“Dù khó khăn, vất vả nhưng cán bộ Mặt trận chúng tôi có thật nhiều niềm vui, hạnh phúc khi luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, được dân tin, dân mến” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận Phạm Thị Bích Hà chia sẻ.
Bà Phạm Thị Bích Hà thăm Mục sư Kiều Bảo Toàn - Nhà thờ Tin lành Phan Rang.
PV: Bà có thể chia sẻ cơ duyên đến với công việc Mặt trận không hề đơn giản này?
Bà Phạm Thị Bích Hà: Hồi trẻ, tôi học Văn khoa với mơ ước trở thành phóng viên, nhưng cơ duyên lại đưa tôi đến với Mặt trận, sau khi được “trải nghiệm” qua các nơi là cơ quan Ban Đảng, Nhà nước và Đoàn thể. Tôi về công tác tại cơ quan Mặt trận sau Đại hội - năm 2014, khi đã ngoài 40 tuổi. Ban đầu, tôi cũng rất bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với các cụ, các vị cao tuổi, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc...nhưng rồi càng làm tôi càng thấy say mê, yêu thích công việc của mình. Những kiến thức, kỹ năng có được khi qua nhiều đơn vị công tác là lợi thế đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt trong công tác Mặt trận. Đến nay, tôi tiếp tục bước vào nhiệm kỳ thứ hai ở ngôi nhà đại đoàn kết này. Dù khó khăn, vất vả nhưng cán bộ Mặt trận chúng tôi có thật nhiều niềm vui, hạnh phúc khi luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, được dân tin, dân mến...
Và không thể không nhắc tới những áp lực trong nghề, với vai trò Phó Chủ tịch được phân công phụ trách lĩnh vực rất rộng là Dân tộc - Tôn giáo và Tuyên giáo - Phong trào với hàng trăm đầu việc không tên. Để hoàn thành nhiệm vụ có dễ dàng không, thưa bà?
- Có thể nói, nghề Mặt trận thì không có một trường lớp nào chỉ dạy, chính vì vậy để thực hiện tốt những lực vực mà mình được phân công phụ trách thì hoàn toàn phải dựa vào năng lực của bản thân và kinh nghiệm thực tiễn. Với tâm niệm “Không biết thì hỏi, muốn giỏi thì phải học”, bản thân tôi không ngừng học hỏi từ những cán bộ đi trước, đồng thời chủ động nghiên cứu để từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho mình. Không chỉ có vậy tôi còn may mắn hơn khi luôn có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ từ gia đình. Khi những công việc áp lực, tôi lại tìm đến với sáng tác (Bản thân tôi là hội viên Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, có hai tập thơ đã xuất bản là Trăng ở biển - 2005 và Khúc lặng chiều ở biển - 2010) Đến với thơ - tôi như tìm thấy chính mình, để cân bằng những cảm xúc và tạo cho mình niềm hứng khởi mới trong công việc.
Tôi cho rằng, trong giai đoạn nào cũng thế công tác Mặt trận cũng phải luôn hướng về dân lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Muốn nghe được lòng dân Mặt trận có nhiều kênh như thông qua các vị ủy viên Ủy ban, những người uy tín tiêu biểu trong dân tộc, chức sắc tôn giáo... Nhưng không chỉ lắng nghe dân yêu cầu của Mặt trận còn phải là nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Để tuyên truyền vận động trong đồng bào dân tộc, cán bộ Mặt trận phải hiểu được phong tục, tập quán, nết ăn, nết ở của đồng bào từ đó vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động.
Chính từ việc lắng nghe dân, làm mọi việc vì lợi ích của dân nên các phong trào của Mặt trận luôn được nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Bà có thể nêu một ví dụ cụ thể trong công tác Mặt trận được triển khai tại Ninh Thuận?
-Ninh Thuận là tỉnh đa dân tộc trong đó đồng bào Chăm và Raglai chiếm tới 24%, đồng bào Chăm thuộc các tôn giáo Balamôn, Bani và Islam. Muốn vận động tốt các tôn giáo thực hiện Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã ký kết, MTTQ tỉnh chủ động phối hợp với Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tuyên truyền, vận động bà con trong đồng bào Chăm thực hiện các biện pháp về sinh hoạt trong cuộc sống và sản xuất hằng ngày thân thiện với môi trường như: không nuôi heo thả rông, xây dựng các công trình nhà vệ sinh, nhà tắm, sử dụng nước sạch; nhận trồng và chăm sóc cây xanh nơi ở và nơi công cộng, tại các cơ sở tôn giáo... Không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đồng bào Chăm trên địa bàn, bà con đã ý thức được trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng đồ dùng tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc sử dụng bao nylong, chất thải nhựa, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ cây trồng, vật muôi trong sản xuất nông nghiệp đúng theo hướng dẫn và quy định.
Qua kinh nghiệm làm Mặt trận, vậy phương châm của bà là gì?
-Từ những gì đã trải qua trong quá trình công tác, để nói về kinh nghiệm tôi nghĩ thật đơn giản chỉ cần trong tim mình luôn nghĩ “mọi việc vì dân”. Đó chính là kim chỉ nam để tôi mở khóa mọi nhiệm vụ công tác.
Bà có thể chia sẻ những kỳ vọng của mình vào công tác Mặt trận trong thời gian tới?
-Theo tôi một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó Mặt trận cũng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân, tập trung nâng cao kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội, để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cho phù hợp; Phối hợp xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Đặc biệt giám sát, phản biện là việc khó, động chạm, rất cần bản lĩnh của người làm công tác Mặt trận. Hơn bao giờ hết mỗi người làm Mặt trận phải có đủ tâm, là sự gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, xuất hiện những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Để làm được điều đó bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận để bản thân mỗi người có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cán bộ Mặt trận phải vừa làm cho nhân dân hiểu thông qua việc tuyên truyền, giải thích về đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhà nước, động viên người dân chấp hành cho đúng, cho tốt, đồng thời lắng nghe, thấu hiểu để kiến nghị với Đảng, Nhà nước để Mặt trận thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!