Người may mắn được gặp và vẽ Bác Hồ

Mai Hoàng 31/05/2016 14:00

Từng hai lần được gặp Bác, lại được chọn vẽ minh họa hai cuốn sách mà nhiều thế hệ các gia đình Việt Nam còn lưu giữ và truyền tay nhau đọc là “Theo chân Bác” và “Bác Hồ kính yêu”, họa sĩ Văn Thơ cho biết, trong cuộc đời ông, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp và vẽ Bác Hồ. 

Họa sĩ Văn Thơ.

Vinh dự, xúc động

Dưới cái nắng tháng 5 chan hòa, họa sĩ Văn Thơ đã kể cho chúng tôi nghe về công việc đầy trách nhiệm và vinh dự ấy của cuộc đời họa sĩ của mình.

Theo Văn Thơ, từ thuở bé ông đã thích vẽ. “Thời chống Pháp, một lần tôi nhặt được mẩu báo trong đó có vẽ chân dung Bác Hồ và giữ rất kỹ. Sau này, tôi mới biết bức chân dung Bác Hồ do họa sĩ Phan Kế An vẽ”, họa sĩ nhớ lại.

Họa sĩ Văn Thơ vẫn nhớ như in, tháng 5/1962 diễn ra Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc thì đến tháng 6 ông nảy ra ý định vẽ bức tranh Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua ấy. Lúc đó ông đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục. Có những người ở gần thì ông đến tận nơi để vẽ họ, còn những người ở xa thì ông nhìn qua ảnh. Mất khoảng 2 tháng thì bức tranh “Bác Hồ với công nhân” bằng sơn dầu hoàn thành. Gọi là vậy vì những anh hùng, chiến sĩ thi đua ông chọn vẽ đều ở ngành công nghiệp, mặc quần áo công nhân.

Tháng 10/1962, bức tranh được mang triển lãm mỹ thuật toàn quốc bày ở 45 Tràng Tiền (Hà Nội). Bác Hồ đã đến tận nơi xem bức tranh. Bác nhận ra đó là 24 anh hùng, gọi tên một số người. Lúc đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã mua bức tranh này. Đó là hạnh phúc rất lớn đối với ông.

Sau thành công ấy, ông tiếp tục vẽ Bác, trong đó có bức “Bác đến thăm gia đình nông dân” miêu tả Bác Hồ nắm tay một em bé, xung quanh có ông bà, bố mẹ… Bức tranh này đã được trưng bày ở một cơ quan lớn ở Hà Nội. Một bức khác vẽ Bác Hồ đến thăm nông dân ở ngoài cánh đồng, từng được trưng bày ở Ủy ban Nông nghiệp của Trung ương, vẽ tại nhà của nhà thơ Tố Hữu.

Bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi trong cuốn “Theo chân Bác”.

Năm 1975, NXB Kim Đồng muốn ông vẽ minh họa cho cuốn sách “Theo chân Bác” vì biết ông đã vẽ về Bác thành công nhưng ông thấy rất khó vì không biết vẽ thế nào. Rồi ông chọn vẽ theo phong cách sơn mài với chất liệu là vàng son, trời có thể vàng, đất và cây cối có thể màu son vì tranh sơn mài đó là chất liệu truyền thống và có thể thoát ra khỏi cách tả thực. Trông những bức tranh rất giống tranh sơn mài. Theo hoạ sĩ Văn Thơ, ngay cả anh em trong giới họa sĩ và họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng bảo “Đây là tranh sơn mài” nhưng ông bảo đó chỉ là tranh minh họa thôi.

Để có được điều đó, Văn Thơ đã đọc rất kỹ nội dung “Theo chân Bác” để cứ cách một, hai trang lại tìm ý phù hợp để minh họa. 12 bức tranh đã diễn tả Bác từ lúc còn trẻ, lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến cuối đời. Cuốn sách đã tái bản nhiều lần và họa sĩ Văn Thơ cũng đã nhiều lần chỉnh sửa những bức tranh cho ưng ý, hoàn chỉnh hơn và cũng nhiều bức tranh trong cuốn này được lấy làm bìa cho những cuốn khác.

Mỗi lần đưa cọ để vẽ tranh về Bác Hồ là ông đều thấy rưng rưng, xúc động và làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả sự tự hào vinh dự với niềm kính yêu tràn ngập trong lòng. Ông cũng cho biết, nhà thơ Tố Hữu từng mua nhiều cuốn “Theo chân Bác” của NXB Kim Đồng để tặng cho các đoàn đại biểu trong miền Nam ra và tặng bạn bè các nơi.

Mãi mãi không quên

Họa sĩ Văn Thơ kể, đời ông vinh dự hai lần được gặp Bác. Đến nay tuổi cao, sức yếu nhưng kỉ niệm đó, vinh dự đó ông vẫn nhớ như in. Bây giờ gợi lại, kí ức ông vẫn còn tươi nguyên, sống động như một cuộn phim. Văn Thơ còn nhớ, lần thứ nhất được gặp Bác Hồ là vào năm 1961 ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội), lúc đó ông được đại diện Bộ Giáo dục đón Bác đi công tác về. Ông ít tuổi, được đứng hàng đầu nên được Bác bắt tay.

Lần thứ 2 tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, lúc đó ông là đại biểu trẻ nhất của giới họa sĩ, còn nghệ sĩ Trà Giang là đại biểu trẻ nhất của giới điện ảnh. Lúc đó, họa sĩ Văn Thơ ngồi cạnh họa sĩ Nam Sơn (người cùng họa sĩ người Pháp Tardie thành lập nên ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương). “Ông Nam Sơn lúc bấy giờ có hỏi tôi cháu có trẻ hơn cô Trà Giang không thì tôi bảo chắc Trà Giang trẻ hơn. Vừa rồi, chị Trà Giang có đến thăm tôi, chúng tôi ngồi ôn lại kỉ niệm hồi được gặp Bác Hồ lần ấy, chị Trà Giang có xác nhận với tôi rằng chị sinh năm 1942, vậy chính xác chị là người trẻ nhất”, họa sĩ Văn Thơ kể.

Họa sĩ Văn Thơ vẫn nhớ rất rõ rằng khi Bác Hồ đến, Bác hỏi ai là người già nhất thì cụ Phan Chánh đứng lên, Bác lại hỏi ai là người trẻ nhất thì diễn viên Trà Giang đứng dậy. Dù không phải là người vinh dự được gần Bác lúc ấy nhưng niềm xúc động trong Văn Thơ vẫn còn nguyên đến tận bây giờ, cũng như cả giấy mời dự đại hội Văn nghệ với tư cách là đại biểu chính thức cùng những bài báo viết về những bức tranh ông vẽ Bác Hồ và cả nhiều cuốn “Theo chân Bác” tái bản vẫn được ông giữ gìn như báu vật.

Hai lần được gặp trực tiếp Bác Hồ đã cho ông những cảm xúc đặc biệt. Văn Thơ bày tỏ: “Bác quá đẹp. Tôi thật hạnh phúc vì được ngắm Bác rất gần, nhìn rõ làn da, mái tóc, chòm râu, cảm nhận được cái đẹp của Bác toát ra từ phong thái tự nhiên, tự chủ, hết sức gần gũi, thân tình vừa giản dị vừa thiêng liêng, lại rất cao cả, vĩ đại”. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho ông trong việc thổi tình cảm vào màu, vào toan khi cầm cọ vẽ tranh về Bác Hồ. Nó khiến tranh của ông trở nên sống động hơn, chứa đựng nhiều tình cảm hơn, chân thực hơn.

Họa sĩ Văn Thơ chia sẻ, tranh vẽ về Bác Hồ thì nhiều, song để vẽ cho đẹp, cho toát lên được thần thái, phong cách, tinh thần của Bác thì rất khó. Dù vậy, khi vẽ về Bác Hồ, ông vẫn luôn dồn vào đó tất cả niềm vinh dự, tự hào để vẽ sao cho đẹp nhất, ưng ý, hoàn thiện nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người may mắn được gặp và vẽ Bác Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO