Nguy cơ mất việc

Tấn Thành - Chí Đại 28/07/2021 06:30

Nhiều nhân viên hợp đồng tại các Trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam gửi đơn đến Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi phản ánh: sau nhiều năm cống hiến giờ họ đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Một số nhân viên hợp đồng đang lo lắng nguy cơ mất việc.

“Nói không” với nhân viên

Theo đơn trình bày, đó là các giáo viên, nhân viên đã gắn bó với cơ quan Nhà nước, ngành giáo dục đã được trên 10 năm, tuổi đời từ 35 đến 45, có người đã 18 năm công tác. Tất cả họ đều được hợp đồng không xác định thời hạn, đóng BHXH theo quy định. Nay do tuổi đã cao, nếu bị mất việc rất khó tìm được công việc mới.

Năm 2014 UBND TP Tam Kỳ đã tổ chức xét đặc cách cho giáo viên, nhân viên hợp đồng. Nhưng trong số họ lúc bấy giờ có người thiếu 1 tháng, có người thiếu vài tháng đóng BHXH nên không được xét. Họ được động viên từ lãnh đạo là sẽ tiếp tục có những đợt xét đặc cách tiếp theo.

Đến năm 2016 và năm 2020, UBND TP Tam Kỳ tiếp tục xét đặc cách cho các đối tượng hợp đồng, tuy nhiên chỉ xét tuyển cho giáo viên nhưng không xét cho nhân viên.

Chị Phan Thị Thu Hiền, kế toán Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm việc trong cơ quan nhà nước 18 năm, trong đó ở ngành giáo dục 11 năm phản ánh: “Tại sao chỉ ưu ái cho giáo viên, còn kế toán, văn thư, nhân viên y tế, chúng tôi cũng công tác trong ngành lâu năm, cũng cống hiến hết mình, tại sao lại nói không với chúng tôi?”

Chị Trần Thị Hồ Vinh, nhân viên văn thư Trường THCS Nguyễn Huệ, TP Tam Kỳ cho hay, hiện đã có kế hoạch thi tuyển viên chức của tỉnh vào các vị trí việc làm như văn thư, kế toán, y tế và đã có văn bản chấm dứt hợp đồng đối với những nhân viên đang công tác nếu không trúng tuyển.

“Chúng tôi vô cùng lo lắng, vì hiện nay tất cả đều đã có gia đình, tuổi đời từ 35 đến 45 tuổi, đã công tác trong ngành giáo dục hơn 10 năm, con cái đang độ tuổi ăn học. Riêng tôi bị khuyết tật ở chân đi lại khó khăn, nên rất lo sợ nếu trượt thì không có công ăn việc làm để nuôi con nhỏ”, chị Vinh nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Tôi là nhân viên văn thư Trường Huỳnh Thúc Kháng, đã công tác trong cơ quan nhà nước 17 năm, trong ngành giáo dục 7 năm, chồng tôi là bộ đội công tác xa nhà, chỉ còn lại tôi là trụ cột của gia đình, nuôi 3 con đang tuổi ăn học và hai mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Nếu giờ thi rớt thì lấy gì mưu sinh để nuôi cả gia đình”.

Theo đơn trình bày, những nhân viên này mỗi người mỗi cảnh, nhưng đa số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái đang ở tuổi ăn học, chồng công việc không ổn định hay xa nhà. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào đồng lương của họ.

“Trong điều kiện thi tuyển như thế này thì chúng tôi rất thiệt thòi, nguy cơ mất việc rất cao, cuộc sống bế tắc, con cái dễ thất học, gia đình bất ổn đang hiện hữu trước mắt. Hơn 40 tuổi thì công ty, xí nghiệp nào tiếp nhận”, chị Hiền nói.

Tâm thư của nhân viên hợp đồng trong ngành giáo dục Tam Kỳ (Quảng Nam).

Liệu có công bằng?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Phòng GDĐT TP Tam Kỳ cho biết: “Trong cuộc họp với lãnh đạo thành phố và UBND tỉnh, chúng tôi đã kiến nghị tạo điều kiện để các nhân viên này được xét tuyển theo hình thức riêng vì họ đã đóng góp cho ngành nhiều năm. Tuy nhiên UBND tỉnh cho rằng, thi tuyển viên chức, công chức là phải công khai, minh bạch theo đúng quy định, vì thế các nhân viên này phải thi như các thí sinh khác”.

Nhiều nhân viên càng lo lắng, vì UBND thành phố Tam Kỳ lại ra một “văn bản lạ”. Đó là Báo cáo số 236/BC-UBND, gửi UBND tỉnh Quảng Nam. Trong văn bản này kiến nghị: “Nếu 14 nhân viên cao đẳng điều dưỡng không được tham gia kỳ thi viên chức nhân viên hành chính ngành giáo dục năm 2021 (do không đủ chuẩn - PV) thì được tiếp tục hợp đồng tại các trường học”.

Trước sự việc này nhiều nhân viên đã viết “tâm thư” gửi đến lãnh đạo thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam cho rằng, họ đã có nhiều năm làm việc cống hiến trong ngành, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với niềm hi vọng một ngày được xét tuyển vào biên chế như bao người đã được xét để yên tâm công tác, ổn định cuộc sống. Thế nhưng giờ đây họ đang đứng trước nguy cơ bị loại.

Còn đơn thư gửi đến Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết, họ trăn trở: “Cùng công tác trong ngành giáo dục nhưng giáo viên được ưu tiên trong xét tuyển viên chức, nhân viên thì không, giờ chúng tôi thi rớt là mất việc, còn nhân viên y tế không được thi, UBND thành phố kiến nghị tỉnh được tiếp tục hợp đồng. Như vậy có công tâm, công bằng hay không? Sau bao nhiêu năm cống hiến điều đó quá thiệt thòi cho đội ngũ nhân viên chúng tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO