Nhớ những ngày Mặt trận

Cẩm Thúy (thực hiện) 19/11/2020 14:00

Ông Nguyễn Văn Pha- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng nhiều năm gắn bó và tâm huyết với công tác Mặt trận, nhất là trong thời gian ông đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, ông nhận lời trò chuyện với chúng tôi về những ngày làm mặt trận, đặc biệt là 2 lần xây dựng Luật MTTQ Việt Nam mà ông đều là "người trong cuộc".

Ông Nguyễn Văn Pha.

PV: Luật MTTQ Việt Nam lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1999, ông có thể chia sẻ về thời gian tham gia soạn thảo?

Ông Nguyễn Văn Pha: Năm 1998, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có sáng kiến pháp luật và được Quốc hội đồng ý giao chủ trì xây dựng dự án Luật MTTQ Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật này. Tổng thư ký Trần Văn Đăng là Trưởng ban soạn thảo; luật sư Lưu Văn Đạt là Tổ trưởng Tổ biên tập, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Đỗ Duy Thường là Tổ phó tổ biên tập. Tôi và một số chuyên viên Ban Dân chủ - pháp luật là thành viên Tổ biên tập. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì soạn thảo một dự án luật. Quá trình soạn thảo luôn được sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Lê Quang Đạo. Dự án Luật được soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996.

Thưa ông, nghe nói hồi đó khi trình ra Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận và có rất nhiều ý kiến. Để thông qua được Luật Mặt trận lần đầu tiên, Đảng đoàn và Ban soạn thảo đã phải rất kỳ công?

- Lần đầu tiên làm Luật Mặt trận, Chủ tịch Lê Quang Đạo và Ban soạn thảo kỳ vọng rất nhiều và mong muốn luật hóa nhiều vấn đề trong Điều lệ Mặt trận thời kỳ đó. Việc soạn thảo Luật Mặt trận trên tinh thần của Hiến pháp năm 1992, nhất là Điều 9 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991. Tuy nhiên, khi đưa ra Quốc hội thảo luận thì còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi còn nhớ đến khi Quốc hội thảo luận lần thứ hai dự thảo Luật để chuẩn bị thông qua nhưng vẫn còn khá nhiều ý kiến không tán thành với một số nội dung lớn, Chủ tịch Quốc hội lúc ấy là ông Nông Đức Mạnh đã rời bục chủ tọa xuống tận chỗ ngồi của Chủ tịch Lê Quang Đạo trao đổi điều gì đó khá căng thẳng (thời ấy Chủ tịch Mặt trận chưa ngồi ở vị trí hàng ghế trên cùng như bây giờ mà ngồi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội). Khi về cơ quan, anh em hỏi, Chủ tịch Lê Quang Đạo kể: Chủ tịch Quốc hội ghé tai bảo: Tình hình căng quá hay dừng việc thông qua Luật Mặt trận lại anh nhé! Tuy nhiên, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã trả lời: Cứ để đại biểu Quốc hội thảo luận, rồi chúng tôi sẽ giải trình lại để thuyết phục.

Những vấn đề gì gây tranh cãi nhất trong lần soạn thảo Luật lần đầu tiên thưa ông?

- Vấn đề gay cấn nhất mà nhiều đại biểu Quốc hội hồi đó không đồng tình là quy định “MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị”. Các ý kiến cho rằng, theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng năm 1991 thì “MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...”. Như thế, MTTQ Việt Nam chỉ là là liên minh chính trị chứ không phải là tổ chức liên minh chính trị. Sau đó, Chủ tịch Lê Quang Đạo yêu cầu chúng tôi tìm tài liệu và chuẩn bị để ông trình bày lại trước Quốc hội một cách thuyết phục rằng: MTTQ Việt Nam có hệ thống tổ chức ổn định từ trung ương đến cơ sở, đồng hành cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước từ khi thành lập đến ngày nay. Liên minh trong Mặt trận là liên minh có tính chất chính trị chứ không phải liên minh giữa các tổ chức chính trị vì ở Việt Nam chỉ có một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Và như thế, MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị chứ không phải là liên minh chính trị như một số nước, khi các đảng phái chính trị cần nhau thì họ liên minh, khi không cần nhau nữa thì họ tự giải tán… Cuối cùng Quốc hội cũng đã thông qua Luật MTTQ Việt Nam vào tháng 6/1999, nhưng so với dự thảo ban đầu thì đã rút gọn đi rất nhiều, bỏ hẳn chương nói về Tổ chức MTTQ Việt Nam và vấn đề giám sát của Mặt trận chỉ còn lại một điều.

Xin nói thêm là sau này Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã chính thức ghi nhận “MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Đến lần làm dự án Luật Mặt trận 2015 để được Quốc hội thông qua, ông đã tham gia với vai trò quan trọng trên cương vị lúc ấy đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam?

- Ban soạn thảo dự thảo Luật MTTQVN (sửa đổi) do Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim làm Trưởng ban soạn thảo, tôi là Phó trưởng ban. Nhưng để Quốc hội thông qua được Luật MTTQ Việt Nam(sửa đổi) có công sức của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cán bộ, chuyên viên giúp việc. Nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau nhưng nhờ giải trình tốt mà đã thuyết phục được Quốc hội.

Dấu ấn đặc biệt nhất của Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi 2015 so với Luật Mặt trận 1999 là gì thưa ông?

- Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 có những thay đổi căn bản so với Luật năm 1999. Ban đầu, mong muốn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như nghị quyết của Quốc hội thì chỉ là Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Nhưng rồi, đến khi Luật được Quốc hội thông qua thì không còn là luật sửa đổi nữa mà đã là một luật mới gần như hoàn toàn cả về nội dung và bố cục. Vì thế mà sau khi Luật được thông qua, Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực đã không còn gọi là Luật MTTQ Việt Nam(sửa đổi) nữa mà chính thức lấy tên luật là Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Luật mới đã thể chế hóa nhiều chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và MTTQ Việt Nam; cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Namvà luật hóa nhiều nội dung của Điều lệ MTTQ Việt Nam; có thể nêu một số nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, Luật đã quy định về ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam và ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc là 18/11 hàng năm. Trước đây, ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) được ghi trong văn kiện của Đảng; còn “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” được ghi trong nghị quyết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Việc luật hóa ngày truyền thống của Mặt trận và ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện rộng rãi hơn các hoạt động này trong xã hội.

Thứ hai, Luật đã quy định về tổ chức của MTTQ Việt Nam. Như chúng ta đã biết, Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 không có các quy định cụ thể về tổ chức của MTTQ Việt Nam mà dẫn chiếu đến Điều lệ MTTQ Việt Nam. Việc này dẫn đến tính ổn định về tổ chức của Mặt trận không cao, vì Điều lệ thông thường mỗi kỳ đại hội toàn quốc của Mặt trận lại được sửa đổi, bổ sung. Luật lần này đã có các quy định nhằm định danh các cơ quan, tổ chức chủ yếu trong hệ thống tổ chức MTTQ Việt Nam như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban công tác Mặt trận nhằm tạo sự ổn định lâu dài về tổ chức của MTTQ Việt Nam.

Đặc biệt, việc Luật hóa Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có thể coi là một quyết tâm rất lớn của Ban soạn thảo và Quốc hội nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý để Ban công tác Mặt trận hoạt động bởi đã có khá nhiều văn bản pháp luật đã có quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Ban công tác Mặt trận như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật hòa giải ở cơ sở, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…

Thứ ba, Luật lần này đã làm rõ được các mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và nhân dân mà trước đây quy định rải rác ở các luật khác, trong các văn bản của Đảng hoặc Điều lệ MTTQ Việt Nam như: quan hệ giữa MTTQVN với Đảng; quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước; quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với với Nhân dân và quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức.

Thứ tư, Luật đã quy định khá chi tiết về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam bằng các chương riêng như: Tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Chương II); Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân (Chương III); Tham gia xây dựng nhà nước (Chương IV); Hoạt động giám sát (Chương V); Hoạt động phản biện xã hội (Chương VI).

Tôi nghĩ rằng so với mong muốn ban đầu, đã có những tiến bộ lớn và thay đổi quan trọng trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Khi còn công tác tại MTTQ Việt Nam, ông nhiều năm phụ trách mảng dân chủ - pháp luật, trực tiếp tiếp cận các kiến nghị của nhân dân và cử tri cả nước thông qua MTTQ Việt Nam. Sau này chuyển hẳn về cơ quan Quốc hội, là một đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ông có tâm sự và suy nghĩ gì về nguyện vọng của cử tri?

- Tôi do đặc thù công việc của mình có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhân dân, nghe rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó, bức xúc của nhân dân về tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất, xa hoa, lãng phí, cửa quyền, bè phái, nhóm lợi ích… là rất thường xuyên. Đặc biệt là về công cuộc phòng, chống tham nhũng; những gì Đảng đã làm thời gian vừa qua đã đem đến cho nhân dân niềm tin và hy vọng rằng trong Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ khi xử lý tham nhũng. Đây cũng là một biểu hiện của việc Đảng đã thực hiện theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân; các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Nhưng để đáp ứng đúng mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân cả nước thì Đảng và Nhà nước còn phải quyết tâm nhiều hơn nữa, nhiều việc phải làm đến cùng để thực sự có được niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Thưa ông, vai trò giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, nhất là ở cơ sở, có ý nghĩa như thế nào?
- Giám sát của MTTQ Việt Nam không mang tính quyền lực nhà nước mà là giám sát xã hội, mang tính nhân dân với cơ chế “theo dõi, phát hiện, kiến nghị”. Nếu giám sát của nhân dân mà tốt sẽ giúp cho việc phát hiện những sai phạm của cán bộ, công chức ngay từ cơ sở, hỗ trợ hiệu quả cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Có rất nhiều sự việc vừa qua cho thấy nếu dân chủ ở cơ sở được phát huy, nếu giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam được làm tốt thì sẽ góp phần cùng với Đảng, Nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giải toả những bức xúc của nhân dân. Có nhiều ví dụ cho thấy vai trò giám sát của MTTQ ở khu dân cư, ở cấp xã, cấp huyện thể hiện rõ hơn thì không dẫn đến những bức xúc kéo dài của nhân dân khiến nhiều sự việc phức tạp hơn, như trong câu chuyện đất đai chẳng hạn.

Phát huy thật tốt dân chủ ở cơ sở là Mặt trận nắm được dân, đứng về phía lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để từ đó có những phát hiện và kiến nghị kịp thời, kiên định đeo bám đến cùng. Vì những người tham nhũng không ở trên trời, họ ở ngay từng khu dân cư, hàng ngày nhân dân đều có thể biết mặt, chỉ tên…

Ông Nguyễn Văn Pha khi là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đi kiểm tra công tác bầu cử tại khu 7, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh.

Làm công tác Mặt trận suốt 28 năm, là đại biểu Quốc hội 3 khoá liền, rồi hoạt động Quốc hội chuyên trách, có thể nói ông là người suốt đời “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Cho đến giờ nhìn lại, điều ông tâm huyết nhất khi làm một “cán bộ mặt trận” là gì?

- Xin nói luôn: Đó là được gần dân, gần một cách thực sự theo nguyên nghĩa của từ “gần”; được đến những nơi có thể nói là sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của đất nước; được gặp những con người nghèo khó nhất, cơ cực nhất; được nghe những lời thật thà, chất phác nhất, để rồi tự nhận thấy những gì mình làm thật chẳng đáng kể gì so với những mong mỏi, chờ đợi của người dân.

Ít người biết là dù tôi phụ trách công tác dân chủ - pháp luật và tham gia Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ gần 9 năm nhưng tôi có 4 năm được phân công theo dõi công tác Mặt trận các tỉnh Tây Nguyên và gần 5 năm theo dõi công tác Mặt trận các tỉnh Tây Bắc. Trong gần 9 năm đó, tôi đã có hàng trăm chuyến đi từ tỉnh đến cơ sở. Một số người thường nghĩ đi đến những vùng đó là khó khăn, vất vả. Nhưng với tôi, những năm tháng đó thật là ý nghĩa và không thể nào quên trong cuộc đời tôi, giúp tôi trưởng thành hơn, sống thật với lòng mình hơn.

Kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?

- Năm 1996, khi tôi đang là chuyên viên Ban Dân chủ - Pháp luật, được lãnh đạo giao chuẩn bị ý kiến cho Chủ tịch Lê Quang Đạo phát biểu tại Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Quốc tịch. Khi ấy, có câu chuyện là dự thảo Luật Quốc tịch quy định nguyên tắc “một quốc tịch” khá cứng nhắc, nếu cứ như dự thảo Luật thì sẽ có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Chủ tịch Lê Quang Đạo không đồng ý điều này, tuy nhiên nói thế nào để thuyết phục được Quốc hội thì cần phải có những thông tin, tư liệu xác đáng. Tôi nhận việc này mà không khỏi lo lắng vì thực sự biết mình không có nhiều thông tin về lĩnh vực này. Chợt nhớ đến hai vị Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật kỳ cựu là luật gia Nguyễn Hữu Đắc và luật gia Ngô Văn Thâu. Tôi gọi điện xin phép hai cụ trước và đi xe máy đến nhà cụ Đắc (ở phố Tôn Đức Thắng) đèo cụ đến nhà cụ Thâu (ở khu tập thể Giảng Võ). Cả buổi chiều hôm đó ba bác cháu, hai mái đầu bạc, một mái đầu xanh chụm lại lục tìm các loại tài liệu liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đến luật quốc tịch của các nước và cùng xây dựng đề cương bài phát biểu cho Chủ tịch. Trong phiên họp hôm sau thảo luận dự thảo Luật Quốc tịch, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã phát biểu (tôi chỉ còn nhớ mấy ý chính): “Chúng ta có hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài. Những nước có đông người Việt sinh sống như Mỹ, Úc, Pháp… họ không buộc người nước ngoài khi nhập quốc tịch nước họ phải thôi quốc tịch gốc. Vậy hà cớ gì chúng ta lại bắt người dân của chúng ta từ bỏ quốc tịch của mình?”. Phát biểu của Chủ tịch Lê Quang Đạo đã nhận được sự tán đồng rất cao của lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Và cuối cùng, Luật được thông qua đã có quy định là trong một thời hạn nhất định người Việt Nam ở nước ngoài có quyền đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Hai cụ Nguyễn Hữu Đắc và Ngô Văn Thâu đã về miền thiên cổ từ lâu. Ngày nay, cứ mỗi lần nhớ lại chuyện này tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt, nụ cười, giọng nói của hai cụ. Sự mẫn tiệp, tận tâm của hai cụ không bao giờ tôi quên!

Ông đánh giá như nào về vai trò và vị thế của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay?

- Có thể nói là chưa bao giờ Mặt trận có được vai trò và vị thế như ngày nay. Hiến pháp năm 2013 đã cụ thể hóa cơ bản chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới. Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa những chế định cơ bản của Hiến pháp về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Nhận thức về Mặt trận trong xã hội và trong hệ thống chính trị đã khá hơn nhiều so với trước. Chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận cũng được quan tâm hơn. Đó là những điều kiện căn cốt nhất để Mặt trận phát huy tốt vai trò của mình với vị trí là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng; thực hiện giám sát và phản biện xã hội…

Theo ông, trong thực tế việc giám sát - phản biện của Mặt trận các cấp còn có những khó khăn gì?

- Qua báo chí của Mặt trận, tôi được biết những năm gần đây công tác giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp có nhiều khởi sắc và bước đầu có một số kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều khó khăn, có thể nêu một số điểm chủ yếu:

Thứ nhất, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị các cấp về giám sát và phản biện của Mặt trận còn chưa được như mong muốn; có thể khái quát theo kiểu “nể chứ không sợ”. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ Mặt trận về quyền và trách nhiệm của mình trong giám sát, phản biện cũng chưa thật đầy đủ nên có lúc, có nơi còn né tránh, ngại va chạm. Đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giám sát, phản biện.

Thứ hai, mặc dù nhà nước đã có nhiều quy định về cơ chế giám sát, phản biện của Mặt trận nhưng còn thiếu những cơ chế trong việc phối hợp thực hiện, nhất là làm sao để huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên của Mặt trận, của nhân dân và nhất là các cơ quan truyền thông vào hoạt động này.

Thứ ba, hoạt động của các cơ quan nhà nước (bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp) rất rộng, một số lĩnh vực chuyên môn sâu. Trong khi đó, năng lực trình độ của cán bộ Mặt trận trong một số trường hợp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu để có thể thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ những ngày Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO