Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

Đức Trân 12/09/2022 07:53

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 10/9, trên toàn quốc có 108 trường hợp Covid-19 nặng đang được điều trị. Bộ Y tế cũng dự báo, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Tuy nhiên, Covid-19 không phải là dịch bệnh duy nhất tại Việt Nam lúc này.

Điều trị bệnh nhi mắc cúm mùa tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC

Sốt xuất huyết vẫn tăng

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp. Số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc SXH.

Tại khu vực phía Bắc, Sở Y tế Hà Nội thông tin, trong 8 tháng vừa qua, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.400 ca mắc SXH - tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Những ngày gần đây, số ca mắc SXH vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng.

Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế ở phía Nam cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH tự điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng sốc SXH, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Đáng lo ngại hơn, thông tin cảnh báo từ một số bệnh viện tại khu vực TPHCM cho biết, trong các ca SXH nặng đang nằm viện chủ yếu là bệnh nhi.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Cũng theo ông Khoa, các đơn vị đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do SXH để nhận định các đặc điểm, đưa ra các giải pháp để giảm tử vong. Qua đó ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì.

Không dừng lại tại đó, nguy cơ thiếu thuốc điều trị bệnh nhân SXH nặng cũng đang khiến các cơ quan quản lý gấp rút tìm biện pháp. Mới đây nhất, theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, qua tổng hợp từ các cơ sở khám chữa bệnh, tính đến đầu tháng 9 đã có 32 đơn vị có công văn gửi Bộ Y tế đề xuất nhu cầu 13.708 túi dịch truyền dextran 40.

Ngoài ra, có 25 đơn vị đề xuất số lượng 17.537 túi dịch truyền dextran 70. Đây là dịch truyền được sử dụng trong điều trị sốc SXH. Tuy nhiên, hiện nay các dịch truyền dextran 40 và dextran 70 không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Hơn nữa, việc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn khi hiện chỉ có một cơ sở sản xuất tại Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta.

Được biết, Cục Quản lý dược đã có công văn đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng. Sau khi tìm được phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục Quản lý dược. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý dược để xem xét, giải quyết theo quy định.

Cúm A bủa vây trẻ nhỏ

Trong khi SXH bùng phát thì cúm mùa cũng đang gây bối rối cho không ít các phụ huynh khi số trẻ mắc bệnh gia tăng, đặc biệt khi trẻ quay trở lại trường học. Mặc dù theo các chuyên gia y tế, hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế nhưng những biến chứng mà nó gây ra như viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong cũng không thể bỏ qua.

Số liệu từ Bộ Y tế cho hay, theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số ca nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố. Trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương).

Bác sĩ Hoàng Sơn - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài cùng với việc giao lưu đi lại của người dân tăng cao và việc học sinh trở lại trường là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh nói chung và dịch cúm mùa nói riêng gia tăng, bùng phát. Để hạn chế dịch bệnh, người dân nên: Ăn uống sạch, ở sạch; ngủ căng màn; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng và phát triển để phòng, chống bệnh SXH.

Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời để phòng, chống bệnh tay chân miệng…

Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như cúm mùa, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà..., các bậc phụ huynh, người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.

BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:

Đối mặt nhiều dịch bệnh cùng lúc

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang cùng lúc phải đối mặt với các loại dịch bệnh nguy hiểm là SXH, cúm A và Covid-19. Cùng với đó là nguy cơ xâm nhập cao của bệnh đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, người dân đôi khi chưa đánh giá đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đơn cử, 3 bệnh này đều có đặc điểm chung là sốt, nên khi bị sốt, bệnh nhân rất mơ hồ không biết mắc bệnh gì cộng thêm khuynh hướng “ngại đi viện”, tự ý điều trị tại nhà của người dân khiến cho nhiều trường hợp tới viện khi bệnh đã trở nặng dẫn tới việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, đối với SXH, từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ vài tiếng. Nếu xử lý ban đầu không tốt, bệnh nhân đến đã trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng, điều trị cực kỳ khó khăn thậm chí tử vong.

Do vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi…, nên đến cơ sở y tế khám để xác định căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi phù hợp, tránh trường hợp biến chứng nặng, điều trị khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO