Nhạc Việt đang… 'hồi sinh' nhờ gameshow

Hoàng Vân 30/10/2022 08:00

Sức hút từ gameshow “Ca sĩ mặt nạ” và “Sao Mai” là tín hiệu đáng mừng cho thấy khán giả ngày nay vẫn "khát" những giọng hát chất lượng, những chương trình âm nhạc vừa đảm bảo yếu tố chuyên môn, vừa có tính giải trí, hướng tới giá trị cốt lõi.

Hàng loạt các gương mặt trẻ xuất hiện nhưng khiến công chúng hoang mang vì ngôn từ, hình ảnh không phù hợp.

Thời gian qua, nhạc Việt chứng kiến những cơn gió mới, dòng nhạc mới nhưng những ca khúc này khiến thị trường âm nhạc “tụt dốc không phanh” bởi không phù hợp với thị hiếu của phần đa khán giả. Yếu tố phản cảm, xâm phạm bản quyền, thậm chí là gây tranh cãi từ nội dung đến hình ảnh… khiến công chúng, những người thưởng thức âm nhạc hoang mang, mất niềm tin vào thị trường âm nhạc.

Nhạc Việt gây tranh cãi

Nửa đầu 2022, thị trường nhạc Việt chứng kiến “cú ngã ngựa” của nhiều ca sĩ. Trong đó có những tên tuổi lớn như: Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu… Dù đồng loạt trở lại song những ca khúc của các ca sĩ kể trên đều không tạo được cơn sốt mạnh mẽ như trước. Trái lại, các ca sĩ lặp lại chính mình, ra sản phẩm để chiều chuộng khán giả hơn là thay đổi, phá cách hoặc gây tranh cãi vì sử dụng hình ảnh không phù hợp.

Thực tế, bên cạnh những ca khúc được đánh giá cao về cả phần nghe lẫn phần nhìn thì vẫn có tồn tại không ít sản phẩm gây tranh cãi. “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu, “There’s no one at all” của Sơn Tùng và loạt MV của Chi Pu khiến dư luận phẫn nộ vì sử dụng hình ảnh phản cảm, ngôn từ không phù hợp.

Sơn Tùng M-TP bị phạt 70 triệu đồng vì phát hành MV hiếu tính giáo dục cần thiết và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả trẻ.

Là một ca sĩ nổi tiếng khi tạo ra những sản phẩm âm nhạc có lượng người xem vượt trội, tuy nhiên, MV “Theres no one at all” ra mắt cuối tháng 4 của Sơn Tùng M-TP gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội ngay từ khi xuất hiện. Đa phần ý kiến cho rằng, trong giai đoạn có khá nhiều sự việc đau lòng liên quan đến hành vi tự tử ở giới trẻ, MV đã thiếu tính giáo dục cần thiết và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả trẻ.

Cuối cùng, bên cạnh mức phạt tiền 70 triệu đồng, Sơn Tùng M-TP phải thực hiện những quy định bắt buộc như thiêu hủy bản ghi hình, tháo gỡ MV trên nền tảng youtube... Rõ ràng, với một ca sĩ có lượng fan trẻ tuổi đông đảo như Sơn Tùng M-TP thì đó thực sự là một bài học về sự nhạy cảm và trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trong mỗi sản phẩm nghệ thuật.

"Đi trong mùa hè" của Đen Vâu cũng gây tranh cãi khi thể hiện tinh thần phi thể thao, thói gia trưởng.

Dù không chịu hậu quả nặng nề như Sơn Tùng M-TP, nhưng những phản ứng của khán giả với MV “Đi trong mùa hè” gần đây của Đen Vâu cũng là một bài học cho những ca sĩ theo đuổi dòng nhạc cá tính. Dù được ra mắt đúng thời điểm Việt Nam đăng cai sự kiện SEA Games 31 và với mục đích cổ vũ đội tuyển bóng đá nhưng Đen Vâu lại bị khán giả “bắt lỗi” vì trong ca khúc đó có không ít câu từ cho thấy sự cổ xúy cho thói vũ phu, vi phạm bình đẳng giới, coi thường phụ nữ…

Ngay sau khi nhận ý kiến trái chiều, Đen Vâu đã lên tiếng xin lỗi những khán giả và rút kinh nghiệm vì sự thiếu cẩn thận của mình.

Đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Chi Pu có lẽ là giọng ca vướng phải ồn ào nhiều nhất. Không chỉ là một lần vướng tranh cãi, Chi Pu còn nhiều lần thực hiện sản phẩm theo hướng gợi cảm, đầy tính ẩn dụ.

Ngày 8/8, Chi Pu trở lại đường đua âm nhạc bằng MV “Black Hickey”. Theo thông báo, nữ ca sĩ phát hành sản phẩm hàng tháng, thông qua các ngày 9/9, 10/10, 11/11 và 12/12. Song, sau hai sản phẩm “Black Hickey” và “Sashimi”, ca sĩ sinh năm 1993 nhận về nhiều ý kiến tiêu cực. Ca từ, hình ảnh trong bài hát của nữ ca sĩ bị chỉ trích phản cảm, dung tục.

Đánh giá về “điểm yếu” tồn đọng tại thị trường nhạc Việt, nhạc sĩ An Hiếu, Uỷ viên BCH Hội Âm nhạc Hà Nội nhìn nhận: "Đời sống âm nhạc trong bối cảnh hiện nay đa dạng hơn với nhiều xu hướng, nhiều thể loại âm nhạc…

Thế nhưng, sự đa dạng, phong phú và sáng tạo mới phải dựa trên thẩm mỹ và nền tảng văn hóa. Những ca khúc bị “đào thải” phản ảnh mặt trái, chưa phù hợp với thị trường âm nhạc trong nước, phần nào khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án".

Gameshow âm nhạc khởi sắc

Sự thành công của Sao Mai giữa rừng gameshow "nhập ngoại" cho thấy khán giả vẫn quan tâm đến chất lượng âm nhạc.

Tuy có dấu hiệu “tụt dốc” thế nhưng những tháng cuối năm 2022 thị trường âm nhạc đang hồi phục dần với nhiều tín hiệu đáng mừng. Sau một khoảng thời gian thoái trào, nhạc Việt dường như đang “hồi sinh” nhờ sức hút từ các gameshow chất lượng, các ca khúc được đầu tư chỉnh chu từ hình ảnh đến ca từ, ngôn ngữ, giai điệu. Đánh giá về sự chuyển mình tích cực, nhạc sĩ An Hiếu cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng và cũng lẽ là tất nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển.

“Sức hút từ các chương trình âm nhạc cho thấy khán giả ngày nay vẫn "khát" những ca sĩ có giọng hát chất lượng, những chương trình âm nhạc mà ở đó âm nhạc mới thật sự cốt lõi chứ không phải chiêu trò.

Các tác phẩm được đầu tư công phu khiến khán giả thích thú.

Tôi đánh giá cao những ca khúc xuất hiện trong 2 chương trình âm nhạc “Sao Mai” và “Ca sĩ mặt nạ” vì đa phần các ca khúc đều đạt yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc lẫn chất lượng nghe nhìn. Vai trò của giám đốc sản xuất cũng góp phần tạo nên thành công cho các chương trình này. Tất nhiên… những yếu tố nêu trên chỉ đóng một phần vào thành công của toàn bộ chương trình”, nhạc sĩ An Hiếu nhấn mạnh.

Không chỉ Sao Mai, sức hút từ "Ca sĩ mặt nạ" cũng là minh chứng cho việc nhạc Việt đang "hồi sinh" nhờ gameshow.

Nhạc sĩ An Hiếu cho rằng, từ thành công của gameshow “Ca sĩ mặt nạ” hay “Sao Mai” cho thấy khán giả không còn quá hứng thú với những sô thuần ca hát hay các cuộc thi theo những định dạng rõ ràng vì họ đã quá "lão luyện", gần như đoán được tất cả diễn biến, tình huống sắp tới. Vì vậy, sự đổi mới, yếu tố bất ngờ chính là điểm khác biệt để khán giả thích thú. Cụ thể một bài hát cũ được phối khác đi với giọng hát đặc biệt sẽ gây chú ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc Việt đang… 'hồi sinh' nhờ gameshow

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO