Nhanh chóng hỗ trợ đúng đối tượng

Lê Bảo 12/07/2021 08:30

Đây là khẳng định của ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xung quanh việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23  của Thủ tướng Chính phủ.

BHXH Việt Nam sẽ tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp qua giao dịch điện tử.

Đánh giá về những điểm mới của Nghị quyết 68, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn Nghị quyết số 68 lần này xây dựng các chính sách hỗ trợ tập trung cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, đồng thời có các chính sách để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đại dịch Covid-19.

Trong đó có các chính sách như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng.

Toàn bộ số tiền này được người sử dụng lao động hỗ trợ cho NLĐ phòng, chống Covid-19. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc với mức 1.000.000 đồng. NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Ngoài ra còn có cách chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Liệu cũng cho rằng, Nghị quyết số 68 được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để NLĐ và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Tất cả quy trình nộp hồ sơ, nhận hỗ trợ theo Nghị quyết được hướng dẫn chi tiết, đơn giản hóa tối đa các thủ tục với phương châm thông thoáng nhất để NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách dễ dàng nhất, nhưng vẫn đúng luật.

Đối với việc triển khai 3 chính sách liên quan đến chính sách bảo hiểm, ông Liệu cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, bao gồm các quy trình: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; xác nhận danh sách người lao động tham gia đào tạo; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó là quy trình xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Và để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tiếp nhận hồ sơ điện tử qua giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

“Việc triển khai hỗ trợ sẽ được nhanh chóng, kịp thời, không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào theo Quyết định số 23. Quá trình triển khai chúng tôi đã có những hướng dẫn, tập huấn để không xảy ra tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung”, ông Liệu nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Quốc Khánh cho biết, để NLĐ, người sử dụng lao động sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho thành viên.

Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp. Quy trình triển khai bảo đảm linh hoạt, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, việc xây dựng tiêu chí xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng sẽ được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm đúng người.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 154/NQ- CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã có hơn 1.800 đơn vị, doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 192.000 lao động và số tiền tạm dừng đóng là hơn 786 tỷ đồng. Trong đó, riêng Hà Nội đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 180 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số là 15.188 người, tương ứng kinh phí trên 50 tỷ đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhanh chóng hỗ trợ đúng đối tượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO