Nhà máy cũ và không gian văn hóa mới

Việt Hà 29/10/2020 07:30

Có gần 90 nhà máy cũ, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch sẽ phải di dời ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội. Thế nhưng, ở đó có nhiều công trình có giá trị về kiến trúc. Nhiều người băn khoăn làm sao có thể biến chúng thành các di sản, không gian văn hóa?

Xí nghiệp kỹ thuật điện viễn thông.

TS.KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) và những người bạn của mình có ý tưởng biến các nhà máy cũ thành những không gian văn hóa sáng tạo.

Họ đã chọn ra 10 nhà máy cũ đẹp nhất của Hà Nội để đi khảo sát. Khi đến nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nhà máy Bia Hà Nội, nhà máy Cao su sao vàng hay nhà máy Giầy vải Thượng đình… những không gian kiến trúc nhà xưởng đã làm cả đoàn ngỡ ngàng.

Dường như ký ức cả một thời bao cấp trở về, thôi thúc đến mãnh liệt họ phải làm gì đó để có thể biến nơi đây thành những di sản của Hà Nội, để tất cả người dân thành phố có thể đến chiêm ngưỡng và hoài niệm.

“Chúng có quá nhiều giá trị. Đó là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử; đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, là những công trình kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng”, KTS Ngọc Lân chia sẻ.

Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum tại Nhật Bản được vận hành từ năm 1898, nay đã chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp.

Nếu ở nhà máy bia Hà Nội, những biệt thự được xây theo phong cách biệt thự địa phương Pháp, trang trí và kết cấu còn hầu như nguyên bản thì tại Xí nghiệp kỹ thuật điện viễn thông – giấc mộng công tư hợp doanh của một thời nay còn 5 tòa nhà lớn và một số công trình nhỏ.

Các công trình tuy đã bị biến đổi và xuống cấp nhưng vẫn thể hiện được nét kiến trúc đặc trưng của thời kỳ xây dựng.

“Và nếu một lần bước vào Nhà máy thuốc lá Thăng Long chắc bạn cũng sẽ không khỏi bất ngờ trước những không gian nhà xưởng có giá trị kiến trúc rất lớn, với những phong cách tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của kiến trúc công nghiệp Việt Nam từ thập niên 60 đến cuối thế kỷ 20. Đó cũng là quần thể tiêu biểu cho mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa Việt Nam giai đoạn đầu xây dựng đất nước”, TS.KTS Trương Ngọc Lân nói.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy nhà máy sau khi đã di dời trở thành cái gì? Câu trả lời là “đa phần trở thành chung cư”.

Chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho biết: Thành phố đã lên danh sách 89 nhà máy cần phải di dời khỏi nội thành từ 2011. Và nhóm của ông đã tiến hành khảo sát 39 trong số các nhà máy đó để xem các nhà máy đã được di dời hay chưa và thay thế nó là cái gì.

Những biệt thự được xây theo phong cách biệt thự địa phương Pháp tại Nhà máy bia Hà Nội.

Kết quả khảo sát cho thấy trong 39 nhà máy nêu trên có 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong 21 nhà máy này thì có 19/21 thành tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại, một nhà máy làm đường trên cao và một nhà máy chuyển đổi thành trường đại học tư nhân.

Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Thế nhưng, thành phố lại đang rất thiếu các không gian công cộng, địa điểm dành cho hoạt động sáng tạo.

Một cuộc khảo sát mới đây của nhóm PPWG cho thấy, 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm thay vào đó là công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%).

Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sau di dời dây chuyền của các nhà máy cũ ra khỏi nội đô, với những nhà máy có giá trị kiến trúc phần “vỏ” có thể bảo tồn như một di sản, đồng thời tạo ra những tạo không gian công cộng và thụ hưởng văn hóa cho người dân.

Theo KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space: Trên thế giới có khá nhiều nhà máy cũ đã được chuyển đổi thành các không gian sáng tạo.

Trong đó có một số công trình nổi tiếng như: Căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab tại Đài Loan được vận hành từ 1949, đến năm 2018 đã được chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Nghệ huật đương đại. Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum (Nhật Bản) được vận hành từ năm 1898, đến năm 1985 đã chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp.

Hay mỏ than công nghiệp Zeche Zollverein tại Đức với diện tích 100 hecta, được vận hành từ năm 1851 và đến năm 1986 được chuyển thành Công viên Văn hóa đa năng…

Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, Tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE) đã tổ chức phát động cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Cuộc thi có 3 chủ đề để thí sinh lựa chọn: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo - Bao gồm không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư; Quảng trường, vườn hoa, công viên, cầu cũ; các bệnh viện, trường học, nhà hát; các không gian tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm… Cùng với đó là Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng và Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Cuộc thi diễn ra từ nay đến hết ngày 22/3/2021.

H.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà máy cũ và không gian văn hóa mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO