máy tính bảng… Mọi thành viên gia đình đều ở bên nhau, nhưng không thực sự hiện hữu. Kể ra điều này để thấy rằng, ngay cảm giác hiện hữu thực sự bên nhau còn yếu như thế, thì giáo dục nhau thế nào? Hạnh phúc gia đình, chỉ đơn giản là sự hiện hữu trọn vẹn với nhau. Và bạn hãy tự hỏi xem, nếu bạn có đứa con trong nhà, đã bao giờ bạn nghiêm túc dạy dỗ con về giá trị bản thân? Nếu có, thì bằng cách nào? Bạn có nói thẳng với con hay chỉ bóng gió xa xôi?

Vậy còn câu chuyện về những người đẹp cố bằng mọi giá để có cái danh hiệu hoa hậu, á hậu, người đẹp “gì đó” trong một cuộc thi nhan sắc cốt để “săn” đại gia chi tiền mua siêu xe, đưa đi du lịch, shopping mua hàng hiệu thì sao? Chị, trong tư cách của nhà văn và cũng là người có nhiều tiếp xúc với thế giới showbiz, có thể lý giải gì về lối sống thích hưởng thụ, thích khoe khoang?

- Như tôi vừa nói, đó là vấn đề giá trị bản thân. Khi bạn thiếu ý thức về giá trị bản thân, bạn sẽ tìm cách vơ váo các thứ khác được xã hội cho là có giá trị (siêu xe, chuyến du lịch xa xỉ, biệt thự, hàng hiệu…), để trang sức cho mình, để thấy mình cũng là cái gì đó mà tự tin đi giữa cuộc đời. Tuy nhiên, những thứ “đồ trang sức” đó, nhóng nhánh hấp dẫn thật đấy, làm bạn thỏa mãn ngay, nhưng rồi bạn nhanh chóng chán nó. Bạn sẽ lại khát thèm những thứ khác, được người ta quảng bá là giá trị hơn. Những thứ đó, thẳm sâu trong bạn hoàn toàn không cần. Và bạn không bao giờ thấy đủ với những thứ bạn không thực sự cần. Bạn sẽ lao theo nó như một con bạc khát nước. Nhưng càng lao theo, bạn càng rời xa bản thể của mình, bạn càng không biết mình là ai cả, càng không xác định được giá trị bản thân, không thể tìm ra năng lực thật sự của mình để phát triển. Và như thế, nỗi đau ngày càng lớn, sự thiếu thốn ngày càng khó bù đắp. Họ bỏ quên chính cuộc đời thực sự của mình để trôi theo phù du.

Khi một người thiếu ý thức về giá trị bản thân, sẽ sớm nghiêng về lối sống hưởng thụ theo cách mà xã hội đang định hướng cho họ (ăn ngon, mặc sang, biệt thự, chồng giàu, danh hiệu…) và sẽ bị bản ngã điều khiển, bị thói đời giật dây. Họ thực sự đáng thương! Tất cả những gì họ tưởng mình có, mình đem ra khoe khoang để tự hào, thì chỉ là vay mượn cảm giác mà thôi.

Bằng qua quan sát của chị, mối quan hệ chân dài - đại gia có phải là câu chuyện nóng trong showbiz và sẵn sàng bùng nổ?

- Nó nóng hay bùng nổ, chỉ là do truyền thông mà thôi. Trong xã hội, có những người đam mê khám phá năng lực của mình, chiến thắng trong đời sống vì luôn sáng tạo nên những thành quả phục vụ mình và xã hội, thì cũng có những kẻ ăn bám, tìm những cách dễ dàng để lười biếng trôi đi như lục bình trên sông. Truyền thông có thể làm bùng nổ câu chuyện cô gái nhan sắc với chàng trai giàu, thì cũng có thể làm bùng nổ câu chuyện về những người anh hùng. Vấn đề là truyền thông chọn câu chuyện nào và làm cách nào để hâm nóng nó lên mà thôi. Chúng ta cần truyền thông có tự trọng, tư cách, thông thái hơn nữa để sáng tạo câu chuyện mà ta thực sự cần.

Hoa hậu Diễm Hương mới đây lên báo cho rằng, cần có những hình phạt nặng mang tính răn đe với những người của công chúng nhưng tham gia vào những đường dây bán dâm, như là phạt tiền nặng, hạn chế quyền tự do đi lại, hay cấm cho truyền thông đề cập về hình ảnh, tên tuổi sau khi vi phạm đối với nhóm người này. Ý kiến của chị?

- Tiến sĩ Phan Quốc Việt nói rằng “Càng cấm càng cứ”. Xã hội như đứa trẻ bướng bỉnh vậy. Khi ta phải dùng đến lệnh cấm, tức là ta bất lực trong một khía cạnh nào đó. Có bao giờ người nông dân nhổ tiệt cỏ trong vườn được không? Thay vì phun thuốc diệt cỏ, hãy trồng hoa hồng thật nhiều!

Không phải bênh vực những cô gái muốn đánh đổi nhan sắc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phải có đại gia sẵn sàng “vung tiền” thì các người đẹp mới sa ngã. Và pháp luật cần xử mạnh, thậm chí nêu đích danh những đại gia chi tiền “mua bán” như vậy?

- Là một phụ nữ, tôi không muốn phải “ném đá” những người bán như thường tình, mà tôi quan tâm rằng, tại sao dư luận không mấy chỉ trích người mua, truyền thông không nêu đích danh người mua, không đưa thông tin mức hình phạt mà người mua phải chịu. Người mua là người gây nên tội lớn. Một mình cô gái có thể bán dâm cho chính mình được không? Chắc chắn là không! Đằng sau việc anh sẵn sàng chi món tiền lớn để thỏa mãn dục vọng với những cô gái có danh là gì? Đồng tiền ấy là đồng tiền thế nào? Tại sao truyền thông chỉ gọi họ với cái tên chung chung là “đại gia”, chúng ta đang làm hỏng tiếng Việt bằng cách gọi đó. Họ không xứng đáng.

Theo chị, cách nào để các người đẹp thoát khỏi những cạm bẫy và đứng dậy sau khi sa ngã?

- “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại”. Họ ngã, thì họ tự đứng lên, học lấy bài học của mình. Khi nào họ cần trợ giúp, chúng ta sẽ giúp cụ thể, không cần quá chú tâm đến họ. Chúng ta hãy điều chỉnh lại chính mình, đừng like những tin lá cải, đừng nhào vào bình luận những hotgirl, hãy dành thời gian đó trò chuyện với con cái chúng ta trong nhà, cùng con làm việc ý nghĩa, định vị giá trị bản thân, cùng nhau hưởng hạnh phúc, trọn vẹn hiện hữu khi bên nhau. Tuyệt đối đừng ngồi bên con mà lại chẳng nói chuyện thực sự với con, đừng ngồi bên con mà tay bố (mẹ) vẫn nhấn like tin lá cải, vẫn lé mắt xem hotgirl, là xã hội sẽ ổn thôi!

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Khi một người thiếu ý thức về giá trị bản thân, sẽ sớm nghiêng về lối sống hưởng thụ theo cách mà xã hội đang định hướng cho họ (ăn ngon, mặc sang, biệt thự, chồng giàu, danh hiệu…) và sẽ bị bản ngã điều khiển, bị thói đời giật dây. Họ thực sự đáng thương! Tất cả những gì họ tưởng mình có, mình đem ra khoe khoang để tự hào, thì chỉ là vay mượn cảm giác mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đẹp sa ngã - Cần định vị giá trị bản thân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO