'Nhờ' chim bồ câu giám sát ô nhiễm không khí

K.Thi 23/03/2016 12:35

Các nhà khoa học sử dụng chim bồ câu trang bị cảm biến để nghiên cứu khói bụi và nhiều chất khí gây ô nhiễm ở thủ đô London, Anh.

Các nhà khoa học sử dụng cảm biến đeo trên lưng chim bồ câu.

Hai công ty công nghệ Plume Labs và DigitasLBi đặt cảm biến điện tử trên lưng 10 con chim bồ câu hoang dã để đo mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố London, Anh. Nhờ khối lượng rất nhẹ khi đính trên lưng chim bồ câu, bộ cảm biến không làm ảnh hưởng đến chuyển động của chúng.

Tuy thử nghiệm chỉ diễn ra ba ngày, nó tạo ra nền tảng cần thiết để tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai. Giai đoạn tiếp theo của cuộc khảo sát sẽ diễn ra với sự cộng tác của các điều tra viên ở Đại học Hoàng gia London, Anh.

Bộ cảm biến gắn trên lưng chim bồ câu để đo nồng độ rogen dioxide (NO2) và ozone (O3)- hai loại khí góp phần chính vào ô nhiễm không khí vùng đô thị. Khi nồng độ nitrogen dioxide cao hơn mức khuyến cáo của các chuyên gia y tế, loại khí này có thể gây ra vấn đề bệnh lý ở tim và phổi. Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu trên sẽ khuyến khích người dân giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc giảm lượng khí thải.

“Thiết bị giám sát giúp chúng tôi hiểu được tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố một cách chi tiết. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ suy nghĩ nhiều hơn về những hành động gây ô nhiễm, qua đó có những thay đổi tốt trong hành vi”, Audrey de Nazelle, tiến sĩ thuộc Trung tâm Chính sách Môi trường tại Đại học Hoàng gia London, cho biết.

Tuy nhiên theo CEO của Olume Labs, ông Romain Lacombe cho biết, bầy chim bồ câu với 10 con quả thực rất khó để tạo nên một bản đồ đáng tin cậy về sự ô nhiễm trong không khí tại Luân Đôn. Nhưng Lacombe đang nuôi hy vọng quảng bá dự án tới nhiều người hơn, đồng thời thu hút thêm tình nguyện viên mới nhằm phủ sóng khắp thành phố.

Theo một nghiên cứu do Trường King’s College London công bố, đã có 9.500 người chết mỗi năm ở thành phố này do tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài. Đặc biệt London gần như sẽ không tuân thủ theo giới hạn mức độ ô nhiễm NO2 của Ủy ban Châu Âu (EU) ban hành mới đây theo lộ trình từ nay tới năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nhờ' chim bồ câu giám sát ô nhiễm không khí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO