Nhà nứt, ruộng lún… ở 'thủ phủ' khoáng sản

Điền Bắc 11/05/2022 08:14

Sau hơn 2 năm, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã có 114 ngôi nhà bị rạn nứt, gần 280 giếng nước khô cạn, hàng chục ruộng lúa bị sụt lún, người dân hoang mang kêu cứu. Đã có nhiều đoàn đến kiểm tra. Vậy nhưng, những bất thường ở “thủ phủ” khoáng sản gây ra hơn 2 năm qua vẫn chưa có lời giải.

Tình trạng sụt lún tại xã Châu Hồng diễn ra hơn 2 năm nay khiến người dân hết sức bất an.

2 năm, thiệt hại gần 60 tỷ

Tháng 1/2020, tại các bản Na Hiêng, bản Công, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bỗng dưng xuất hiện hiện tượng sụt lún ruộng, dọc ven khe suối, giếng cạn trơ đáy.

Vừa qua, theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng tại văn bản số 182 nêu rõ, tình trạng sụt lún không chỉ xảy ra ở ruộng lúa nước, ven bờ khe suối mà nghiêm trọng hơn trên địa bàn các bản như: Bản Công, Pòong, Na Hiêng, Na Noong đã liên tiếp xảy ra rạn nứt tường nhà ở, nứt nền nhà, lún móng nhà, đất ở, có tới hàng trăm hộ dân nằm trong tình trạng nguy hiểm.

Báo cáo của UBND xã Châu Hồng nêu: “Tình trạng xảy ra khô cạn giếng nước, sụt lún ruộng lúa, rạn nứt nhà tại xã Châu Hồng, đặc biệt ở các xóm, bản kể trên chưa từng xảy ra cho đến khi có hoạt động khai thác khoáng sản”.

Ghi nhận tại xã Châu Hồng đầu tháng 5/2022, tình trạng sụt lún, nứt nhà… càng ngày càng nghiêm trọng. Riêng cánh đồng lúa ở xã Châu Hồng, chúng tôi ghi nhận có những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần được cắm chi chít.

Có những thửa ruộng, phải rào kín xung quanh để đề phòng trẻ nhỏ lại gần hố tử thần, một vùng rộng lớn ruộng nước của người dân các bản nói trên xuất hiện đủ loại các hố sụt lún lớn nhỏ với độ sâu trung bình từ 2-3 m.

Không chỉ nhà dân, Trường Mầm non xã Châu Hồng cũng gặp cảnh tương tự. Chỉ tay vào vết nứt rộng gần một gang tay, chạy dọc bức tường của trường học, bà Trần Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Hồng cho biết: Khoảng 1 tháng trước, khi cô và trò đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng nứt phát ra từ bức tường. Ai nấy đều hốt hoảng. Nền gạch sau đó cũng bị bong tróc. Kể từ đó tới nay, vết nứt ngày càng lớn, khiến giáo viên và phụ huynh đều lo lắng.

Trong khi đó, việc hàng trăm giếng nước bị cạn trơ đáy, để ứng phó, người dân xã Châu Hồng đã phải bỏ số tiền lớn, mua đường ống kéo nước suối từ trên núi về để sử dụng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu.

Theo thống kê của xã Châu Hồng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; có 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, kể từ cuối tháng 2/2022, có 114 ngôi nhà bị rạn, nứt (nứt tường, nứt nền nhà, lún móng nhà, đất vườn)… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.

Đang điều tra, xác định nguyên nhân

Điều người dân quan tâm và băn khoăn nhất là các sự việc chưa bao giờ xảy ra ở vùng đất được xem là “thủ phủ” khoáng sản này. Nhưng từ cuối năm 2019 trở lại đây đã xảy ra những hiện tượng khác thường, nên làm cho nhân dân trên địa bàn băn khoăn, lo lắng.

Theo nhiều người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, để khai thác được quặng, những công ty này dùng máy công suất lớn để hút nước từ dưới lòng đất, dẫn đến nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt, lòng đất bị trống rỗng, khiến một số vị trí đất yếu gây sụt lún.

Tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng hiện nay có 11 doanh nghiệp khai thác (gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá) được nhà nước cấp phép cho công ty, doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản. Đặc biệt có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò.

Thậm chí, người dân ở đây còn khẳng định khoảng 3 năm trở lại đây, khi quy mô khai thác có sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất thì xuất hiện những bất thường xảy ra như đã nói ở trên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Lãnh đạo huyện cũng đang rất quan tâm đến tình trạng này. Theo ông Lợi, từ gần 2 năm nay, đã có rất nhiều đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tận xã Châu Hồng kiểm tra.

Tuy nhiên, sau đó các đoàn đều không thể đưa ra kết luận nguyên nhân. “Họ chỉ đưa ra nhận định do mạch nước ngầm bị cạn kiệt chứ chưa thể khẳng định có phải do hoạt động khai thác khoáng sản hay không.

Trong khi, để có giải pháp thì trước tiên phải tìm ra nguyên nhân đã. Vì thế, địa phương đang phải ký hợp đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ điều tra, xác định nguyên nhân” - ông Lợi nói, đồng thời cho biết: Về giải pháp tạm thời, huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh Nghệ An và hiện nay đã được tỉnh đồng ý về chủ trương đầu tư 5 tỷ đồng để làm dự án cung cấp nước cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nứt, ruộng lún… ở 'thủ phủ' khoáng sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO