Nhọc nhằn nghề muối Sa Huỳnh

Như Đồng - Thanh Huyền 30/06/2021 09:00

Cánh đồng muối Sa Huỳnh gần 120ha, với 400 hộ sản xuất muối ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là khu vực sản xuất muối lớn của miền Trung. Hiện đang bước vào thời điểm sản xuất muối, nhưng nơi đây vẫn vắng hoe.

Thu hoạch muối.

Ông Trần Ngọc Lễ chia sẻ, một ngày của diêm dân bắt đầu từ sáng tinh mơ đến lúc gà lên chuồng, chân tay ai nấy đều nứt toác, xám xịt, tóc, da cháy khét màu nắng. Cái nắng bỏng rát, vị muối mặn chát đã thẩm thấu vào da thịt. Muối được mùa khi nắng to “được nắng, trắng muối”, còn gặp mưa dông thì mồ hôi nước mắt của diêm dân cũng chảy theo hột muối tan chảy, mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu.

Nhìn những ô ruộng muối đầy nước và cánh đồng muối thành cánh đồng nước, ông Lễ không giấu được những giọt nước mắt thở dài: “Dịch Covid-19 bùng phát khiến nghề muối đã lao đao càng thêm khổ vì khó đầu ra. Chưa nói những ngày qua chiều nào cũng có mưa dông khiến muối tan chảy, mỗi đợt mưa dông, mỗi diêm dân thiệt hại ít khoảng 1 tấn, thiệt hại nhiều khoảng 2 tấn. Nghề muối đã cơ cực lại hay bị thất bát”.

Thời điểm này, vụ muối mới đã bắt đầu, nhưng cả cánh đồng muối chỉ lác đác vài diêm dân ra đồng tháo nước để chuẩn bị vào vụ muối mới.

Chẳng làm được công nhân ở các xí nghiệp vì quá tuổi nên ông Lê Thanh Tịnh (phường Phổ Thạnh) lựa chọn làm muối cũng là bất đắc dĩ. Các con của ông cũng chẳng có ai theo nghề. Những người làm muối cận kề ông mấy mươi năm qua giờ cũng đành bỏ ruộng, bỏ nghề đi tìm việc khác mưu sinh.

Ông Tịnh cho biết: “Mùa này 1 bao muối 50 kg có 35 nghìn đồng là mới đầu mùa, chứ khả năng vào mùa muối thì họ còn thu mua thấp nữa cho nên giá muối thấp, đời sống của người dân làm muối rất khó khăn”.

Kho muối của ông Nguyễn Mai Hải ở làng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh) hiện vẫn còn hơn 5 tấn của vụ muối năm trước chưa bán được, trong khi vụ muối mới đã cận kề, giờ ông cũng như nhiều diêm dân ở đây chỉ đành biết trông chờ vào sức mua nhỏ lẻ của các tiểu thương với giá rẻ 300 đồng/kg.

Theo ông Hải, vụ muối năm trước ông đầu tư hơn 7 triệu đồng, sản lượng bình quân thu được 20 tấn nhưng với mức giá 300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Hải chỉ còn 5 triệu đồng, số tiền này không đủ để ông trang trải cuộc sống gia đình.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh gần 120ha, với 400 hộ sản xuất muối ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) là một trong những vùng sản xuất muối có tiếng trong cả nước. Thời gian qua tình hình sản xuất muối của bà con diêm dân gặp nhiều khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho hạt muối Sa Huỳnh.

Hiện nhà máy muối được đầu tư ở Sa Huỳnh không còn hoạt động, nên bà con chủ yếu bán cho những tư thương nhỏ lẻ, giá cả rất bấp bênh. Hạ tầng trên đồng muối cũng chưa được quan tâm dẫn đến việc vận chuyển muối trong quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí để vận chuyển muối vào kho rất cao.

Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) cho biết, trong năm qua, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho diêm dân ở Sa Huỳnh 3 tỷ đồng cho chương trình sản xuất muối trên nền trải bạt, qua đó bà con tham gia rất phấn khởi, sản lượng rất cao, chất lượng muối cao. Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con cố gắng sản xuất, không nên bỏ hoang ruộng muối. Đồng thời phối hợp với 2 HTX muối trên địa bàn tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm muối cho bà con và đề nghị các cấp có chính sách hỗ trợ cho bà con để sản xuất muối.

Dẫu khó nhọc trăm bề nhưng diêm dân ở Sa Huỳnh bao đời nay vẫn giữ lấy nghề của cha ông. Trong tiềm thức diêm dân, hột muối kết tinh vị mặn của biển, sự tinh khiết của đất trời và công sức chưng cất của người. Hy vọng sẽ có luồng gió mới thúc đẩy sự phát triển của nghề muối truyền thống nơi đây.

Xin lấy lời ông Trần Ngọc Lễ để kết thúc bài viết này: “Nghề muối hiện rất vất vả, nhưng là nghề cha ông để lại nên chúng tôi vẫn nối nghiệp và tin rằng trong thời gian không xa, bà con làm muối Sa Huỳnh có thể gắn bó bền vững với nghề, sống được bằng nghề và làm giàu bằng chính nghề truyền thống này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn nghề muối Sa Huỳnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO