Nhiều lối mở vào đời

Minh Quang 09/06/2019 08:00

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, dự kiến khoảng trước ngày 20/6 Sở sẽ công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập. Đây là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội có 4 môn thi và cách tính điểm xét tuyển cũng khác các năm trước. Tuy điểm chuẩn dự báo giảm so với năm trước, song tỉ lệ học sinh có suất học trong các trường THPT công lập vẫn chỉ vào khoảng trên 60%.

Nhiều lối mở vào đời

Học sinh thi vào lớp 10 THPT năm 2019. Ảnh: Đặng Mạnh Dũng.

Như vậy, sự phập phồng ngóng đợi chiếc vé vào cửa trường công cho đến trước khi điểm chuẩn được công bố vẫn đang là mối quan tâm của nhiều gia đình và hiện chưa có giải pháp nào giải tỏa ngay lập tức những áp lực ấy. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, nên chấp nhận sự cạnh tranh trong những cuộc thi, nếu cánh cửa trường công chẳng may có đóng lại, cũng không nên tuyệt vọng.

Thương lắm, những giọt nước mắt…

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, đề thi môn Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ vừa sức, nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa. Riêng môn Toán ở câu hỏi hình học có phần khiến nhiều thí sinh bị bất ngờ. Nhiều thí sinh vì không làm được những câu khó trong đề thi Toán đã bật khóc nức nở ngay trong phòng thi. Thậm chí nỗi buồn ấy còn lan sang cả phụ huynh. Nhìn hình ảnh những bà mẹ ôm con khóc trước cổng trường thi, ai mà không chạnh lòng. Bọn trẻ thì quá áp lực với điểm số, còn người lớn thì lo cho con, thương con nếu chẳng may lỡ chiếc vé vào trường công lập…

Như thế, nguyện vọng học hết THCS có thể học lên tiếp một trường THPT với mỗi học sinh tưởng là điều đương nhiên, thế nhưng nhiều năm nay đối với học sinh ở các thành phố lớn đã thực sự trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế, kỳ thi vào lớp 10 tại một số địa phương được đánh giá là căng thẳng hơn cả thi đại học, khi cả Hà Nội và TP HCM đều “siết” đầu vào lớp 10 trường công luôn ở ngưỡng xấp xỉ 60%.

Tất nhiên, ra khỏi phòng thi gương mặt của thí sinh có nhiều cung bậc cảm xúc. Có hồi hộp, âu lo, có tự tin, vui mừng, cũng có những giọt nước mắt rơi như đã thấy… Nhưng điều đáng ghi nhận là tất cả các em đều đã nỗ lực hết mình cho kỳ thi chuyển cấp. Những giọt nước mắt của thí sinh sau buổi thi môn Toán ở Hà Nội vừa rồi có thể sẽ là khởi đầu của một nỗi ám ảnh “trượt trường công”, nhưng mong rằng đó cũng giống như một cơn mưa mau tạnh nếu các em tìm được sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô giáo, để có thêm nội lực và tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình.

Báo Đại Đoàn Kết đã từng đề cập tới trường hợp của cậu học trò Đỗ Việt Anh (Hà Nội). Cậu bé trượt trường công trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019, nhưng may thay có mẹ chia sẻ động viên và tiếp sức, nam sinh này đã vượt qua những tháng ngày khủng hoảng tâm lý nặng nề. Những bài học về sự sẻ chia không bao giờ cũ, mong rằng trước nỗi buồn của con, cha mẹ hãy là những người đồng hành để giúp con vượt qua cảm giác thất bại.

Chủ động với phương án dự phòng

Năm nay thành phố Hà Nội có 85.873 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại sẽ học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.

Sở dĩ lâu nay vẫn có tâm lý chuộng trường công, âu cũng bởi mức học phí trường công gần như không đáng kể. Hơn nữa, chất lượng dạy và học ở trường công và trường tư cũng có sự khác biệt rõ rệt. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) phân tích, cách làm của trường tư hiện cũng tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất là chất lượng giáo dục còn thấp. Thứ hai, bởi trường công học phí thấp, còn trường tư học phí cao. Do không có quy định ngưỡng học phí với trường tư, nên họ thu thế nào là do họ. Chính vì thế, đã dẫn tới hiện tượng tuyển sinh lớp 10 THPT dân lập kiểu “chứng khoán” như năm học 2018-2019.

Rút kinh nghiệm từ câu chuyện tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm trước, năm nay nhiều gia đình đã chủ động hơn trong việc tìm các phương án dự phòng. Chị Tuyết Minh ở KĐT Văn Quán (Hà Đông) cho biết đã tìm sẵn cho con hai trường THPT tư thục cách nhà chừng 3-5 km. Anh Đức Thịnh, KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai) cho hay đã tìm hiểu một số trường nghề đào tạo mô hình 9+++ tại Hà Nội. Con trai anh có thế mạnh và sở trường về lĩnh vực cơ khí, nếu chẳng may cháu không đỗ vào nguyện vọng trường công, anh sẽ cho con đi học nghề sớm, rồi vừa học nghề vừa tiếp tục học văn hóa để học liên thông lên các cấp cao hơn.

Nhằm giảm áp lực của kỳ thi, tạo cơ hội cho thí sinh vào các trường ngoài công lập, hiện Hà Nội cho phép các trường công lập tự chủ tài chính và các trường ngoài công lập được xét tuyển học sinh mà không phụ thuộc kết quả từ kỳ thi vào lớp 10 của Sở GDĐT, theo đó, các trường có thể căn cứ vào điểm rèn luyện 4 năm học THCS của học sinh để tuyển sinh. Trước kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, không ít trường ngoài công lập đã ráo riết tuyển sinh. Dẫu thế, nỗi lo thường trực với các bậc phụ huynh là liệu những trường xét tuyển “mở” như vậy thì chất lượng dạy và học có thực sự đảm bảo để phục vụ cho nhu cầu học và thi THPT quốc gia sau này của các em?

Nhiều cánh cửa đang mở

Đáng chú ý, năm 2019 là năm đầu Sở GDĐT Hà Nội quy định tất cả học sinh tham gia dự tuyển vào lớp 10 phải xác nhận nhập học khi đã trúng tuyển từ ngày 20-22/6. Nếu trúng tuyển vào trường công lập, học sinh phải xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp trúng tuyển vào trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải xác nhận nhập học trực tiếp bằng cách nộp bản sao phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Sau ngày 22/6, Sở GDĐT Hà Nội sẽ thống kê số lượng học sinh đã xác nhận nhập học ở từng trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp để có quyết định tuyển bổ sung hay không.

Như vậy, nếu như học sinh không đỗ nguyện vọng 1, thì trong trường hợp kém khả quan hơn, nguyện vọng 2 cũng là một lựa chọn không tồi. Nếu trượt cả hai nguyện vọng trường công, thì việc tìm một trường ngoài công lập phù hợp, với những người tha thiết có nhu cầu học tiếp lên bậc THPT cũng là hướng đi. Cùng với đó, hiện nhiều phụ huynh còn băn khoăn với việc cho con đi học nghề sớm, nhưng trên thực tế, học nghề để lập nghiệp căn cứ trên lực học của con, căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình cũng là một giải pháp nên lựa chọn.

Giảm áp lực cho sĩ tử bắt đầu từ phía phụ huynh, trước hết là việc định hướng đúng cho con em mình hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và nguyện vọng. Không đặt kỳ vọng quá sức so với khả năng của các em. Ở tuổi 15-16 các sĩ tử hôm nay đang đứng trước nhiều ngã rẽ khác nhau. Áp lực trước mỗi kỳ thi là điều không thể tránh khỏi, nhưng rõ ràng họ cần được dạy/ học cách chấp nhận sự cạnh tranh để mình lớn lên và trưởng thành hơn…

Nhằm xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35, đặt mục tiêu phấn đấu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. Trong đó, riêng đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%, đến năm 2025, đạt tỷ lệ 40%. Như vậy, cơ hội đang mở ra cho nhu cầu học tiếp lên bậc học cao hơn, cũng như học nghề để tham gia sớm thị trường lao động của nhiều học sinh, nhiều gia đình.

Hãy quẳng nỗi lo đi để tự tin bước tiếp vào tương lai - đây chính là điều mà mỗi phụ huynh cần động viên và tiếp sức cho con trẻ. Đừng để khoảng thời gian 120 phút hay 60 phút trong phòng thi phải chịu trách nhiệm đảm bảo cho cả cuộc đời của đứa trẻ vừa hoàn thành chương trình THCS. Không đỗ vào trường công không phải là sự tuyệt vọng, mà chỉ chưa đạt được nguyện vọng như mong muốn ban đầu. Hơn thế, người lớn cũng cần phải hiểu rằng kỳ thi không phải cánh cửa cuối cùng/ duy nhất để học sinh bước vào đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều lối mở vào đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO