Gắn công tác hoà giải vào các phong trào của địa phương như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
Trong các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Những năm qua, vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được thực hiện trên nhiều nội dung.
Khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận
Trước hết là tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở. Thứ hai là việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên. Với phương châm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của lực lượng trí thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín thường trú tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Đến nay, toàn quốc có 96.896 tổ hoà giải với 601.312 hòa giải viên, trong đó, cán bộ Mặt trận tham gia làm hòa giải viên 128.091 hòa giải viên, Hội liên hiệp Phụ nữ là 107.068 hòa giải viên, còn lại rất nhiều hòa giải viên là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Già làng, Trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, nguyên cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu …đây là lực lượng đông đảo, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong cuộc sống rất phù hợp làm công tác hòa giải ở cơ sở.
Vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở còn thể hiện ở công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương được triển khai có hiệu quả. Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Đây là một kết quả đáng ghi nhận của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh chấp trong đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Đồng thời, thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư.
Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng và văn hóa xin lỗi...Từ đó, nhiều khu dân cư không phát sinh vụ việc phải hòa giải, góp phần tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình hạnh phúc.
Để có được những thành công trên phải kể đến công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBTWMTTQVN, ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Đặc biệt mạng lưới Tổ hoà giải được củng cố, mở rộng đã thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước được đảm bảo, hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Hòa giải còn một số hạn chế. Đó là cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác hòa giải ở cơ sở; việc chỉ đạo, hướng dẫn, động viên chưa sâu sát.
Đó còn là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở ở một số nơi thiếu sự chủ động, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên mới chưa kịp thời.
Ở một số nơi hoạt động hòa giải còn mang tính hình thức, nặng theo quy trình, chưa chú trọng đến vận động khéo, làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận, tự định đoạt của hoạt động hòa giải.
Chưa kể năng lực hòa giải viên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành. Một số vụ việc quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Trong khi đó, ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, miền núi việc vận động phụ nữ tham gia làm hòa giải viên gặp khó khăn, nhiều tổ hòa giải chưa đảm bảo cơ cấu hòa giải viên là nữ. Nhiều khu dân cư khó tổ chức họp dân.
Sự hạn chế của công tác hoà giải còn nằm ở nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, hòa giải thành quy định thấp hơn 200 ngàn đồng vụ. Theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định mức chi tối đa, do khó khăn ngân sách nên có địa phương quy định 70% mức 200 ngàn đồng, bằng 150 ngàn/vụ, trừ tiết kiệm 10% còn 135 ngàn vụ hòa giải thành.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc triển khai thực hiện. Trong đó, đề nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời phải kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Để nâng cao chất lượng hoà giải ở cơ sở, chúng ta còn phải thực hiện tốt các giải pháp phát huy các hòa giải viên đã được bầu, công nhận. Trong đó thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hoà giải viên, tổ chức sơ kết, tổng kết, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là những kinh nghiệm vận động khéo để hòa giải thành.
Đồng thời gắn công tác hoà giải vào các phong trào của địa phương như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
63/63 tỉnh, thành phố trong 6 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận tổng số 875.573 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,85%; hòa giải không thành: 167.628 vụ việc. Nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao như Hậu Giang đạt 91,79%; Khánh Hòa đạt 92,54%...