Những tấm lòng cao cả: Một người trong vạn người

Nguyễn Chung 14/05/2020 07:30

Bà Trịnh Thị Ngát, trú tại thôn Phú Thọ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) chỉ là một người dân bình thường, cuộc sống còn nhiều khốn khó nhưng với lá đơn xin từ chối nhận hỗ trợ để nhường cho những người khác khó khăn hơn mình thì bà lại là một người đặc biệt trong vạn người.

Cán bộ MTTQ thị trấn Tân Phong thăm gia đình bà Trịnh Thị Ngát.

Một chiều tháng 5 nắng nóng, căn nhà cấp bốn khá rệu rã của bà Trịnh Thị Ngát như oặt ra vì hơi nóng hầm hập từ chiếc sân xi măng bé tẹo hắt sâu vào từng xó xỉnh. Giữa mớ bừa bộn trên nên nhà, đứa cháu nội chưa đầy 2 tuổi của bà Ngát lơ mơ ngủ, chiếc quạt bàn đã cũ mèm, bám đầy rỉ sét, vỏ nứt vỡ nhiều chỗ, dù bật hết số, gió vẫn không đủ làm khô những dòng mồ hôi đang bết lấy 2 bên tóc mai của thằng bé. Trong cơn ngái ngủ, thi thoảng đứa bé vẫn dằn dỗi bật ra vài tiếng nấc.

“Các chú ngồi tạm, nhà có mỗi cái quạt”- bà Ngát ngại ngùng nói như mình đang mắc lỗi. Phía bên trong, bà cố ngoại đã hơn 90 tuổi, lòng khòng, dúm dó trong bộ quần áo bằng vải phin, hấp háy đôi mắt mờ đục, im lìm nhìn mấy người khách lạ.

Vừa lấy khăn lau mồ hôi cho đứa bé, bà Ngát vừa kể về cuộc mưu sinh của cả gia đình bằng chất giọng nằng nặng, chất chứa. Bà ví von, đám cưới của vợ chồng bà là một cuộc gá nghĩa của hai mảnh đời khốn khó với hi vọng, bằng sức lao động của mình mọi thứ sẽ thay đổi trong tương lai không xa.

2 đứa con trai lần lượt ra đời. Là lao động chính trong nhà nuôi 5 miệng ăn, chồng bà là ông Bùi Sỹ Văn vì quá lao lực đã mắc phải bạo bệnh, khiến gia đình thêm chồng chất khó khăn. 2 đứa con trai cũng vì hoàn cảnh phải bỏ học giữa chừng để phụ mẹ lăn lộn mưu sinh. Đến lúc lo xong cho con cái yên bề gia thất, không lâu sau đó, ông Văn mất vì không còn sức để chống chọi với bệnh tật.

Từ ngày chồng mất, bà Ngát cùng các con cố gắng xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Oái oăm thay, sau khi ông về Trời, từ hai nách bà cũng mọc ra hai khối u to như hai quả trứng vịt, đỏ tấy, đau rát. Ra viện K khám mới biết mình bị khối u. “Lúc đó ông bác sĩ già nhìn tôi đầy ái ngại, rồi bảo: Tạm thời chưa có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng về lâu dài không có gì đảm bảo được, bà buộc phải định kỳ 6 tháng 1 lần ra bệnh viện K để kiểm tra”- bà Ngát nhớ lại.

Nhà có 6 người nhưng hiếm khi nào được quây quần đủ mặt bên mâm cơm chiều vì mỗi người mỗi nghề. Đứa con trai đầu theo người ta phụ bếp, bà hay gọi vui là “đầu bếp lang thang” vì nó không có bằng cấp nên không xin được việc tại các nhà hàng lớn, đành đi nấu dạo cho các đám cưới hỏi, ma chay…

Đứa con trai thứ hai thì đi nhập hàng điện tử về bán lại qua mạng kiếm lời. Lấy vợ hơn 4 năm rồi nhưng hai vợ chồng mãi vẫn chưa có được một mụn con. Nhịn ăn, nhịn mặc hai vợ chồng cậu con trai thứ cũng tằn tiện rồi vay mượn thêm được 150 triệu đồng ra một bệnh viện tận Hà Nội để thụ tinh ống nghiệm. “Họa vô đơn chí”, chỉ được hai tháng, cô vợ bỗng nhiên đau bụng, đưa vào bệnh viện, sau khi thăm khám bác sỹ lắc đầu báo hung tin: “thai bị lưu”…

“Chúng nó buồn lắm! Bao nhiêu công sức, hi vọng đổ sông đổ biển cả, giờ lại gánh thêm đống nợ”- bà Ngát rơm rớm nước mắt khi nói về hoàn cảnh của con trai thứ 2.

Đầu năm nay, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Cả nước căng mình chống dịch, rồi cách ly toàn xã hội. Các thành viên trong gia đình bà Ngát là những người cảm nhận nhanh và rõ nhất những ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Vì là lao động tự do nên mọi hoạt động có thể làm ra tiền của gia đình gần như bị “đóng băng”. Khó khăn không nói sao cho hết…

Bà Ngát kể: Hôm nghe loa của thôn thông báo về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ, những người lao động tự do như gia đình bà rất phấn khởi. Phần vì cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn sau đợt giãn cách xã hội, phần vui vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những người nghèo như bà.

Là gia đình thuộc diện cận nghèo, như vậy cả nhà sẽ nhận được 4,5 triệu đồng. Thế nhưng, buổi tối ngồi xem ti vi, bà thấy có cả cụ bà già hơn cả mẹ của mình cùng nhiều trường hợp khác, còn khó khăn vẫn đem hết tiền tiết kiếm được đi ủng hộ chống dịch, theo Lời kêu gọi của Mặt trận…

“Chứng kiến hình ảnh cụ bà hơn 90 tuổi đem hết tiền tiết kiệm đi ủng hộ, tối ấy tôi không tài nào ngủ được. Người ta già cả mà còn làm được việc nghĩa với đồng bào, với Tổ quốc huống gì mẹ con tôi còn mạnh khỏe, còn sức dài vai rộng có thể tự lo được cho mình sao có thể đưa tay nhận hỗ trợ. Thấy thẹn với lòng mình, thẹn với ông nhà tôi dưới chín suối”- bà Ngát xúc động nói.

Ngay sáng hôm sau thức dậy, bà đã thấy các con mình tề tựu chờ sẵn bên mâm cơm, mặt ai cũng có vẻ nghiêm trọng. Bà vừa ngồi xuống, đứa con trai đầu đã ngập ngừng nói: “Chúng con thống nhất với nhau rồi mẹ ạ. Cả nhà ta sẽ xin được từ chối nhận khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước, để dành lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Dù với hoàn cảnh gia đình ta, số tiền được hỗ trợ sẽ giải quyết được rất nhiều việc nhưng chúng con còn lo được”- người con trai đầu khẳng khái nói.

Bà Ngát như lặng người đi trước ý định của các con. Hóa ra chúng cũng nghĩ như bà. Rõ ràng, chúng đã trưởng thành, biết cảm thông, chia sẻ với khó khăn của người khác.

Ngày 12/5, khi trên hệ thống loa truyền thanh của thôn Phú Thọ thông báo cho các gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ vì dịch bệnh Covid-19 đi nhận tiền hỗ trợ, bà Ngát đã cầm lá đơn, xin được từ chối nhận hỗ trợ lên UBND thị trấn nộp cho Ban Chính sách và để lại một lời cảm ơn: “Cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ nhưng hãy dành phần của chúng tôi cho những hoàn cảnh khác còn khó khăn hơn, vì chúng tôi còn tự xoay sở được”.

Có lẽ đây là lời từ chối của một người người đàn bà chất chứa đầy lòng tự trọng, sự lương thiện và luôn biết nghĩ cho người khác.

Rõ ràng, lá đơn đầy lòng tự trọng của bà Ngát khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những gì đang diễn ra. Đó là những người thuộc đối tượng khó khăn, họ xứng đáng được thụ hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn sẵn sàng từ chối để nhường lại cho người khác.

Tấm lòng của bà Ngát sẽ là tấm gương soi chiếu để các ngành, các cấp chính quyền càng phải cẩn trọng hơn trong việc chi trả tiền hỗ trợ, để chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ được thực hiện một cách đầy đủ, đúng đối tượng, không để cho cá nhân, đơn vị trục lợi, vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tấm lòng cao cả: Một người trong vạn người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO