Nhân lực cho chuyển đổi số: Mối quan tâm hàng đầu trong công nghiệp hóa

M.Loan 17/11/2021 10:54

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số; cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi lao động; chuyển đổi số ngành giáo dục... đang là vấn đề rất được quan tâm.

Sự quan tâm ấy đã được đưa vào chủ đề hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”- hội thảo nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021”, được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức sáng 17/11. PGS.TS Vũ Hải Quân- Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Ngọc An Phó Ban Kinh tế Trung ương cùng ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đồng chủ trì hội thảo.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 52. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các chính sách có liên quan như: xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia; rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo, đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đề án chuyển đổi nghề và đào tạo kỹ năng số cho người lao động; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá số trong cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua cũng vẫn xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phát chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới đây.

Trên thực tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động. Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại hội thảo.

Theo như ông Đỗ Ngọc An thì phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới; tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao thì còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Vì thế, một hội thảo chuyên đề về chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực có nhiệm vụ làm rõ: Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số; cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi lao động; chuyển đổi số ngành giáo dục... Những ý kiến tại hội thảo sẽ được tập hợp, báo cáo Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực cho chuyển đổi số: Mối quan tâm hàng đầu trong công nghiệp hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO