Nhà chỉ huy tình báo huyền thoại Hoàng Minh Đạo và một 'kỳ án' xảy ra 65 năm trước

Hồng Phúc 01/01/2016 13:25

Ngày 19-6-2015, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức trao giải cuộc thi tiểu thuyết, truyện ký về đề tài Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 3(2012-2015). Người viết bài này đã gặp bà Đào Thị Minh Vân, tác giả được giải với cuốn hồi ký Không thể mồ côi. Trong khi truyện trò, bà đã kể về cha mình: liệt sĩ Hoàng Minh Đạo (tức Đào Phúc Lộc, Năm Thu…), một trong những chỉ huy tình báo huyền thoại của quân đội ta, đã anh dũng hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông cuối năm 196

Nhà chỉ huy tình báo huyền thoại Hoàng Minh Đạo và một 'kỳ án' xảy ra 65 năm trước

Nhà tình báo lỗi lạc Hoàng Minh Đạo (1923-1969).

Đầu năm 1950, chú đã gặp cha cháu trong rừng miền Đông, cha thường nhớ cháu và hay nhắc tên cháu. Lần ấy chú được cha cháu giao nhiệm vụ thụ lý lại hồ sơ của 34 nghi phạm đều là đồng chí của ta đang phải chờ ngày thi hành án.

Thời kỳ đó Nam Bộ được chia thành hai phân liên khu là miền Đông và miền Tây. Bộ chỉ huy tình báo đặt ở Phân Liên khu miền Đông vì có trách nhiệm cả với phong trào của nước bạn Campuchia (còn gọi là Miên). Có một điệp viên vốn mẫn cán và được tin cậy (Ông Sáu Ninh đề nghị không nêu tên), đã mật báo cho cấp trên một chuyện động trời: trong nội bộ ta đang hình thành một tổ chức, cả thảy 34 người làm gián điệp cho Phòng Nhì, Pháp! Cho đến tận bây giờ, có thừa đủ thời gian để nhìn lại, vẫn không thể làm rõ, người mật báo ấy xuất phát từ động cơ gì? Có thể do cơ sở cung cấp tin sai lệch, anh ta ấu trĩ dẫn đến mù quáng trong nghiệp vụ; có thể do anh ta quá cảnh giác mà lẫn lộn địch, ta; cũng có thể anh ta đã mắc kế ly gián, phao tin đồn nhảm của địch… Những nghi can lần lượt bị bắt, ban đầu họ đều kêu oan, nhưng bị bức cung, mớm cung, có cả tra tấn, đã làm họ không thể chịu đựng nổi và đều phải nhận tội “gián điệp”. Trường hợp của vợ chồng ông N.T.T thì quá đau lòng. Ông N.T.T từng vượt ngục với đồng chí Lê Duẩn, do bị bức bách đã quyết “chết cho xong!” Và ngay sau khi thấy chồng chết, vợ ông cũng thắt cổ tự vẫn theo.

Khi nhận được chỉ thị của cha cháu, ban đầu chú không khỏi lo lắng, phân vân. Như vậy, sẽ phải thẩm tra lại cả 34 bộ hồ sơ vừa được hoàn tất và phải làm gấp trong một thời gian ngắn. Đó là nhiệm vụ rất nặng đối với một người. Chỉ cần phát hiện ra một vài nghi vấn ở bộ hồ sơ nào đó, là có thể sẽ liên quan đến các hồ sơ khác, phải làm lại từ đầu, rồi có thể sẽ xuất hiện thêm các “mớ bòng bong” không biết khi nào gỡ rối xong. Vả lại, chú đang ở miền Tây gạo trắng nước trong, trong khi sinh hoạt miền Đông vất vả hơn nhiều. Điều tra lại, là phải trèo đèo lội suối, trong điều kiện địch ruồng bố liên miên. Nhiều khi sẽ phải ôm cả đống hồ sơ chạy cho thoát, hồ sơ còn quý hơn tính mạng mình, vì đó hàm chứa tính mạng của cả 34 con người. Nhưng rồi chú nghĩ đến nhiệm vụ, đến những người đồng chí như vợ chồng N.T.T, hay cả những người vì điều kiện trong tù thiếu thốn đã mắc bệnh qua đời…chú quyết định nhận nhiệm vụ và vào cuộc ngay. Vừa sang miền Đông nhận bàn giao, thì gặp được cái may đầu tiên. Bộ phận công an giữ hồ sơ, đang có “thừa” một con ngựa đua mới đưa từ đồng bằng lên và chú được giao toàn quyền sử dụng. Thế rồi liên tiếp những chuyến đi con thoi, đến từng nơi đối tượng hoạt động cả trên đất ta và đất Miên để gặp lại các nhân chứng. Nhờ được cưỡi ngựa mà đi về khá nhanh, giải quyết việc thuận lợi. Miền Đông ngày đó trong rừng còn nhiều cọp, may mắn nữa đến với chú, có đôi lần giáp mặt “ông kễnh” không hiểu sao nó đều chủ động… quay đi. Chú cứ vùi đầu nghiên cứu hồ sơ, lật đi lật lại từng chi tiết, rồi còn đối chất với người thụ lý trước. May sao, mỗi lần thụ án lại một hồ sơ như thế, chỉ càng làm sáng tỏ điều linh cảm, nhận định ban đầu của cha cháu- ông Hoàng Minh Đạo: khả năng rất lớn, tất cả đang bị hàm oan!

Sau nửa năm, chú đã hoàn tất việc điều tra lại vụ án; rồi chuyển báo cáo lên cha cháu xem xét, kết luận. Rồi hồ sơ được chuyển tiếp lên cấp phê duyệt cuối cùng.

Vụ án đã quá lâu, không thể kéo dài thêm được nữa, song chẳng lẽ cả 34 người đều trắng án?

Hội nghị của Phân Liên khu ủy, hôm đó có rất đông đại biểu dự. Sau bản báo cáo của Trưởng ban Quân báo Nam Bộ Hoàng Minh Đạo, nhiều người đã thở phào. Nhưng Tư lệnh Trần Văn Trà nét mặt vẫn đăm chiêu, rồi ông quay sang phía chú đang ngồi, với ánh mắt nghiêm nghị hỏi: “Anh Sáu, đã chắc chưa? Kết luận như thế đúng hay chưa?” Mọi cặp mắt trong hội trường dồn cả vào chú. Thời gian như ngừng trôi. Bất giác chú nhìn sang hai người chỉ huy thân thiết của mình là Trưởng ty Công an Long An Cao Đăng Chiếm (Sau ngày nước nhà thống nhất là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và Trưởng ban tình báo Nam Bộ Hoàng Minh Đạo. Cả hai đều mỉm cười, nhìn chú với ánh mắt khích lệ. Ông Cao Đăng Chiếm chủ động đứng lên nói trước với Tư lệnh: “Trước khi có cuộc họp hôm nay, tôi đã mượn hồ sơ nghiên cứu trong mấy ngày liền, gặp anh Sáu Ninh, sau đó trao đổi khá kĩ với anh Năm Thu. Bản báo cáo vừa rồi được anh Năm Thu đọc là chính xác, kín kẽ. Đến giờ có thể khẳng định, những người trong vụ án đều bị hàm oan, họ không có tội, do bị tra tấn đau quá mà nhận bậy cho xong!”. Khi ông Cao Đăng Chiếm đã ngồi xuống, chú lại quay nhìn cha cháu, coi xem có ý kiến gì khác không? Vẫn là nụ cười khích lệ. Rồi chú đứng lên, thấy vẻ mặt Tư lệnh đã bình thản trở lại, chú nói: “Báo cáo Tư lệnh. Nếu tổ chức kiểm tra lại, có sai tôi xin nhận trách nhiệm về mình. Chịu kỷ luật của Đảng!”

Trong hội nghị không ai có ý kiến gì thêm, Tư lệnh Trần Văn Trà kết luận: “Hoàn toàn nhất trí với bản điều tra, 34 người trắng án! Các đồng chí ấy đều là những cán bộ cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, tin tưởng tuyệt đối ở Đảng và Bác Hồ. Tiếp tục bố trí công tác, trước mắt tổ chức bồi dưỡng, chăm lo sức khỏe cho các đồng chí ấy.” Và một số biện pháp khắc phục hậu quả được đề ra. Phân Liên khu ủy miền Đông cử ông Mai Chí Thọ, Giám đốc Công an miền Đông (Sau ngày nước nhà thống nhất có thời gian ông là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an) làm trưởng đoàn, chú phó đoàn đến nơi giam giữ các tù nhân đặt trên đất Miên, tổ chức một buổi lễ tuyên bố trả tự do cho các anh chị em bị án oan.

Buổi lễ minh oan diễn ra hết sức xúc động. Anh chị em đều ôm nhau khóc, mừng mừng tủi tủi. Họ tỏ lời cảm ơn cấp trên, cảm ơn chú và bảo nếu không được minh oan thì dẫu bị xử tử, mà nỗi nhục làm tay sai cho giặc không biết bao giờ gột rửa được. Trước mọi người, chú nói luôn: Chính ông Hoàng Minh Đạo mới là người cứu mạng các anh chị, tôi chỉ thừa hành lệnh của ông ấy thôi.

Sau buổi lễ mọi người đến thắp hương viếng hai ngôi mộ của người tù oan bị chết vì bệnh, còn mộ của vợ chồng ông N.T.T, vì anh em tù chôn ở trong rừng sâu, quá rậm rạp nên không tìm lại được, mọi người phải thắp hương khấn vọng.

Năm 1955, số cán bộ bị án oan đều được tập kết ra miền Bắc, làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước, có người học lên trở thành tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, như ông Bùi Ngọc Miên là kỹ sư công tác ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trước lúc nghỉ hưu…

Sau Hiệp định Geneve 1954, chú công tác ở Cục 2, Bộ tổng tham mưu(nay là Tổng cục 2). Sau về hưu, chú tuy trong lòng thanh thản vì nghĩ mình đã sống hết lòng với đồng đội, nhưng không khi nào chú kể với ai về vụ án oan “Đông -Miên” của 34 đồng chí, định “sống để bụng, chết mang theo”. Nay gặp cháu, con gái của người thủ trưởng cũ mà chú rất kính trọng, chú mới tiết lộ những thông tin cụ thể về cha cháu trong việc làm sáng tỏ vụ kỳ án đó…

* * *

Nhà tình báo ẩn danh Đinh Văn Ninh, tức Sáu Ninh đã lặng lẽ qua đời tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh, vào mùa thu năm 2003, hưởng thọ 78 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà chỉ huy tình báo huyền thoại Hoàng Minh Đạo và một 'kỳ án' xảy ra 65 năm trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO