Nhiếp ảnh gia Minh Hòa: Tôi đã thấy sự hồi sinh của thành phố

Việt Quỳnh (thực hiện) 12/11/2021 14:58

Minh Hòa (56 tuổi) là cái tên quen thuộc trên nhiều tờ báo, tạp chí trong thời gian qua. “Có một Sài Gòn bình yên đến lạ” là bộ ảnh anh đã chụp những ngày Sài Gòn - TP HCM giãn cách vừa qua, có sức lan tỏa mạnh và được nhiều người chia sẻ.

PV:Vì sao anh quyết định thực hiện bộ ảnh về Sài Gòn trong giãn cách?

Nhiếp ảnh gia Minh Hòa: Bốn tháng tưởng chừng được thất nghiệp “nghỉ ngơi”, nhưng tôi lại quá bận rộn. Năm ngoái, tháng 4, khi cả nước giãn cách xã hội, tôi suy nghĩ, cần ghi lại những hình ảnh lịch sử này. Từ đó bộ ảnh “Có một Sài Gòn bình yên đến lạ” ra đời. Chụp xong bộ ảnh đó, tôi nghĩ chắc là duy nhất và độc nhất, cũng không mong chụp bộ thứ hai. Nhưng không ngờ, tôi lại có dịp xách máy lên, ghi nhận những khoảnh khắc lịch sử. Nhưng nói thật, lúc đó không nghĩ kéo dài tới bốn tháng, từ 31/5 đến 1/10. Có thể nói, bốn tháng qua, tôi đi chụp suốt. Khi thì sáng sớm canh những vệt nắng lọt qua những khe giữa các tòa nhà, khi thì canh nắng chiều, rồi chụp cả ban đêm kể từ ngày 26/7, thành phố quyết định sau 18h người dân không được phép ra đường. Điều mà trong lịch sử của thành phố này chưa bao giờ xảy ra. 67 đêm “giới nghiêm” liên tiếp. Và đây là khoảng thời gian tôi chụp về Sài Gòn - TP HCM nhiều nhất, cảm xúc nhất trong cuộc đời.

Mới đầu, tôi định chụp chủ đề chỉ là những con đường vắng xe vắng người - “Có một Sài Gòn bình yên đến lạ” phần 2. Sau được bạn bè gợi ý, cộng thêm trong quá trình chụp nảy thêm ý tưởng để tôi có thêm những bộ ảnh mới: “Sài Gòn giờ G”, “Sài Gòn bóng”, “Những hàng cây dầu di sản”, “5 tượng 5 bùng binh”, “Sài Gòn xưa & nay - phần 2”, “Những chiến binh trong đêm những ngày Sài Gòn giới nghiêm”, “Sài Gòn khóc”, “Trung Thu Covid 2021”, “Ai ở đâu yên đó”, “Sài Gòn ngủ sớm”, “Chợ truyền thống”, “Sài Gòn hồi sinh”…

Để có những bộ ảnh đó, giữa tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, anh vẫn ra đường?

- Đầu đợt dịch, sau khi tôi chụp ít ngày, có rất nhiều bạn bè vì yêu quý và lo lắng cho tôi, khuyên nên ở nhà cho an toàn, vì lúc này cả thành phố chưa có chiến dịch chích vaccine phủ rộng mọi đối tượng. Nhưng tôi nghĩ, nhiếp ảnh gia cũng như một chiến sĩ, phải có người ghi nhận lại những khoảnh khắc lịch sử này.

Anh đã thực hiện bộ ảnh này như thế nào từ việc chọn bối cảnh, chụp, xử lý kỹ thuật?

- Sài Gòn đối với tôi như hơi thở, nên nói thật, tôi không khó khăn gì. Những con đường, những góc phố, bùng binh, những cây cầu vượt… nơi nào những ngày bình thường kẹt xe vào giờ cao điểm, nắng sáng hay chiều đẹp, mùa nào nắng nhiều, mưa nhiều,…tôi gần như thuộc lòng. Kinh nghiệm hơn 32 năm cầm máy giúp tôi rất dễ dàng xử lý mọi tình huống, thậm chí tôi còn thử thách chụp cả những đêm mưa với những tia sét rất khó canh trong những đêm “người dân không ra đường”.

Chụp Sài Gòn - TP HCM trong những tháng giãn cách qua, có gì khác so với những bộ ảnh anh đã thực hiện trước đó khi cuộc sống chưa bị đảo lộn vì dịch bệnh?

- Khác nhiều chứ, tôi có cơ hội đi chụp cũng hơn 20 nước trên thế giới, nhiều nơi đẹp như tranh nhất là mùa thu, nhiều cảm xúc lắm, nhưng chụp về Sài Gòn - TPHCM những ngày giãn cách vừa rồi tôi chụp cảm xúc nhất. Tôi may mắn hơn các bạn trẻ sau này là mình trải qua nhiều mốc lịch sử của thành phố nên thấm, nên đủ sâu để hiểu và cảm được nhiều hơn. Mình muốn ghi lại nhiều, thật nhiều những khoảnh khắc có một không hai này không những cho bây giờ mà cho cả các thế hệ hàng trăm năm sau.

Khi ra ngoài đường, nhìn thành phố không bóng người, chỉ có tiếng còi xe cứu thương và xe hỗ trợ tuyến đầu, hay xe từ thiện, anh có những suy nghĩ ra sao?

- Một nỗi buồn man mác suốt mấy tháng trời, lần đầu tiên trong đời được thấy và nghe tiếng còi xe cứu thương nhiều nhất trong đời. Đứng trên đường nhiều lúc chụp xong mình cứ đứng tần ngần và nghẹn, đến giờ đi đường thấy đã đông xe trở lại nhưng những hình ảnh đó vẫn còn ám ảnh trong đầu.

Khi thực hiện bộ ảnh này, anh mong muốn điều gì với thành phố?

- Tôi sống rất lạc quan, dù trong những ngày thành phố đau thương vì dịch bệnh, chứng kiến những mất mát của bạn bè, người thân, nhưng vẫn thích hướng mọi người có cách nhìn tích cực thông qua những album hình của mình, Sài Gòn lúc vắng lặng thật bình yên, sạch, đẹp đến lạ, nhất là rất lung linh dưới ánh đèn những đêm vắng lặng đường phố không bóng người.

Là một nghệ sĩ với anh, lúc này quan trọng nhất là làm những gì để thành phố lấy lại được nhịp thở cho những ngày bình thường mới?

- Từ sáng ngày 1/10 khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách sau 4 tháng, tôi lại xách máy lên đi dạo quanh Sài Gòn - Chợ Lớn thích ghi lại một vài hình ảnh sinh hoạt của người dân, cũng là một cột mốc, và rất bất ngờ với nhịp sống sầm uất của khu vực Chợ Lớn, nơi có mật độ buôn bán nhộn nhịp nhất Sài Gòn. Tôi rất vui. Tồn tại hay không tồn tại? Đóng cửa hay mở cửa? Đóng cửa thêm nữa là càng thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Mở cửa thì theo tôi có hai vế: Rủi và may. Rủi là vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, dù tiêm hai mũi. May là mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về cách phòng chống dịch bệnh.

Anh thấy thời gian này khi thành phố giảm giãn cách có thay đổi gì so với trước những ngày bùng dịch?

- Khác nhiều chứ, mọi người gặp nhau không còn dám ôm chầm như lúc trước, hàng hoá giao đều phải xịt khuẩn bao bì bên ngoài. Các quán ăn, các sạp ở chợ đều trang bị chai xịt sát khuẩn phía trước cho khách hàng và một số vẫn tự giăng sợi dây bên ngoài để giữ khoảng cách an toàn. Ít giao dịch tiền mặt hơn, đường phố có đông nhưng vẫn không như trước giãn cách vì có thể một số nhân viên giữ thói quen làm việc tại nhà và mua bán online nhiều hơn nên các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn còn thưa khách. Đặc biệt mình thích nhất mọi người tuân thủ đeo khẩu trang khi ra ngoài và những nơi công cộng.

Dù vậy, anh có nhìn thấy lại sự nhộn nhịp của Sài Gòn-TP HCM những ngày qua khi mọi thứ nhanh chóng trở lại?

- Ngày 1/10, tôi đã thấy sự hồi sinh của Sài Gòn-TPHCM, ngoài đường đông đúc trở lại, nhiều nơi có cả kẹt xe, tuy chưa bằng lúc trước giãn cách nhưng sự hồi sinh và vui mừng của người dân thấy rất rõ.

Những hình ảnh nào làm anh thấy cảm động, thương yêu và tin rằng nhờ thế, Sài Gòn sẽ hồi sinh trở lại, và có thể còn phát triển hơn xưa?

- Mọi người trở lại sinh hoạt bình thường: công viên đông người tập thể dục, nhiều người đạp xe buổi sáng, chợ truyền thống dần được mở lại, quán xá được cho phép bán lại, tuy chưa được bán ăn tại chỗ và có lẽ đông và kẹt xe là “đặc sản” của Sài Gòn. Như mình hay ví von, không ồn ào không náo nhiệt, không phải Sài Gòn.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiếp ảnh gia Minh Hòa: Tôi đã thấy sự hồi sinh của thành phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO