Nhạc sĩ Đức Trí: Vẻ đẹp của âm nhạc là phi ngôn ngữ

AN VŨ 29/01/2022 08:11

Ra mắt nhạc phẩm “Nỗi yêu bé dại” với 9 tình khúc sáng tác mới, được thu âm trong 5 năm, nhạc sĩ Đức Trí mong muốn công chúng nghe nhạc theo cách mà anh viết ra. Không cố gắng biến đổi tác phẩm theo cách anh thích, mà được làm hoàn toàn theo những gì anh muốn.

Nhạc sĩ Đức Trí.

Nhạc sĩ Đức Trí đi qua tuổi thơ ngay thời kỳ đất nước lâm vào cảnh khó khăn: thiếu ăn, thiếu mặc, những thú vui giải trí tinh thần cũng bị thiếu. Sống giữa thiếu thốn, anh càng có khát vọng tìm ăn, tìm mặc, tìm đọc, tìm nghe.

“Tôi lớn lên trong sự thiếu đến mức, đến ngày hôm nay, cứ có tiền là mua đĩa nhạc, mua sách, và những gì cảm thấy thú”, nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ. “Bây giờ, cuộc sống đầy đủ vật chất, thậm chí, chúng ta tưởng còn dư thừa, nhưng mà vẫn thiếu. Vì muốn đọc kỹ về một tác giả nào đó thì khi sách ra, cần mua ngay, rồi lưu giữ”.

Lớn lên giữa hoàn cảnh như thế, nên Đức Trí đam mê cũng nhiều thứ. Anh bộc lộ khả năng âm nhạc sớm, trong khi gia đình không biết gì về âm nhạc, vì thế ba má loay hoay không biết làm cách nào để giúp được anh.

Tôi muốn viết cho mình và những cái mình thích, và không phải dành cho công chúng số đông. “Nỗi yêu bé dại” là sự khởi nguồn”.

“May mắn bạn bè của gia đình dần dần kết nối, ba má tìm được các thầy tốt để tôi phát triển về âm nhạc sớm”, nhạc sĩ Đức Trí nhớ lại: “Ba má muốn tôi đến với âm nhạc dân tộc. Do cũng bởi tôi biểu hiện khả năng chơi nhạc dân tộc tốt, vì thế tôi càng được chăm để có thể học xuất sắc thể loại đó. Nhưng tôi chỉ dừng lại việc tìm hiểu và khi mọi người càng mong tôi theo cổ truyền, tôi lại hướng về âm nhạc Tây phương. Vì thế, tôi đi song hành cả hai”.

Trong Đức Trí, còn đọng lại niềm đam mê sân khấu. Từ nhỏ, anh đã thích sân khấu, từ ngồi hí hoáy vẽ sân khấu, đến làm sân khấu giả ở trong nhà để đứng lên biểu diễn.

Một cách từ từ, âm nhạc trở thành con đường được chọn của Đức Trí từ khi nào, anh cũng không biết.

Đức Trí được học sáng tác từ cấp hai theo cách không chính quy. Nhận ra anh có khả năng âm nhạc, thầy này giới thiệu thầy kia. Các thầy dạy miễn phí, đến nhà chơi rồi dạy, gia đình mời cơm. Các thầy dạy Đức Trí khi còn nhỏ, về sau cũng là những người dạy anh trong trường âm nhạc.

“Nhưng tôi vẫn cho mình là người dở văn và thơ ca. Nhiều thầy dạy âm nhạc giỏi cũng cho rằng, nhạc sĩ chỉ cần giỏi âm nhạc và có thể phổ thơ của người khác. Vì thế, những bài tập sáng tác đầu tay của tôi là phổ thơ. Cứ thấy bài thơ nào trên báo hay thích, tôi sẽ sáng tác nhạc trên đó, như bài thơ của nhà thơ Song Hảo, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Từ Nguyên Thạch. Tất cả là những thử nghiệm đầu tiên. Mãi cho đến hết lớp 12, vào Nhạc viện TPHCM, bắt đầu biết yêu, thay vì viết thư tình thì viết bài hát. Viết bài hát như khi buồn viết nhật ký, không khoe ai, cứ để đấy. Tôi không nghĩ mình là người viết ca khúc vì tôi luôn ám ảnh mình viết văn dở. Chính vì thế những bài hát là nghêu ngao chơi, hay có chuyện buồn lúc chia tay, và tôi không coi đó là quan trọng. Tôi làm việc trong studio nhiều, làm phối nhạc, làm đĩa, có người hỏi tôi viết ca khúc không, và họ chính là người lôi những ca khúc đó ra. Tôi vẫn coi 5 đến 10 bài đầu tay của tôi là “xé nháp”. Không có một sự chủ động hay tư tưởng gì cả, rất ngây thơ: “Ta chẳng còn ai”, “Và cũng như yêu”, “Có quên được đâu”... Nhìn lại, tôi thấy mình chỉ viết được tình ca. Nếu có ngợi ca thì cũng chỉ ngợi ca tình yêu”.

Đến khi chợt nhận ra bản thân chỉ sống trong âm nhạc, là lúc anh 20 tuổi. Âm nhạc gắn kết với anh theo cách tự nhiên như thế, thêm nữa, anh tự thấy làm gì cũng không tốt bằng. Đức Trí kể, anh từng là vận động viên thể dục dụng cụ, từng đi thi đấu, nhiều bạn học cùng đã là kiện tướng. Rồi anh học máy móc điện tử, dù không thích lắm. Khi hết lớp 12, Đức Trí còn dự định thi vào Bách Khoa, với khối A, mà không có ý thi vào trường nhạc, chỉ bởi vì rất ghét môn văn. Đức Trí thích khoa học vì khoa học là chính xác, nhưng anh cũng không thấy mình giỏi.

Biến cố lớn trong đời của Đức Trí xảy ra, vào lớp 12, ba mất, anh suy sụp, mất phương hướng. Đi thi vào Bách khoa hay Nhạc viện? Lúc ấy, các bạn của ba quyết định, anh nên đi theo con đường mà mình thấy giỏi nhất: “Học nhạc là chơi, nhưng phải có nghề. May mắn là tôi thuyết phục được các thầy ở nhạc viện để chắc chắn nhạc là nghề. Để thuyết phục gia đình đồng ý cho tôi đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, đó là kỳ tích”.

Hết lớp 12, nhạc sĩ Đức Trí mới được theo học tại Nhạc viện TPHCM, vì gia đình muốn anh sinh hoạt âm nhạc với các nghệ nhân nhiều hơn là đi vào nền nếp. Vào Nhạc viện, anh lại theo ngành Lý luận âm nhạc.

“Học chuyên ngành lý luận, ngỡ tưởng phải viết những khảo cứu chuyên ngành, còn sáng tác thì phải ra giao hưởng. Nhưng với tôi, cho đến bây giờ, là xâu chuỗi những tác phẩm nhỏ để thành tác phẩm lớn”.

Thời sinh viên, Đức Trí may mắn sống giữa môi trường rất lành mạnh, trong sạch. Ngày xưa ở tuổi trẻ hay nghĩ đến việc tìm kiếm tình yêu lớn. Nhưng không có. Về sau, chỉ là những vụn vặt để rồi dệt lên cuộc tình lớn trong cuộc đời. Nó giống như những tập truyện ngắn tạo nên tiểu thuyết. Từ trước tới nay, việc viết ca khúc tôi coi như nghề tay trái. Tôi gọi mình là nhà sản xuất âm nhạc. Cho đến khi gặp công chúng, các bạn nói, thích ca khúc của tôi. Tôi giật mình tỉnh ra, là mọi người nhớ tới mình là một người sáng tác. Cuộc sống vận hành không như mình nghĩ.

Với Đức Trí, âm nhạc là thứ phi ngôn ngữ không lời. Vở diễn đẹp ở ánh mắt nhìn nhau. Không còn ngôn ngữ thì nó là tầm cao. Ngôn ngữ âm nhạc là không còn dùng lời. Âm nhạc là ngôn ngữ có thể gần thần linh. Nó luôn được xem là công cụ cúng tế, vì trao đổi được với vũ trụ.

Mười năm qua, từ khi lập gia đình, Đức Trí sống khác trước. Anh rất ngại khi người ngoài để ý đến gia đình, do không muốn đời tư bị xâm phạm. Mặc dầu vậy, anh vẫn khoe con, khoe gia đình với bạn thân.

“Từ khi làm cha mẹ, tôi có trách nhiệm mà trước đây chưa có. Cuộc sống của tôi cân bằng giữa thỏa mãn mong muốn là các dự án cá nhân và mưu sinh, lo cho gia đình. Nhưng cái thay đổi lớn nhất là 5 năm trở lại đây, tôi hạn chế tối đa công việc dịch vụ mà làm cho dự án cá nhân từng để quá lâu. Trước đó, tôi viết nhiều bài hát và được yêu thích, mà trong đó có nhiều bài tôi không viết cho chính mình mà được hình thành qua cộng tác vì công việc, hoặc với các ca sĩ, làm cho các dự án. Đối với tôi, viết một bài hát để tạo “hit” không quá khó. Với con mắt của nhà sản xuất âm nhạc, tôi biết viết làm thế nào để công chúng đón nhận, nhưng dần dần tôi không muốn viết như thế.

Tôi muốn viết cho mình và những cái mình thích, và không phải dành cho công chúng số đông. “Nỗi yêu bé dại” là sự khởi nguồn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Đức Trí: Vẻ đẹp của âm nhạc là phi ngôn ngữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO