Trong số các nhà văn Việt Nam đương đại nổi trội, dường như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là người lặng lẽ nhất.
Ngay việc ông từng có thời gian công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng rất ít người biết. Một hôm, nhà văn Bình Phương bảo Tết nhớ mời bác Nguyễn Xuân Khánh tới dự tổng kết và tất niên, tôi đã rất ngạc nhiên. Nguyễn Xuân Khánh và Trần Kim Trắc là hai nhà văn đặc biệt của Văn nghệ Quân đội. Các ông đã có những đóng góp đặc sắc cho văn học. Không ồn ào. Chỉ tuyệt đối căn cứ vào tác phẩm. Các ông đến, ở, sống chết với văn chương theo cách của riêng mình, dẫu rằng không ít việc dường như chưa hẳn đã công bằng với các ông. Nhưng có hề gì. Đã là nhà văn, những sự vụ lình xình kéo đến rồi đi cũng như mây nổi vậy.
Tôi đã đọc kỹ những tác phẩm của bác Khánh, đặc biệt hơn mười năm nay, khi chuyên tâm với tiểu thuyết lịch sử tôi càng khâm phục ông. Với tiểu thuyết lịch sử, bác Khánh ở một đẳng cấp khác. Ở Nguyễn Xuân Khánh, nền tảng văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa dân gian trong ông dày dặn hơn nhà văn khác. Cái đó còn chưa quan trọng bằng cách thức ông xử lý những kiến thức văn hóa khổng lồ ấy trong tác phẩm của mình. Và cái đó, cũng chỉ là một trong cấu thành văn chương Nguyễn Xuân Khánh. Ông ở một đẳng cấp khác bởi, cứ bịt tên tác giả, bịt tiêu đề tác phẩm, chỉ đọc mươi trang văn đã nhận ra ngay mùi Nguyễn Xuân Khánh. Hiện thực xã hội dẫu ngay ngày hôm qua, ngày bao cấp hay ngày đen tối mất nước triều Hồ cách đây đã ngót 1.000 năm đều được bác Khánh chưng cất thành văn nhuần nhuyễn và tài tình, thống nhất, nhẹ tựa lông hồng mà sắc nhọn hơn đao kiếm, rất đúng với thuật “miên lý tàng châm” của các bậc túc nho xưa.
Viết về lịch sử mới thấy bác Khánh là bậc thượng thừa. Ông không chỉ có tài mà còn có gan, phải gọi cho đúng là to gan lớn mật. Các tiểu thuyết trứ danh: “Hồ Quý Ly”; “Mẫu Thượng ngàn”; “Đội gạo lên chùa” đã cho thấy không chỉ bản lĩnh, trí tuệ mà chính là văn hóa mới là cái còn lại, cái quyết định sống còn đối với một cá nhân, một vương triều, một dân tộc. Cơ mà xử lý sao đây trong tiểu thuyết, trong văn học? Vẫn có câu “Vật năm bảy đống người dăm bảy loài/ Kẻ đáng muôn vạn người vài ba xu”. Trong văn chương cũng không ngoại lệ. Viết về lịch sử dường như là dễ nhất cũng là khó nhất. Nó không chỉ thách thức một nhà văn, một nền văn học mà chính là nó thách thức một dân tộc trong tất cả các khoảnh khắc lịch sử của mình. Đó là một món nợ mà các nhà văn phải trả cho lịch sử dân tộc. Đó là một tai ách mà các nhà văn dù ở thời đại nào cũng phải dũng cảm khoác vào, chất thêm đất đá và khổ đau của bách tính thị tộc, của nhân dân mà đi tìm sự thực.
Trong mạch nguồn ấy, ở một tài năng như Nguyễn Xuân Khánh đã âm thầm gánh vác từ rất lâu. Những trang văn bề mặt tươi non giễu nhại đậm chất uy mua của bác Khánh dường như đều thấm đẫm máu và nước mắt của muôn dân Đại Việt. Bác Khánh đã từ lâu quên mất mình là nhà văn mà chỉ cho rằng mình chính là chứng nhân lịch sử, là những thần dân mất nước, vua chúa mất ngôi, là những đại thần, khánh tướng, sư sãi dẫu ôm hùng tài tráng trí lấp biển dời non song rốt cuộc đều bị những tham tàn, mưu ma chước quỷ, ái ố hỷ nộ làm chết dần chết mòn không gượng dậy được. Trong một cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông có cho rằng giới phê bình dường như chưa hiểu biết gì nhiều về văn chương Nguyễn Xuân Khánh.
Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn rất đặc biệt. Ông không chỉ lịch lãm trong văn chương mà ở ngoài đời cũng hết sức mềm mại, tài hoa. Ông rất trân trọng những người cầm bút trẻ tuổi. Khi biết tôi viết tiểu thuyết lịch sử, ông nhiều lần động viên. Có một cuộc khi tôi đi điền dã tại Thái Bình được TS Nguyễn Minh Đức - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh cung cấp nhiều tư liệu quý về cụ Ngô Tôn Tư, chú ruột của đức vua Ngô Quyền đã trực tiếp tham gia chỉ huy đánh trận Bạch Đằng và hy sinh ở trên sông. Khi đang say sưa trò chuyện, mọi người yêu cầu tôi gọi điện xác nhận một số chi tiết về lịch sử với bác Khánh và được nhà văn tường minh khiến ai cũng phục trí nhớ của ông. Khi viết “Hồ Quý Ly”, hẳn nhiên Nguyễn Xuân Khánh đã huy động tổng lực trí tuệ mới có được sức bút diệu thủ như thế. Tuy nhiên, kính trọng và học tập thái độ lao động của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tôi tự hiểu rằng mình phải viết khác ông. Đó dường như đã là một mệnh lệnh với ngòi bút.
Càng đi sâu vào tiểu thuyết lịch sử, tôi càng khâm phục nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ở ông, thái độ phản biện xã hội đã ở một đẳng cấp rất cao. Lý cố gì mà Sử Văn Hoa kiên quyết không viết một dòng nào về triều Hồ mặc dù chức trách đó là của họ Sử? Tại sao hai cha con Hồ Quý Ly phải nhiều lần vào tận ngục thất để thương thảo với Sử Văn Hoa còn không dám giết ông? Những câu hỏi ấy người đương thời không phải ai cũng đặt ra, tìm hiểu và muốn hiểu.
Từ mấy chục năm trước, “Trư cuồng” (sau này tái bản có tên “Chuyện ngõ nghèo”) đã cho thấy một tài năng và bản lĩnh khác thường của Nguyễn Xuân Khánh. Nếu sớm tới tay bạn đọc hơn, “Trư cuồng” không hề kém cạnh nhiều tác phẩm vang danh khác.
Tôi từng nhiều lần thấy nhà văn Lê Lựu rất phục tài Nguyễn Xuân Khánh. Một người suốt ngày cười cợt như Lê Lựu giọng văn lại lùa thùa dây cà dây muống khác hẳn Nguyễn Xuân Khánh bề ngoài nghiêm cẩn chừng mực song giọng văn lại hết sức uy mua giễu nhại càng thêm lạ lùng. Càng về sau, sức giễu nhại của Nguyễn Xuân Khánh càng cao cường ẩn dưới tầng sâu con chữ.
Đến bộ ba “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng ngàn” càng thể hiện rõ ràng chất phản biện và giễu nhại hết sức cao cường của Nguyễn Xuân Khánh. Cái cách phê phán hiện thực của bác Khánh quả xứng đáng là bậc thầy của lứa nhà văn chúng tôi. Như cá nhân tôi viết thường sa vào giọng điệu tuyên truyền, luôn cao giọng hô hào đạo đức, kỳ thực còn sáo rỗng và xa lạ không mấy hữu ích với đời sống cần lao của nhân dân. Đọc kỹ Nguyễn Xuân Khánh trang văn giễu nhại mà đều đẫm mồ hôi nước mắt, trí tuệ của một trí thức đã chọn văn làm đạo, nhất quán từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng thực đáng quý lắm thay.
Hôm đưa tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, anh em Văn nghệ Quân đội ai nấy đều trầm lắng thương tiếc bậc lão thành từng một thời công tác ở cơ quan. Đến nơi thấy đầy đủ các thế hệ nhà văn, nhà báo tới tiễn biệt ông. Chỉ cần nhìn vào đó đã thấy sự trọng thị của giới sáng tác với Nguyễn Xuân Khánh.
Nguyễn Xuân Khánh chính là người thực hành văn chương đến tận cùng nhất. Ông xác quyết căn tính dân tộc, nhân cách con người từ vua tới dân, tới những người nhỏ bé nhất không chỉ mềm mại tài tình mà vô cùng khí tiết đã cho thấy tâm và tầm của nhà văn.
Chúng ta có thể còn nhiều điều chưa hài lòng trong cuộc sống song mỗi nhà văn, mỗi tác giả, nhất là các nhà phê bình hãy nên biết cách gạn đục khơi trong để mà sống, cống hiến và trao truyền niềm tin cho nhau.
Hôm tôi đến thăm nhà văn Hoàng Quốc Hải, hai thầy trò nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn họ Hoàng đã nói nhiều ý mới về nhà văn đàn anh với một thái độ trân trọng và sự tiếc thương một người hiền đã về cõi Phật. Các nhà văn trân trọng nhau, yêu thương nhau và nhất là hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc cũng là một vẻ đẹp mà người cầm bút hướng đến.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, hẳn khi đã ở thế giới của người hiền ông đã từ lâu mỉm cười với những đắng cay cơ cực trong cuộc sống của chính mình, của đồng bào mình, của nhân loại. Căn cước của mỗi nhà văn chính là tác phẩm. Với những tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng là một trong những nhà văn hàng đầu trong thời đại Hồ Chí Minh.