Nguyễn Huy Tưởng ở góc nhìn nhật ký và tự truyện

GS Phong Lê 18/07/2015 09:30

Thao thức về sự nghiệp viết văn từ năm 1930. Đúng ở tuổi 30, vào năm 1942, cho ra mắt bạn đọc cùng lúc một tiểu thuyết và một kịch cùng về đề tài lịch sử. Và, chỉ với hai tác phẩm đầu tay này mà con đường mở đầu sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng gần như đã được khẳng định.

Nguyễn Huy Tưởng ở góc nhìn nhật ký  và tự truyện

Rồi từ khởi điểm đó, một đường ray sớm hình thành cho sự song hành suốt ngót hai mươi năm sau: văn xuôi và kịch, với chất văn trong kịch và chất kịch trong văn. Trên hành trình hai mươi năm ấy, từ tuổi 30 đến tuổi 49 (cái tuổi 49 nghiệt ngã trong đời người), cả một sự nghiệp sáng tác cũng giống như nhiều người khác, được kết nối bởi nhiều tác phẩm, qua nhiều thời kỳ, với các vui buồn của khen - chê và dư luận.

Nhưng lại có khác với nhiều người, chất lượng nghệ thuật và trữ lượng những suy nghĩ, tìm kiếm nơi Nguyễn Huy Tưởng dường như lại dồn vào hai đầu mút của cuộc hành trình, với khởi đầu là Vũ Như Tô và kết thúc là Sống mãi với Thủ đô; hai tác phẩm khác nhau về thể loại nhưng lại có cùng một âm hưởng: bi tráng và trầm hùng; một bi kịch trong âm hưởng trầm hùng, và một âm hưởng trầm hùng rải thấm trên nhiều bi kịch.

Năm 1996, 36 năm sau ngày qua đời, Nguyễn Huy Tưởng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuối 1996 Toàn tập Nguyễn Huy Tưởng gồm 5 tập, trên 4.000 trang cùng kịp ra mắt bạn đọc.

Một di sản khác, để bổ sung cho Toàn tập, xuất hiện sau 1996 - đó là 40 tập nhật ký - sổ tay, Nguyễn Huy Tưởng liên tục viết trong 30 năm - từ 1930 cho đến khi qua đời mà gia đình còn giữ lại được, như một bổ sung vô cùng quý giá để hiểu về Nguyễn Huy Tưởng, và về những tháng năm mà ông đã sống, lần lượt được ấn hành trong 3 tập vào năm 2006, ngót nửa thế kỷ sau ngày nhà văn qua đời.

Ba tập nhật ký, hơn 1.700 trang, kể từ ngày ghi đầu tiên là 2/11/1930 đến ngày cuối cùng là 21/6/1960, trước khi qua đời vào ngày 25/7/1960 - đó là một lượng trang ghi không có bộ nhật ký nào của bất cứ ai, trong số tác gia văn học Việt Nam so sánh được.

Một kỷ lục về số trang, và về thời gian ghi, nói lên sự bền bỉ ở một đời người, trong một thời cuộc đầy những biến thiên dữ dội, với các sự kiện dồn dập như những cơn bão lớn của lịch sử mà con người ở đây vừa là hiện thân, vừa là chứng nhân của lịch sử.

Nhật ký, sổ tay ghi chép - nơi con người thật nhất với mình, và cũng thật nhất với đời.

Nguyễn Huy Tưởng ở góc nhìn nhật ký  và tự truyện - 1

Từ trái qua: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao –
những cây bút chủ chốt của báo Văn nghệ và Cứu quốc trong kháng chiến chống Pháp.

Trong đời, việc ghi nhật ký và sổ tay vốn không phải là chuyện lạ, đối với nhiều người. Nhưng ghi đều đặn như một thói quen, hơn thế, như một kỷ luật đến thành nhu cầu, để lúc nào cũng có thể mình tự đối diện với mình, cho đến khi mang trọng bệnh và biết mình không qua khỏi vẫn ghi như Nguyễn Huy Tưởng thì đó lại là hiện tượng rất hiếm hoi.

Như vậy là ở khu vực rất riêng tư của những nghĩ suy, tâm tình, trò chuyện với mình trong suốt đường đời Nguyễn Huy Tưởng, bạn đọc chúng ta lại có thêm một bổ sung quan trọng để hiểu thêm nhiều chiều cạnh, nhiều mặt thầm lặng của những trang văn. Ví như tự truyện Cái đời tôi, Nguyễn Huy Tưởng viết tháng 10/1930 khi nhà văn 18 tuổi.

Ông viết về cái làng Dục Tú - quê ông; về ngôi nhà của gia tiên dường như lúc nào cũng cứ vẹn nguyên như thế theo năm tháng; về những cái chết đột ngột của những người thân yêu, trong đó gợi nhớ nhiều kỷ niệm đau xót nhất là cái chết của người em gái út; về quang cảnh sinh hoạt thôn dã quê ông: cảnh gặt đập vào mùa, cảnh dựng chòi và ở chòi với cha, nỗi sợ người ăn mày răng trắng nhởn mang áo tơi, niềm khâm phục người thợ mộc tài hoa có tên là chú Phó Cõi…

“Cái đời tôi” mang chất tự truyện này Nguyễn Huy Tưởng còn bỏ dở. Cùng với phần nhật ký được ghi vào những năm 1930 nó giúp ta hiểu thêm nhiều mảng sống cũ mang dấu ấn thời gian. Hình ảnh người cha thấp thoáng trong Cái đời tôi: một nhà Nho hỏng thi, bất đắc chí, sống một cuộc sống nói thật ra là vô vị, vô tích sự nhưng vẫn được sự trọng thị, kính nể của toàn gia đình - đó là một hình ảnh gần như phổ biến, đến thành điển hình trên nhiều trang văn những năm 1930, nó in đậm dấu ấn một thời giao thoa mới - cũ.

Cảm động trong tự truyện và nhật ký vẫn là hình ảnh bà mẹ, gần như khi nào cũng ẩn hiện trong tâm trí của người con, không phải chỉ với biết bao luyến nhớ mà còn với biết bao tự thú và ăn năn. Nhật ký ngày 5/1/1943 ông ghi: “Ôi, đau đớn cho mẹ, một mình một bóng, các con thì xa, tự mình tìm lấy thuốc thang. Sao ta thờ ơ làm vậy? Truyền bá quốc ngữ - Hướng đạo - Thơ văn. Nai lưng ra làm, mà có phút nào nghĩ đến mẹ! Tưởng bỏ ra mỗi tháng chục bạc gửi về, thế là xong. Ta vụng tính, ta bất hiếu. Hiếu có phải gửi tiền không đâu!”

Cái sự ăn năn đến xót xa này tôi nghĩ là câu chuyện thường xảy ra, có tính cách muôn thuở cho số lớn đời người, ở phần nửa sau cuộc đời. Nó từng là chất liệu cho Pautốpxki viết một truyện thuộc loại hay nhất của ông, có tên là Bức điện.

Nguyễn Huy Tưởng đã khóc trong ngày mẹ mất như được ghi trong nhật ký ngày 24/3/1943; để đến ngày 12/4/1943, ông ghi tiếp: “Xem một đoạn trong Tri Tân, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, chỗ Quỳnh Hoa khóc mẹ thì có khác chi ta khóc mẹ? Thực là điềm gở, cho nên mình mới cho Quỳnh Hoa khóc mẹ”.

Qua nhật ký và tự truyện của Nguyễn Huy Tưởng, điều bạn đọc có thể lưu tâm là một bối cảnh xã hội trong những chuyển động của buổi giao thời, với con đường nuôi thân, lập nghiệp của một lớp người - một lớp tuổi trẻ rồi sẽ vào đời, trưởng thành và làm nên sự nghiệp vào những năm 1930, đầu 1940. Một lớp tuổi trẻ rồi sẽ hướng vào con đường văn chương với mục đích kiếm sống, nhưng cũng không phải hoàn toàn chỉ có mục đích kiếm sống.

Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta được biết về ông, qua văn xuôi và kịch. Về một hành trình sáng tạo nhiều hồi hộp, sôi nổi, hào hứng nhưng cũng lắm khi khắc khoải, bi quan. Cái nghề văn được khẳng định từ 1930, như “phận sự của một người tầm thường”, “yêu nước” rồi sẽ thành một băn khoăn; thậm chí, một ăn năn thối chí, 28 năm sau, vào năm 1958 sóng gió, trong lời ông nói với vợ: “Sau này các con đừng cho chúng nó theo nghề văn làm gì cho nó khổ!”

Cố nhiên đây không phải là cái khổ do sự dày vò của ngôn từ - cái sự dày vò mà bất kỳ người viết văn chân chính nào cũng dám chịu chấp nhận, thậm chí còn xem đó là hạnh phúc. Cái hạnh phúc cũng đã hơn một lần được Nguyễn Huy Tưởng nói đến, cũng vào đầu năm 1958 căng thẳng ấy: “Cái vui sướng nhất là được viết, tuy nó vất vả một cách kiệt lực”.

Mạch sống riêng tư này rồi còn được tiếp tục trong các hồi ký của những người thân trong gia đình. Cảm động và nói được thật nhiều về Nguyễn Huy Tưởng là hồi ký của người vợ - bà Trịnh Thị Uyên: Nhà tôi - Kỷ niệm của một thời và mãi mãi. Bà Uyên khi bà nhớ lại những lúc hạnh phúc nhất của đời mình là được gần chồng, được thấy chồng mải mê trong công việc.

Đó là những ngày đầu sau Cách mạng: “Sung sướng nhất là những hôm nhà tôi làm việc ở nhà, chủ yếu là những khi anh ấy cần viết một cái gì đấy. Tiếng là ở nhà, nhưng cũng chẳng mấy khi vợ chồng trò chuyện được với nhau, vì anh ấy cứ ngồi viết suốt. Nhưng chỉ cần thấy bóng anh ấy trong nhà, cắm cúi bên bàn làm việc, là tôi đã thấy căn buồng như bừng sáng lên”. Kháng chiến xa nhau, trở về cuộc sống hòa bình ở thủ đô, lại hội họp liên miên. Hóa ra hòa bình rồi mà đời sống tinh thần lại quá ư căng thẳng. Nhất là từ giữa 1956 đến đầu 1958 - theo bà Trịnh Thị Uyên - “đó là những ngày đau đớn nhất của anh ấy những năm cuối đời. Đêm nào nhà tôi cũng thức viết nhật ký rất khuya, dường như tất cả những gì anh ấy không thể nói ra với ai hay chưa thể hiện được lên trên trang in, anh ấy dồn hết vào những cuốn sổ tay chỉ dành cho riêng mình”.

Nhưng cũng từ đỉnh cao của căng thẳng và dằn vặt đó, “may sao nhà tôi thôi công tác lãnh đạo (…) Tôi nói may đây không phải chỉ riêng cho anh ấy được chuyên tâm vào công việc mình thực sự yêu thích, mà cả cho tôi nữa từ nay được thường xuyên thấy cái bóng dáng quen thuộc của chồng mình cắm cúi bên bàn làm việc ở nhà”.

Đối với bà Uyên - đó là cái hạnh phúc bình thường mà thật là lớn lao, thắm thiết của người vợ.

Còn đối với chúng ta, đó là hạnh phúc rồi sẽ có Sống mãi với Thủ đô và Lũy Hoa, cùng những truyện viết cho thiếu nhi thật huy hoàng và trong trẻo.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960), sáng qua 17/7, tại xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) quê hương ông, UBND huyện Đông Anh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, NXB Kim Đồng đã tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng- Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh”.

Tham dự hội thảo có 26 bản tham luận viết về 5 mảng đề tài gồm: Quê hương Dục Tú, Đông Anh, khởi đầu những thành công của nhà văn, nhà văn hóa, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng; Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng và khai thác từ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng; Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường phổ thông; Hà Nội và tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng và Vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng.

Nhân dịp này, NXB Kim Đồng, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tổ chức tặng 3 cuốn sách mới được tái bản của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Hai bàn tay chiến sĩ” cho Trường Tiểu học Dục Đức, THCS Dục Đức (Đông Anh, Hà Nội).

M.Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Huy Tưởng ở góc nhìn nhật ký và tự truyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO