Nguy cơ mất an toàn khi tích trữ thực phẩm

Nguyễn Hương 27/07/2021 07:41

Việc mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm của người dân dẫn đến tình trạng không bảo đảm an toàn khi sử dụng, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Theo các chuyên gia, mỗi gia đình nên trữ thực phẩm trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả thực phẩm đông lạnh như các loại thịt, hải sản…

Siêu thị vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các loại protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa…) khi bị vi sinh phân hủy đều sản sinh ra những độc tố có hại, tạo mùi hôi thối như: nitrit, amoniac...

Nếu con người hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính. “Do đó, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài sẽ gây mất an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm”, TS Hảo nhấn mạnh.

Những ngày giãn cách xã hội, người dân không khỏi lo lắng khan hiếm hàng hóa. Tuy nhiên, TP Hà Nội khẳng định, có đủ nguồn lực bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân. Vì vậy, người dân không nên tích trữ hàng hóa và càng không nên chen chúc mua hàng tích trữ tránh nguy cơ lây nhiễm.

“Người dân cần lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng điều kiện bảo quản và tuân thủ các nguyên tắc chế biến thực phẩm để có bữa ăn đủ dinh dưỡng và an toàn trong mùa dịch”, TS Hảo nói.

TS Hảo cũng khuyến cáo, người sản xuất, chế biến thực phẩm phải là “người sản xuất thực phẩm có lương tâm”, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.

Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Việc giết mổ gia súc, gia cầm phải qua kiểm soát của cơ quan thú y; không buôn bán, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm bị bệnh.

Theo quy định của Bộ Y tế, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chế biến thực phẩm.

Thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến... Phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà bông và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải đảm bảo môi trường luôn sạch và khô ráo.

Với khâu phân phối thực phẩm (chợ, siêu thị...), yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng vô cùng quan trọng. Ghi nhận của PV tại một siêu thị Vinmart+ ở quận Thanh Xuân, nhìn chung, nguồn cung hàng hoá vẫn đầy đủ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân trong thời gian phòng, chống dịch.

Đồng thời, siêu thị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân viên và người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K như: sát khuẩn trước khi vào siêu thi, đeo khẩu trang, người dân thanh toán đứng đúng khoảng cách…

Chị Hà Anh, cửa hàng trưởng tại siêu thị Vinmart+ Nguyễn Xiển chia sẻ: Mặc dù nguồn cung hàng hóa tại siêu thị trong thời điểm dịch bệnh còn gặp một số khó khăn, song trong bất kỳ tình huống nào, siêu thị cũng cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại siêu thị.

Theo ThS Mai Thị Mỹ Thiện, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Phổi trung ương, trong mùa dịch, người dân khi đi mua sắm ngoài thực hiện đúng quy định 5K, cần tuân thủ các nguyên tắc như sử dụng dụng cụ kẹp, gắp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, chọn thực phẩm tươi ngon, không bị hư hỏng, mọt mốc, hết hạn sử dụng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất an toàn khi tích trữ thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO