Người tài trên non cao

Thư Hoàng 25/08/2015 21:08

Trên những cung đường Tây Bắc, thi thoảng chúng tôi gặp được những con người hết lòng để gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ là những người đàn ông tài hoa, bền bỉ làm, vì tình yêu với tộc người của mình. Ông Lý Seo Hồ và thi sĩ Pờ Sảo Mìn vùng đất Lào Cai là hai trong số những người như thế.

Người tài trên non cao

Ông Lý Seo Hồ đang biểu diễn bài múa khèn độc đáo

“Cao thủ khèn quyền” trên cao nguyên trắng

Đến Bắc Hà (Lào Cai), nhiều người mải mê với sắc chợ, với rượu ngô Bản Phố thơm nồng. Nhưng ít người biết, cũng chỉ cách khu chợ trung tâm thị trấn vài ba cây số thôi có một người đàn ông Mông nổi tiếng, nhà ông là điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài. Họ trìu mến gọi ông là “nghệ nhân Lý Seo Hồ”. Ngoài ra, ông cũng được coi là cao khủ “khèn quyền” của người Mông ở cao nguyên trắng này.

Thấy chúng tôi đến, ông Lý Seo Hồ lấy bình rượu ngô tự tay ông nấu ra rót mời khách. Rượu sánh chút ra bàn, thay vì lấy khăn lau, ông quẹt que diêm đốt. Ngọn lửa xanh cháy leo lét, đủ biết rượu ngon, mạnh thế nào. Uống chén rượu xong, ông Lý Seo Hồ bắt đầu nói về cây khèn Mông. Ông cho biết, khèn là một nhạc cụ độc đáo, gắn bó với đời sống của người Mông. Ống khèn Mông thường được làm từ cây trúc vàng và thân làm từ gỗ pơmu. Người Mông thường hay dùng khèn để múa trên những bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng vào những ngày lễ, tết, ngày hội hay ngày vui của gia đình, dòng họ với những vũ điệu uyển chuyển, tinh tế. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đan chân, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn và hàng loạt các động tác khó diễn ra trong mỗi điệu múa, khi múa, tiếng khèn vẫn được vang lên những âm điệu phù hợp với điệu múa, nhảy do người biểu diễn tự chọn lọc trong từng thời điểm.

Nhưng điều tạo nên sức hấp dẫn của ông Lý Seo Hồ, khiến nhiều du khách nước ngoài trầm trồ thán phục, và gọi ông là “nghệ sĩ”, bởi ngoài sự am hiểu về cây khèn Mông, có thể giảng giải cặn kẽ về cây khèn, thì ông Lý Seo Hồ còn biết biểu diễn múa khèn Mông. Thổi khèn hay với nhiều người đã khó. Vừa thổi khèn hay vừa biết múa khèn thì càng ít người làm được. Ông cho biết từ năm 13, 14 tuổi đã học, luyện múa khèn của một bậc cao thủ trên đất Simacai.

Men rượu ngà ngà, ông Lý Seo Hồ với tay lấy chiếc khèn treo trên đốc nhà. Ông bắt đầu thổi, tiếng khèn du dương mê hoặc. Rồi ông múa. Những bước chân trần như đan như dệt trên nền ngôi nhà đất âm âm u u. Rồi bất ngờ, ông vừa thổi khèn vừa tiến ra sân. Khoảng sân rộng phía trước thoáng chốc đã thành sân khấu biểu diễn của “nghệ nhân Lý Seo Hồ”. Các vũ điệu như đan chân, nhảy tiến, nhảy lùi, nhào lộn, vặn người được ông kết hợp nhuần nhuyễn với tiếng khèn vang lên.

Bài múa kết thúc, cũng là lúc tiếng vỗ tay vang lên. Ông Lý Seo Hồ dừng lại, chụp ảnh lưu niệm với khách, cũng là lúc để ông nghỉ một chút lấy sức sau bài múa khèn độc đáo. Rồi ông cho biết, tiếng khèn khi ngân lên đi kèm theo các vũ điệu đều thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông. Thông qua tiếng khèn, qua từng động tác, người biểu diễn đều gửi gắm những ấn tượng khó quên đến với người nghe và người xem. “Khèn quyền thiên về biểu diễn, vì thế yêu cầu võ sĩ vừa thổi khèn mua vui cho mọi người lại vừa triển khai các thế võ làm sao cho đẹp mắt. Người biểu diễn phải thể hiện được võ công cao cường thông qua các đường quyền uyển chuyển, mềm mại nhưng tinh tế”, ông Lý Seo Hồ nói.

Để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa cho bà con, ông Lý Seo Hồ còn là người dạy múa khèn, thổi khèn và cách sử dụng một số nhạc cụ khác như thổi sáo, múa sinh tiền… cho những người yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình.

Người tài trên non cao - 1

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, bên cạnh làm thơ là… làm ruộng

Thi sĩ nổi tiếng nhất của tộc người Pa Dí

Một bữa khác, tôi đến Mường Khương. Vẫn thuộc địa giới của Lào Cai, nhưng là hai ngã rẽ khác nhau, cách nhau gần 100 cây số, vì vậy cung đường Mường Khương khác hẳn với Bắc Hà. Những ai từng đi Mường Khương qua đèo Pha Long chắc cũng có cảm nhận như tôi: Cung đường này vắng. Sa Pa, Bắc Hà là điểm đến của nhiều du khách, của nhiều tour tuyến du lịch trong và ngoài nước, vì thế luôn đông xe cộ, đông người với đủ màu áo màu da, giọng nói. Còn đến với Mường Khương, phần đông là dân mê “phượt”, hoặc thích kiểu “du lịch bụi”. Nhưng chuyện về những vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ của xứ Mường Khương xin hẹn một dịp khác sẽ kể. Còn lúc này tôi muốn nhắc tới một thi sĩ nổi tiếng ở xứ này. Đó là nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Đặt chân tới thị trấn Mường Khương, hỏi đường đến nhà của Pờ Sảo Mìn, nhiều người tận tình chỉ đường. Nhà ông Mìn loách ngoách qua nhiều lối rẽ, mãi rồi chúng tôi cũng đến được, khi cái nắng cuối chiều đang nhạt dần.

Khi chúng tôi đến, ông đang đi cuốc đất ở mảnh ruộng cách nhà không xa. Gọi to ông nghe thấy. Thấy có khách, ông lật đật vác cuốc về. Dáng người hom hem. Nước ra đen ánh. Chân trần còn lấm đất. Ông Mìn vuốt mồ hôi dòng dòng trên áo, bắt tay hỏi han thắm thiết. Rồi ông kéo vào nhà, rót rượu mời uống thay uống nước.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn sinh lúc nửa đêm ngày 1-1-1946 tại thôn Na Khui, xã Mường Khương, dưới chân rừng cấm Cốc Chứ. Ông là người dân tộc Pa Dí, một trong những dân tộc thuộc ngữ hệ Tày - Thái trên rẻo cao Mường Khương hùng vĩ. Thi sĩ Pờ Sảo Mìn có những vần thơ mà người dân tộc Pa Dí và nhiều người của các dân tộc khác đã thuộc lòng: “Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây hai ngàn chiếc lá… Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn ngàn cây đứng..”

Ông làm bài thơ này vào quãng những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đó người Pa Dí khoảng 2.000 người. Đến nay sau khoảng 50 năm, người Pa Dí ở Mường Khương ước khoảng 3.000 người. Dù thời cuộc có nhiều biến chuyển, nhưng từ bấy đến nay, Pờ Sảo Mìn vẫn chỉ coi mình là 1 trong vài nghìn chiếc lá ấy, và ông đã sống cả cuộc đời với đất và người nơi đây. Chúng tôi đề nghị thi sĩ chân đất Pờ Sảo Mìn đọc lại bài thơ “Con trai người Pa Dí” nổi tiếng của ông. Uống thêm chén rượu, giọng ông vang lên:

Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo
Uống nước nguồn trong veo
Con trai người Pa Dí
Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng
Dáng có vẻ ngang tàng như quẫy đạp trần gian
Con trai người Pa Dí...
Đã đi là đến
Đã đến là ở
Đã ở là ở rất lâu
Đã yêu là yêu nhiều, yêu mãi
Yêu cho hết tận cùng man dại
Con trai người Pa Dí
Không hận thù ghét bỏ cùng ai
Đi chín phương là chín phương bè bạn
Đến mười phương là mười miền thương nhớ
Bạn ơi...

Người tài trên non cao - 2

Thi sĩ Pờ Sảo Mìn qua nét vẽ của
nhà thơ Trần Nhương

Nhà thơ Hà Văn Thể từng nhận xét, cả đời Pờ Sảo Mìn bám rễ với quê hương, làm thơ về quê hương là để thổi vào đó tình yêu, khát vọng của dân tộc mình, khát vọng vươn lên làm chủ một đời sống văn hóa mới. Bản thân nhà thơ và các thành viên trong gia đình đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong việc tìm kiếm tri thức văn hóa.

Quả đúng như vậy, thi sĩ Pờ Sảo Mìn là người đã tôn vinh tộc người Pà Dí trên non cao Mường Khương bằng những vần thơ gần gũi, dễ nhớ dễ thuộc. Vì thế, không chỉ người Pa Dí thuộc thơ ông, người Kinh cũng thuộc thơ ông. Thơ ông vang vọng cả ở một vài nước trên thế giới. Thơ ông như tiếng hót của một loài chim rừng hoang dã, vang lên từ sâu thẳm tâm hồn: “Dáng trai trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày/ Con gái đẹp trong giá buốt đông sang/ Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng”…

Nhiều người có thể chưa biết, nhà thơ Pờ Sảo Mìn xuất thân từ một người chăn ngựa. Có thế chính cái tên ông đã vận vào ông? Bởi theo tiếng Pa Dí, Pờ Sảo Mìn có nghĩa là Bạch Thiếu Minh, ngoài ra thuở bé cha mẹ còn gọi với những cái tên khác: Pờ Seo Cáo, nghĩa là Bạch Tiểu Cao; Pờ Seo Mả, nghĩa là Bạch Tiểu Mã. Ông Mìn nhớ lại, khi ấy mới 12 tuổi (1958) ông được chọn làm người “giám mã” - trông ngựa cho UBND huyện Mường Khương. Bên cạnh công việc ấy, chàng “Bạch Tiểu Mã” còn được giao nhiệm vụ làm liên lạc đưa thư từ, công văn tới các thôn bản. Sau đó, ông được cho đi học trường Viết văn Ngyễn Du khóa 2, và để lại những vần thơ gần gũi, giàu liên tưởng. Như những vần thơ ông viết cho chính mình: “Tôi chỉ là con gà rừng/ Trên triền núi cao hoang vu/ Uống sương mù và ăn sỏi đá/ Và tiếng gáy chẳng còn ai xa lạ - Te..te...te...”

Người tài trên non cao - 3

Ông Lý Seo Hồ năm nay ngoài 70 tuổi, nhưng khi gặp, vẻ nhanh nhẹn và nụ cười tươi khiến ông như trẻ hơn cái tuổi của mình. Ở đất này, ông Seo Hồ nổi tiếng là người nắm giữ nhiều bí quyết về các loại nhạc cụ của dân tộc Mông, đặc biệt là cây khèn Mông. Ông cũng là người thuộc tới hơn 300 bài hát dân ca cổ dân tộc Mông với rất nhiều điệu múa, tiếng khèn, đánh võ tay… Với vốn liếng ấy, ông Lý Seo Hồ được ví như nghệ nhân tiêu biểu cho những ai muốn tìm hiểu về bản sắc người Mông khi đến với Lào Cai.

Người tài trên non cao - 4

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn từng được đi học cơ khí ở Tiệp Khắc 7 năm. Tuy nhiên thơ ca lại có sức hút ghê gớm, khiến ông gắn bó cả cuộc đời. Ông đã ra mắt chục tập thơ, từng đoạt 4 giải thưởng văn học với 4 tập thơ “Biển Chàm trên núi”, “Lời của dân tộc tôi”, “Cây hai ngàn lá và bài ca hoang dã”, “Người con trai Pa Dí”. Đặc biệt, bài thơ “Cây hai ngàn lá” ra đời cách đây gần nửa thế kỷ là bài thơ đã khiến dân tộc ông được biết tới nhiều hơn trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tài trên non cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO