Nhộn nhịp thị trường bánh trung thu: Nhiều sản phẩm mới hút tuổi teen

An Bình 25/08/2019 07:58

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến trung thu, không khí thị trường bánh trung thu những ngày này trở nên náo nhiệt, sôi động hơn. Dọc các phố Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi (Hà Nội)… các cửa hàng bánh trung thu mọc lên san sát.

Nhộn nhịp thị trường bánh trung thu: Nhiều sản phẩm mới hút tuổi teen

Một cửa hàng bánh trung thu. Ảnh: Quang Vinh.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các công ty cung cấp nhiều loại bánh trung thu với mẫu mã và hương vị mới. Chị Nguyễn Thu Hằng, chủ một cửa hàng đại lý bánh kẹo trên phố Trần Duy Hưng cho biết, các hãng bánh kẹo cung cấp nhiều sản phẩm mới, nhân bánh được làm từ những sản phẩm lạ hơn như bằng hải sâm, bào ngư… hương vị cũng phong phú hơn với các loại vị dâu, bưởi… Có cả loại bánh nướng, bánh dẻo dành riêng cho người tiểu đường. Theo chia sẻ của chị Hằng, những loại bánh nhân truyền thống như thập cẩm, đậu xanh… năm nay phải “cạnh tranh” với các loại nhân mới nên cũng không bán được nhiều bằng năm ngoái. Tuy nhiên, giá của các loại bánh truyền thống mềm hơn nên sức mua cũng lớn. Chị Hằng cho biết, một hộp bánh trung thu nhân đặc biệt có giá khoảng 3,5 triệu đồng - 4 triệu đồng/ hộp, dù giá cao nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn làm quà biếu.

Đáng chú ý, năm nay đáp ứng trào lưu của giới trẻ, nhiều công ty còn cung ứng sản phẩm bánh nướng trà sữa đường đen. Chủ một cửa hàng bánh trung thu trên phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Loại bánh này được bán khá chạy, do giá cũng không cao, khoảng 70.000–75.000 đồng/ chiếc. “Theo trào lưu trà sữa, các công ty tung ra loại sản phẩm này khá hút khách, đặc biệt là khách hàng tuổi teen” – vị chủ cửa hàng cho hay.

Không chỉ nhộn nhịp trên thị trường truyền thống, bánh trung thu còn được rao bán phong phú, đa dạng trên sàn thương mại điện tử. Trên các trang mạng xã hội, các loại bánh được rao bán chủ yếu là bánh nhập ngoại và bánh trung thu tự làm (bánh “hand made”). Các sản phẩm nhập ngoại từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc được rao trên các trang bán hàng online có giá khá cao, khoảng từ 1–1,5 triệu đồng/ hộp 8 chiếc. Chị Trần Hương Lan, chủ một tiệm bánh “hand made” ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Mấy năm trước, chị chỉ rủ bạn bè tụ tập làm cho vui, sau đó thấy mọi người bảo mình khéo tay, làm bán thử thì thấy cũng khá ổn nên năm nào cũng làm bánh trung thu “hand made” để bán. “Lúc đầu chủ yếu làm để bán cho người quen, người thân nhưng dần dần bạn bè giới thiệu nên có nhiều khách hàng gọi điện hỏi mua, giờ tôi bán cả trên facebook, ai đặt hàng online là sẽ làm rồi ship cho họ” – chị Lan kể và cho hay: Điểm thu hút của loại bánh “hand made” là kiểu cách lạ mắt, làm theo sự đặt hàng của người mua, giá lại mềm hơn các loại bánh công nghiệp, đặc biệt là yên tâm về chất lượng nên đây là sản phẩm rất được “săn” trong các mùa trung thu gần đây.

Bánh “hand made” – ai đảm bảo an toàn?

Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ thích mua bánh trung thu “hand made” hơn là vì họ cảm thấy an tâm vì nghĩ nhà người ta làm thì sẽ không cho phẩm màu, bao bì cũng không in ấn gì nên chắc chắn là không lo về vấn đề hóa chất. Tuy nhiên, đây lại là một quan điểm hoàn toàn sai lầm của nhiều người tiêu dùng. Trên thực tế, theo nhận định các chuyên gia trong ngành an toàn thực phẩm, các loại bánh trung thu tự làm không có gì đảm bảo là sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả chỉ theo cam kết “miệng” của người làm, kể cả các loại bánh nhập khẩu cũng rất mập mờ về xuất xứ, do đó không thể yên tâm về chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm này.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội - cho biết: Quảng cáo về bánh Trung thu “hand made” có quy định chung là phải xin phép. Nhưng hiện nay có nhiều hình thức bán hàng đa kênh chưa quản lý được như trên mạng xã hội Zalo, Facebook...

Nói như vậy, có thể thấy các kênh bán hàng online vẫn đang còn bị “bỏ ngỏ”, chính bởi vậy, không có gì để khẳng định chắc chắn về mức độ an toàn của các sản phẩm “hand made” được rao bán online.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), hồi đầu tháng 8 vừa qua, cơ quan này đã bắt giữ một xe chở gần 1.200 chiếc bánh dẻo nhập lậu. Theo khuyến cáo của Cục Quản lý thị trường, dịp trung thu người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn các sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng rõ ràng để tránh nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Được biết, đối với các sản phẩm bánh trung thu không rõ xuất xứ, nhãn mác khi bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện có thể bị phạt lên đến 60 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP tùy theo mức độ giá trị hàng hóa. Như vậy, với các sản phẩm bánh trung thu “hand made”, nếu không có nhãn mác rõ ràng, chưa được đăng ký với cơ quan quản lý cũng sẽ bị phạt theo Nghị định nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhộn nhịp thị trường bánh trung thu: Nhiều sản phẩm mới hút tuổi teen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO