Trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ thành lập 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Mục tiêu đào tạo nghề nghiệp là chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng để phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.
Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ
Tại hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều mô hình đào tạo nghề chất lượng cao của thế giới đã được chia sẻ tới 45 trường đào tạo chất lượng cao trong nước.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới thì việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng là một yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, đối với một hệ thống GDNN còn nhiều bất cập và trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới thực tại và tương lai việc làm, việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao sẽ là một thách thức không nhỏ.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những mô hình về các trung tâm chất lượng cao và các mô hình tương tự. Đơn cử, TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam đã giới thiệu về mô hình Trung tâm đào tạo và thực hành nghề liên doanh nghiệp của Đức. Trung tâm này thường thuộc sở hữu và vận hành của các Phòng thương mại và công nghiệp hay hiệp hội nghề nghiệp. Ở Đức, các trung tâm này sẽ đào tạo chuyên sâu về một số ngành nghề xác định, cung cấp các xưởng thực hành kỹ thuật với các công nghệ mới nhất, bổ sung cho hợp phần đào tạo qua công việc trong hệ thống GDNN kép. Người học trong hệ thống GDNN kép được đào tạo tại trung tâm này khoảng 2 tháng mỗi năm.
Dự kiến thành lập 3 trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao
Theo lãnh đạo Tổng cục GDNN, hiện Tổng cục GDNN đang thực hiện cơ cấu lại các cơ sở GDNN, xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại 3 miền đất nước. Đây được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống GDNN.
Ông Đinh Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN cho hay, việc thành lập 3 trung tâm quốc gia này sẽ trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng của Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (tại TP Hà Nội), Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi) và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Các trường chất lượng cao khác của các Bộ, ngành, địa phương sẽ là các vệ tinh của 3 trung tâm này.
Theo Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao, ngoài việc xây dựng 3 trung tâm quốc gia ở 3 miền khác nhau nói trên, đến năm 2025, ngành GDNN đặt mục tiêu có 70 trường chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và 3 trường tiếp cận các nước phát triển trong G20…
Thực hiện được mục tiêu này, Đề án đề ra nhiệm vụ đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề chất lượng cao, đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trường chất lượng cao và nghề trọng điểm. Đáng lưu ý, các trường chất lượng cao sẽ được Nhà nước ưu tiên đặt hàng thực hiện các dịch vụ đào tạo GDNN.
Dẫu thế, việc triển khai hệ thống trường chất lượng cao trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nguồn lực đầu tư cho GDNN nói chung và cho đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn thấp; việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung cho các trường được quy hoạch đạt chất lượng cao.
TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, hiện giờ Chính phủ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho các trung tâm vùng, nhưng sẽ phải cần nhiều hơn nữa các nguồn vốn, trong đó có các nguồn vốn vay ODA để xây dựng các trung tâm này.
Theo đó, phương án để hình thành trung tâm vùng, ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ cần thực hiện xã hội hóa, kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư nhằm hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.