Nhiều ‘xung lực’ để phát triển kinh tế 11 huyện miền núi xứ Thanh

Anh Tuấn - Đình Minh 30/11/2021 08:28

Sau khi được Bộ Chính trị ban hành riêng Nghị quyết số 58 với mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một trong tứ giác phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, đến nay, tỉnh này đã triển khai nhiều quyết định phát triển kinh tế vùng, trong đó có trọng tâm hướng về khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh.

Cú hích từ Nghị quyết 58

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và các nghị quyết của Trung ương, đến nay, Thanh Hoá đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức bình quân hơn 10%/năm, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 3,9 lần so với năm 2010; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt mức 2.325 USD, tăng 2,9 lần so với năm 2010; thu ngân sách tăng nhanh; từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung bộ.

Là huyện biên giới nằm xa nhất so với trung tâm của tỉnh nhưng đến nay, huyện Mường Lát cũng đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Ảnh: T.L
Là huyện biên giới nằm xa nhất so với trung tâm của tỉnh nhưng đến nay, huyện Mường Lát cũng đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Ảnh: T.L

Với mục tiêu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và những chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 58, ngoài động lực chính là ‘Tứ Sơn’, tỉnh Thanh Hóa cần phải đặc biệt quan tâm đến phát triển đồng bộ kinh tế - hạ tầng tại 11 huyện miền núi để nơi đây không bị ‘bỏ lại’ phía sau.

Nguyên do là, 11 huyện miền núi hiện đang chiếm tới ¾ diện tích toàn tỉnh, dân số chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh, địa bàn là nơi có nền văn hóa giàu bản sắc với 7 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú. Để đạt được những mục tiêu đã cụ thể hóa trong Nghị quyết 58, Thanh Hóa cần sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các khu vực trong toàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2011–2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa bình quân hằng năm ước đạt 8,7%. Quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 ước đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh.

GRDP bình quân đầu năm 2020 ước đạt 1.648 USD, gấp 2,9 lần năm 2010, bằng 61,7% bình quân chung toàn tỉnh (khoảng 2.670 USD). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các huyện năm 2020 ước đạt 33,1 triệu đồng, bằng 76% thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh.

Kết quả đạt được trong giai đoạn trên là rất đáng ghi nhận, song, những con số nêu trên vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế mà 11 huyện miền núi xứ Thanh đang có.

Thời cơ vàng cho 11 huyện miền núi

Xác định việc phát triển kinh tế cho 11 huyện miền núi là nhiệm vụ cấp bách nên chỉ sau gần 1 năm khi được Nghị quyết 58 được ban hành, đến ngày 23/7/2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.

Với hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Thạch Thành được kỳ vọng sẽ bứt tốc mạnh nhất về kinh tế trong 11 huyện miền núi của Thanh Hóa.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Thạch Thành được kỳ vọng sẽ bứt tốc mạnh nhất về kinh tế trong 11 huyện miền núi của Thanh Hóa.

Trong đó, trọng tâm là đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020 (năm 2020 đạt 33,1 triệu đồng). Về đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ cải tạo, sửa chữa 100% tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, đến trung tâm huyện đã hư hỏng, xuống cấp; nâng tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 75% trở lên; các huyện thuộc khu vực miền núi thấp có đường giao thông được cứng hóa đạt 80% trở lên, các huyện miền núi cao có đường giao thông được cứng hóa đạt 75% trở lên.

Đầu tư nâng cấp các hồ, đập, bai đập, các công trình thủy lợi đáp ứng 95% trở lên nhu cầu tưới tiêu. Đầu tư công trình điện cho 38 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; phấn đấu 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác đạt 100%.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 được phân bổ là 20.120 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 15.718 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 4.305 tỷ đồng; ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp 97 tỷ đồng.

Để cụ thể hóa quyết định trên thành các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có kết quả, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo UBND tỉnh, căn cứ nội dung chương trình, cụ thể hóa thành các kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của 11 miền núi phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để có đánh giá cụ thể và đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ‘xung lực’ để phát triển kinh tế 11 huyện miền núi xứ Thanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO