Người nông dân mù cùng cuộc hành trình truyền cảm hứng ở Vương quốc Anh

Mai Nguyễn (Theo The Guardian) 20/05/2022 13:45

Ông Mike Duxbury không bao giờ để việc mất thị lực kìm hãm bản thân. Đó là lý do cho sự ra đời của một trang trại giúp đào tạo những người khuyết tật khác cùng thích ứng với cuộc sống nông nghiệp.

Trang trại Hòa nhập

Ông Mike Duxbury là một người mất thị lực từ năm 6 tuổi do bệnh tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh. Lớn lên trong trang trại của gia đình, Duxbury quyết tâm không để việc mất thị lực cản trở bản thân theo đuổi sự nghiệp duy nhất mà ông hằng mong muốn.

Vào cuối những năm 1980, Duxbury đã nộp đơn vào tất cả các trường cao đẳng nông nghiệp trong cả nước, trước khi được chấp nhận bởi chỉ một trường duy nhất - trường Cao đẳng Nông nghiệp Warwickshire. Ông có trình độ chuyên môn về dinh dưỡng động vật và tốt nghiệp năm 1990 với bằng quản lý kinh doanh nông nghiệp.

Mike Duxbury và Ness Shillito, những người đồng sáng lập Trang trại Hòa nhập ở Bedfordshire, với những chú lợn của họ. Ảnh: The Guardian.
Mike Duxbury và Ness Shillito, những người đồng sáng lập Trang trại Hòa nhập ở Bedfordshire, với những chú lợn của họ. Ảnh: The Guardian.

“Ngay cả ở thời điểm đó, với rất nhiều định kiến khắc nghiệt, tôi vẫn đi học ở trường đại học để làm những điều tôi muốn. Ngôi trường Warwickshire đã cho tôi mọi cơ hội và tuyệt đối không bao giờ dựng lên trước tôi một rào cản”.

Cho đến nay, Duxbury và đối tác của ông, bà Ness Shillito đã cùng thành lập một trong những trang trại đầu tiên tại Vương quốc Anh chuyên đào tạo người khuyết tật làm nghề nông nghiệp.

Với 10 con lợn, 10 con cừu, 4 con dê và 50 con chim đẻ trứng, Trang trại Hòa nhập gần thị trấn Flitwick ở hạt Bedfordshire được xây dựng nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng được mong đợi ở bất kỳ trang trại nào của Anh. Hiện trang trại đang hướng dẫn cho các sinh viên khuyết tật từ trường Cao đẳng Milton Keynes – những người theo đuổi ước mơ chăm sóc động vật.

“Chúng tôi là một kiểu trang trại điển hình ở Anh, những gì sinh viên nhìn thấy và làm theo là một phần trong cuộc sống thường ngày tại các trang trại”, Duxbury nói. “Họ học được rằng động vật cần được giữ sạch sẽ, cho ăn và uống nước. Tôi sẽ không thêm bất cứ hoạt động nào dư thừa, mà đối với các sinh viên khuyết tật, là không cần thiết”.

Duxbury sửa chữa mái nhà. Ảnh: The Guardian.
Duxbury sửa chữa mái nhà. Ảnh: The Guardian.

“Tôi luôn đưa tay ra để cảm nhận và tôi biết chính xác mình đang ở đâu trong trang trại tại bất kỳ thời điểm nào”, nông dân Duxbury vui vẻ.

Trong gần một thập kỷ sau khi đủ điều kiện, ông Duxbury đã làm việc với tư cách là một chuyên gia chăn nuôi, đồng thời là một nhân viên nghiên cứu cho các công ty nông nghiệp quốc gia. Sau đó, ông chuyển sang làm việc trong lĩnh vực viễn thông. Tiền bạc tuy rủng rỉnh, nhưng công việc này đối với ông chỉ là một sự ‘cứu cánh’ nên bất cứ khi nào có thể, Duxburry vẫn luôn thường xuyên làm nông.

Hy vọng cho người khuyết tật

Vào tháng 9/2021, vỡ mộng vì sự thiếu đa dạng trong ngạn nông nghiệp, ông bắt đầu chứng minh một quan điểm với thế giới: người khuyết tật nên được quyền có thể tham gia vào bất kỳ ngành nghề nào họ chọn. Với sự giúp đỡ của nhiều cư dân địa phương, Duxbury cùng bà Shillito đã bắt đầu biến một cánh đồng thuê với cây xanh um tùm trở thành một trang trại làm việc cho người khuyết tật.

Trang trại đã được điều chỉnh cho phù hợp với những người có nhiều nhu cầu về thể chất và Duxbury tin rằng đây là một phương án khả thi. Mỗi chuồng nuôi động vật sẽ có một mặt tiền khác nhau với các hình dạng độc đáo được cắt thành hàng rào, điều này sẽ giúp Duxbury có thể di chuyển xung quanh trang trại mà không cần sự trợ giúp. Thay vào đó, ông có thể cảm nhận được mọi thứ bằng cảm giác, âm thanh và kết cấu.

Hàng rào có các mẫu và kết cấu khác nhau để Duxbury có thể tìm đường bằng cách chạm vào. Ảnh: The Guardian.
Hàng rào có các mẫu và kết cấu khác nhau để Duxbury có thể tìm đường bằng cách chạm vào. Ảnh: The Guardian.

“Từ quan điểm xúc giác, tôi đã sử dụng các loại mặt trước khác nhau cho mỗi chuồng. Loại có rào phía trước, loại có lưới sắt hoặc loại có dây điện. Tất cả đều giúp tôi nhận biết trong nháy mắt. Khi tôi nói 'trong nháy mắt', ý là tôi sẽ đưa tay ra để chạm vào. Tôi biết chính xác mình đang ở đâu tại bất kỳ thời điểm nào”, ông kể.

Những tấm thảm được đặt một cách có chủ đích xung quanh trang trại để có thể được sử dụng như một công cụ điều hướng: “Điều đó đồng nghĩa với việc, khi tôi mang theo xô thức ăn và đang ở cùng những chú dê, tôi sẽ không đưa đống thức ăn đó cho lũ gà”.

Thảm có kết cấu đã được đặt trên mặt đất để giúp Duxbury điều hướng xung quanh trang trại. Ảnh: The Guardian.

Không biết có tổng cộng bao nhiêu người khuyết tật hiện đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Tổ chức Từ thiện Nông nghiệp Hoàng gia - một tổ chức từ thiện quốc gia cung cấp sự hỗ trợ cho các cộng đồng nông dân địa phương trên khắp nước Anh và xứ Wales ước tính rằng, 21% trong tổng số người nông dân đang gặp vấn đề với việc đảm nhận các hoạt động thông thường của họ.

Mark Thomas, thuộc Mạng lưới Cộng đồng Nông dân nói rằng, có rất nhiều cuộc gọi mà tổ chức từ thiện nhận được là từ những người nông dân gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, những yếu tố có thể khiến họ không thể lao động.

Bà Ness Shillito, người đồng sáng lập Trang trại Hòa nhập, với một trong những chú lợn. Ảnh: The Guardian.
Bà Ness Shillito, người đồng sáng lập Trang trại Hòa nhập, với một trong những chú lợn. Ảnh: The Guardian.

Thế giới đã thay đổi

Tại Trang trại Hòa nhập, điện và nước sinh hoạt vẫn chưa được lắp đặt, nhưng Duxbury và Shillito đã bắt đầu thu nhận 14 sinh viên đầu tiên để hoàn thành các khóa học của họ.

Duxbury nói: “Vẻ đẹp của trang trại đến từ những người ở các cộng đồng khác nhau, với những nguyện vọng khác biệt, có thể mang lại điều gì đó mới mẻ cho nông nghiệp nước Anh, biến mọi thứ trở nên hiện đại hơn, có tư duy rộng hơn và phù hợp hơn với thế kỷ 21”.

Ngoài nông nghiệp, thông điệp của ông đối với các ngành công nghiệp khác chính là: “Khi bạn đang tuyển dụng và gặp gỡ những người bị khuyết tật hoặc có vấn đề, thay vì chỉ phớt lờ họ, hãy nói chuyện và thấu hiểu những con người với quyền bình đẳng như chúng ta”.

Nông dân Dorset Jyoti Fernandes, điều phối viên chính sách của Liên minh những người làm nông, được nuôi dưỡng bởi một người mẹ mù đã nói rằng, tấm gương của Duxbury chính là một động lực mạnh mẽ cho những ‘người cùng khổ’.

Duxbury với một trong những con ngỗng của mình. Ảnh: The Guardian.
Duxbury với một trong những con ngỗng của mình. Ảnh: The Guardian.

“Mọi người luôn có cơ hội làm bất cứ điều gì mà họ cảm thấy mình có khả năng. Con người nên được phép tiếp cận công việc một cách bình đẳng - bất kỳ công việc nào mà họ mong muốn, ngay cả khi họ là người khuyết tật”, ông khẳng định.

Duxbury hy vọng cuối cùng bản thân sẽ có thể mở rộng khu đất hơn để trang trại phát triển mạnh mẽ, dạy cho sinh viên nhiều kỹ năng nông nghiệp và đưa nhiều sản phẩm ra thị trường hơn.

Duxbury nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cố gắng mang đến cho mọi người hy vọng và cơ hội ngừng suy nghĩ về những hạn chế và bắt đầu xem xét những gì họ thực sự có thể làm được”.

Một con dê trong Trang trại Hòa nhập, trước một nơi trú ẩn do Duxbury xây dựng. Ảnh: The Guardian.
Một con dê trong Trang trại Hòa nhập, trước một nơi trú ẩn do Duxbury xây dựng. Ảnh: The Guardian.

“Khi tôi còn ở trường đi học, rất nhiều người lớn muốn đưa ra quyết định cho chúng tôi vì chúng tôi là những 'người tàn tật tội nghiệp' không thể đưa ra quyết định cho chính mình. Nhưng chúng tôi có thể tự mình làm được điều đó”.

“Thế giới đã không còn giống như trước đây về công nghệ và cả những định kiến của con người. Có rất nhiều chỗ cho những người khuyết tật như tôi thuộc về và phát triển sự nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào chúng tôi lựa chọn”, ông cười.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nông dân mù cùng cuộc hành trình truyền cảm hứng ở Vương quốc Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO