Nhớ một bác sĩ, một nhà văn hóa, một người hiền

Hoài Hương 06/11/2020 15:57

Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội dưới chính thể nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là Chủ tịch trẻ nhất khi nhậm chức mới 33 tuổi. Nhắc tới ông, nhiều thế hệ công dân Thủ đô sau này đều yêu quý, kính trọng… Ông là bác sĩ Trần Duy Hưng!

Chủ tịch Trần Duy Hưng (người đứng) vẫy chào nhân dân Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu.

Một trí thức suốt đời phụng sự nhân dân

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912, tại thôn Hòe Thị (nay thuộc Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội), một trong 4 địa danh nổi tiếng của Thủ đô xưa: Mỗ, La, Canh, Cót - miền địa linh nhân kiệt có nhiều nhân tài cho đất nước. Ông học Y khoa, là bạn đồng môn với những vị bác sĩ nổi tiếng khác là Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nhữ Thế Bảo, Nguyễn Hữu Thuyết…

Thời sinh viên, ông tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội, được cử làm lãnh tụ phong trào hướng đạo sinh Bắc Kỳ dưới sự dìu dắt của nhà yêu nước Hoàng Ðạo Thúy. Đặc biệt, với cây đàn violon, ông cùng các đồng chí của mình thường đến một số chợ quê vào các ngày nghỉ, hát các bài ca yêu nước, tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận Dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh phát động. Tốt nghiệp trường y, trở thành bác sĩ, ông cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm, thường khám chữa miễn phí cho người nghèo. Bệnh viện của ông cũng là địa chỉ mật - nơi gặp gỡ, che giấu cán bộ Việt Minh khi bị mật thám truy lùng và là nơi cung cấp thuốc men cho chiến khu theo yêu cầu của Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 30/8/1945, ông là vị Chủ tịch Thủ đô duy nhất được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tận tư gia trao nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền Cách mạng lúc đó là sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đó của Việt Nam, bác sĩ Trần Duy Hưng được Mặt trận Việt Minh giới thiệu ứng cử tại Hà Nội cùng liên danh với Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Vũ Đình Hòe, bà Nguyễn Thị Thục Viên, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và ông Hoàng Văn Đức.

Trong nhiều năm, ở vị trí Chủ tịch Thủ đô Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng tự lái xe đi làm, tự viết các bài diễn văn, tự giao tiếp với người nước ngoài không cần đến phiên dịch vì ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông là vị chủ tịch của lòng dân khi tuổi đã lục tuần mà vẫn xông pha mọi mặt trận, gia đình ông sống vô cùng giản dị và khiêm nhường. Khi đang đương vị, bác sĩ Trần Duy Hưng đã viết thư gửi Bộ Quốc phòng xin tình nguyện cho hai con trai của mình lên đường nhập ngũ chiến đấu, không cần một ưu tiên hay ưu ái nào.

Ông là trí thức tiêu biểu, vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân theo đúng nghĩa. Ông là người đại diện cho thế hệ lãnh đạo Thủ đô với các phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì dân, vì nước.

Những dấu ấn

Thành công lớn nhất của bác sĩ Trần Duy Hưng khi làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội thời kỳ 1945 - 1946 là tập hợp được các tầng lớp nhân dân Hà Nội dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiệm vụ đầu tiên Chính quyền Hà Nội lúc đó làm được là cứu đói. Sau đó là ổn định đời sống và giải quyết việc làm cho nhân dân, khai hoang phục hóa, chống đói, xóa nạn mù chữ đến củng cố chính quyền từ thành phố xuống các quận, khu phố, làng xã…

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Trần Duy Hưng lại cùng Chính phủ từ Thủ đô kháng chiến trở về Thủ đô hành chính - Hà Nội. Trong suốt thời gian làm Chủ tịch Thủ đô Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quản lý và xây dựng Thủ đô trong bối cảnh miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội từ tan hoang sau chiến tranh, chi viện cho miền Nam và cả dân tộc tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cùng với chăm lo các vấn đề xã hội cấp bách và nóng bỏng, thực hiện đường lối phục hồi và phát triển kinh tế, dưới thời bác sĩ Trần Duy Hưng trong vai trò Chủ tịch Thủ đô Hà Nội từng có nhiều chính sách mạnh mẽ để đạt nhiều thành tựu lớn. Như năng suất lúa của Hà Nội cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước, là lá cờ đầu về phong trào năm xung phong và ba sẵn sàng… Không những thế, Hà Nội còn ban hành hàng loạt chính sách đặc thù để phát triển vùng rau xanh, vùng thực phẩm. Hà Nội là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước, xây dựng các khu nhà ở tập thể cho công nhân, viên chức. Ngoài ra, để huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển TP, Chủ tịch Trần Duy Hưng còn vận động các trí thức tư sản như Nguyễn Tử Trinh, Trịnh Văn Bô tham gia chính quyền, sử dụng trí tuệ và kinh nghiệm của họ vào công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội, chỉ đạo mạnh mẽ và can trường nhất mà Chủ tịch Trần Duy Hưng đã dám làm vào thời điểm chiến tranh ác liệt là cho phép các hộ tư nhân sản xuất và bán những đồ gia dụng mà Hà Nội cực kỳ thiếu vào lúc đó… Với tầm nhìn xa, trông rộng, bác sĩ Trần Duy Hưng đã để lại cho Thủ đô hàng loạt công trình tầm cỡ về kinh tế, đặc biệt là Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá. Ông có tầm nhìn xa hàng trăm năm, những quy hoạch xây dựng tổng thể thành phố luôn được tôn trọng, ông còn ôm ấp ý tưởng biến Sông Hồng trở thành một thực thể của Hà Nội, trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển không gian Thủ đô, gắn với những lợi ích kinh tế cụ thể, nâng tầm của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Sinh thời, có thể nói bác sĩ Trần Duy Hưng còn là một nghệ sĩ violon, và ông đã từng cùng cây đàn đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp như một “vũ khí” dân vận cực kỳ hiệu nghiệm. Có lẽ thế mà sau này ở cương vị Chủ tịch Thủ đô Hà Nội, thấy rõ Thủ đô không chỉ là thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, hậu phương vững chắc trong chiến trường, mà còn phải là một Thủ đô sao xứng tầm văn hiến ngàn năm, nên ngay từ thời sau khi tiếp quản Thủ đô, ông cho xây Công viên Thống Nhất - một Công viên mang rất nhiều ý nghĩa với nhiều thế hệ công dân Thủ đô, và đặc biệt cả với hàng chục ngàn cán bộ miền Nam tập kết làm việc ở Thủ đô. Rồi sau này còn là những công trình văn hóa có thể nói không ngoa mang tầm thế kỷ như Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Công viên Thủ Lệ, đường Thanh Niên… Không những thế, ông còn chỉ đạo tạo lập một Khu Văn công Mai Dịch - Cầu Giấy, như một cái nôi nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật của đất nước, là mái nhà ấm áp của các đoàn nghệ thuật của Hà Nội lúc bấy giờ.

Bác sĩ Trần Duy Hưng mất ngày 2/10/1988, thọ 76 tuổi. Ghi nhận công lao to lớn của ông, ngày 3/2/2005 Chủ tịch nước truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dân Thủ đô đã dành một trong những con đường đẹp nhất mang tên ông, con đường mới mở rợp bóng cây, thênh thang nối cửa ngõ phía Tây.

Năm nay Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội… Nhớ tới ông, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội như một “hiền nhân” của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ một bác sĩ, một nhà văn hóa, một người hiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO