Nguồn lực Kiều bào

QUỐC ĐỊNH 30/01/2022 09:00

Kiều hối năm qua được chuyển về nước vẫn tăng mạnh, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nhân kiều bào cho rằng, bà con ta ở nước ngoài vẫn còn nhiều tiềm năng khác mà đất nước có thể khai thác để có thêm nguồn lực lớn phát triển.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các thanh niên, trí thức kiều bào trẻ tại Côn Đảo.

Nhiều tiềm năng

Thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng thu nhập ước tính của người Việt khoảng trên 50 tỷ USD. Cho đến nay, có gần 4.000 dự án đầu tư của kiều bào với tổng số vốn xấp xỉ 20 tỷ USD.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kiều hối năm nay vẫn tăng mạnh. Theo ông Nghĩa, trước đây, kiều bào gửi tiền về thường để giúp đỡ người thân nhưng nay số lượng tiền lớn gửi về nhằm vào kinh doanh, mua nhà, mua đất thậm chí còn mua cả những khoản nợ xấu. Nguyên nhân kiều hối “chảy” về nước tăng nhanh là do tiền Đồng của Việt Nam ổn định, bên cạnh đó còn do những chính sách của Nhà nước và môi trường đầu tư trong nước đã được cải thiện đáng kể, vì vậy bà con yên tâm hơn khi đầu tư về nước. “Trong thời gian tới dự báo thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ khởi sắc, nhiều người sẽ nhắm đến các lĩnh vực này và lúc đó lượng tiền chuyển về sẽ không ngừng gia tăng” - ông Nghĩa nhận định.

Nguyên nhân kiều hối “chảy” về nước tăng nhanh là do tiền đồng của Việt Nam ổn định, bên cạnh đó còn do những chính sách của Nhà nước và môi trường đầu tư trong nước đã được cải thiện đáng kể, vì vậy bà con yên tâm hơn khi đầu tư về nước.

Trở về từ Australia, ông Nguyễn Ngọc Mỹ được biết đến là người có nhiều năm gắn bó với công tác kiều bào cũng như đầu tư kinh doanh và đóng góp xây dựng đất nước. Ông cho biết, kiều bào ta không chỉ có nguồn vốn dồi dào mà còn nhiều thế mạnh khác cần được quan tâm hơn nữa để sử dụng có hiệu quả như: Nguồn lực chất xám, với nhiều nhà khoa học, chuyên gia quản lý trên nhiều lĩnh vực đặc biệt công nghệ cao; quy trình sản xuất, các bằng sáng chế, tác phong làm việc hiện đại mà họ học được bài bản ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, họ còn khả năng lớn thiết lập các mối quan hệ kinh tế, tìm kiếm đối tác, làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Theo ông Mỹ, vận dụng được lợi thế đó mới là điều quan trọng cho đất nước phát triển bền vững, chẳng kém gì nguồn vốn đầu tư.

Từng có thời gian dài học tập và làm việc tại Nhật Bản, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng cũng được biết đến với nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo cầu nối cho những chuyến tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp hai nước. Đánh giá về chính sách liên quan đến công tác kiều bào, ông Dũng cho rằng, tôn trọng trí thức không nên chỉ dừng lại ở việc đãi ngộ chung chung mà phải bằng việc làm cụ thể, tôn trọng năng lực thực sự chứ không phải tôn vinh bằng cấp.

“Giải pháp để sử dụng trí thức Việt kiều, tôi nghĩ đó là giải pháp hai chiều: Chính phủ tạo môi trường và điều kiện cụ thể, hợp lý còn chúng tôi - những Việt kiều sẽ vận động nhau đóng góp xây dựng. Đặc biệt, Nhà nước không nên duy trì cơ chế “xin - cho”, cũng không nên để doanh nghiệp xin rồi Nhà nước mới cho mà cần chủ động xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp” -Tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.

Gặp gỡ doanh nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho đất nước.

Cải thiện thủ tục hành chính

Để phát huy hiệu quả nguồn lực từ kiều bào, ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, Nhà nước cần phải biết doanh nghiệp Việt kiều họ cần gì, họ có thể đóng góp những thứ gì để có sự điều chỉnh hợp lý. Điều doanh nghiệp ngại nhất là thủ tục kéo dài vì phần nhiều kiều bào vẫn trong tình trạng “một chốn đôi quê”, có người ở rất xa Việt Nam ngại đi lại làm thủ tục gây tốn kém. Trong khi đó, vấn đề kiều bào, nhất là công tác đầu tư lại liên quan nhiều bộ, ngành cho nên cần thành lập một cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ đứng ra lo liệu công tác này, hỗ trợ kiều bào.

Theo thống kê, hiện tri thức Việt kiều tập trung nhiều nhất ở Mỹ (150.000), Pháp (40.000), Canada (hơn 20.000)... Hầu hết các lĩnh vực đều có sự góp mặt của người Việt nhưng đông nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Trong khi số liệu của chương trình Social Culture Vietnamese thuộc mạng thông tin liên quốc gia Global Internet Working cho biết, có 40.000 trí thức người Việt tham gia hệ thống này. Trong đó, khoảng 65% có chuyên môn về máy tính, 15% là kỹ sư các ngành khác và 20% thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, kinh tế. Riêng Silicon Valey ở Mỹ có hơn 10.000 người Việt làm việc.

Với một nguồn lực lớn như vậy, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Sinh - Việt kiều Đức đề nghị, muốn thu hút được các nguồn lực của kiều bào, phải tiến hành cải thiện về chính sách, thủ tục bớt rườm rà, vướng mắc, giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, mặc dù sống xa quê hương nhưng bà con rất quan tâm tới tình hình mọi mặt của đất nước. Kiều bào ngày càng tích cực tham gia vào các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội lớn trong nước; các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ thân nhân, ủng hộ các chiến sĩ biên giới, hải đảo; đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước trước các vấn đề trọng đại về phát triển kinh tế, xã hội.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiều hối năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư thực tế, kiều hối không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn lực Kiều bào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO