Những cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống sóng gió nhất lịch sử Mỹ

20/12/2020 13:00

Dù đã được đại cử tri đoàn xác nhận đắc cử, nhưng ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn gặp không ít trắc trở trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Quá trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn trắc trở. Ảnh minh họa: Reuters.

Kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn hôm 14/12 xác nhận ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden đắc cử với 306 phiếu bầu, trong khi ứng viên Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, chỉ giành được 232 phiếu. Ông Trump vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử và tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện gian lận bầu cử nhằm lật ngược kết quả.

Gần 3 tuần kể từ sau ngày bầu cử 3/11, ông Trump mới "bật đèn xanh" cho các cơ quan trong chính quyền bắt đầu các thủ tục chuyển giao quyền lực cho đội ngũ của ông Biden. Tuy nhiên, quá trình này cũng chưa hoàn toàn suôn sẻ.

Hãng tin Axios ngày 18/12 cho biết, giới chức Lầu Năm Góc bất ngờ tạm ngừng các cuộc họp chuyển giao quyền lực với đội ngũ của ông Biden trong hai tuần. Họ nói rằng, điều này đã có sự nhất trí của hai bên, song đội ngũ của ông Biden khẳng định họ chỉ biết việc Lầu Năm Góc thông báo hoãn các cuộc họp hôm 17/12 và họ không ủng hộ điều đó.

Chuyển giao quyền lực là quá trình có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt với ứng viên sắp tiếp quản chính quyền. Đây là thời gian kể từ khi một ứng viên đắc cử cho đến khi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Quá trình này sẽ do đội ngũ chuyển giao quyền lực của ứng viên đắc cử đảm nhiệm.

Ngoài việc Tổng thống không công nhận kết quả, quá trình chuyển giao quyền lực của ông Biden còn đối mặt với những thách thức khác như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế. Mặc dù vậy, đây không phải là quá trình chuyển giao quyền lực trắc trở đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Cuộc chuyển giao tồi tệ nhất (1860 - 1861)

Ông Abraham Lincoln tiếp quản nước Mỹ trong bối cảnh làn sóng ly khai của các bang. Ảnh minh họa: Getty.

Cựu tổng thống Mỹ Abraham Lincoln phải đối mặt với cuộc chuyển giao quyền lực sóng gió nhất trong lịch sử nước này khi 7 bang tuyên bố ly khai sau cuộc bầu cử.

Suốt trong khoảng thời gian từ bầu cử đến khi ông Lincoln nhậm chức, ông và Tổng thống đương nhiệm James Buchanan không nói với nhau một lời nào. Tổng thống Buchanan nhất trí quan điểm với Tổng thống đắc cử Lincoln rắc các bang này không có quyền ly khai, nhưng mặt khác nhấn mạnh chính quyền thống nhất đất nước bằng bạo lực sẽ bị coi là phạm pháp.

Rốt cuộc là, đến thời điểm ông Lincoln nhậm chức, chính phủ Mỹ gần như không thể làm gì để ngăn chặn việc thành lập Liên minh miền Nam cũng như ngăn chặn cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ nổ ra chỉ 5 tuần sau đó.

Cuộc chuyển giao ngập trong công kích và đấu khẩu (1932-1933)

Ông Franklin Delano Roosevelt và Herbert Hoover cùng ngồi xe di chuyển đến lễ nhậm chức của ông Roosevelt năm 1933. Ảnh: Getty.

Cuộc chuyển giao quyền lực của bộ đôi Hoover - Roosevelt vào năm 1932-1933 có thể coi là một trong những cuộc chuyển giao sóng gió nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ. Quá trình này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Sau khi đắc cử, ông Roosevelt nhiều lần từ chối lời đề nghị hợp tác của ông Hoover vì muốn xây dựng một chính quyền mới hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm. Trong chiến dịch tranh cử, họ đã liên tục công kích lẫn nhau.

Chưa đầy 3 tuần trước ngày nhậm chức, ông Roosevelt may mắn thoát một âm mưu ám sát. Lúc này, ông Hoover đã viết cho ông một lá thư, thay vì chúc mừng người kế nhiệm thoát âm mưu ám sát, ông Hoover đổ lỗi cho ông Roosevelt về cuộc khủng hoảng tài chính và đề nghị ông từ bỏ Thỏa thuận Mới.

Phớt lờ ý kiến của người tiền nhiệm, ông Roosevelt dành quá trình chuyển giao quyền lực để xây dựng nội các và chuẩn bị thông qua Thỏa thuận mới mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại.

Dù vậy, cuối cùng, ông Hoover vẫn đi chung với ông Roosevelt trên chuyến xe từ Nhà Trắng đến Điện Capitol vào một ngày lạnh giá tháng 1/1933 theo nghi thức truyền thống trong lễ nhậm chức của tân tổng thống. Họ không bắt chuyện với nhau trên suốt chặng đường.

Rắc rối với những trò "chơi khăm" (2000 - 2001)

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton (trái) và người kế nhiệm George W. Bush. Ảnh: Getty.

Ông George W. Bush đắc cử tổng thống Mỹ trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử khi kết quả cuối cùng dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao. Điều này khiến quá trình chuyển giao quyền lực của ông Bush vấp phải trở ngại ngay từ đầu bởi các vụ kiện tụng kết quả bầu cử của ứng viên đảng Dân chủ Al Gore.

Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) đã rút lại xác nhận kết quả, trì hoãn việc kích hoạt chuyển giao quyền lực cho đến khi Tòa án Tối cao ra phán quyết mang lại thắng lợi cho ông Bush khoảng 1 tháng sau đó. Mặc dù trong thời gian đó, ông Bush vẫn được tiếp cận các tài liệu an ninh mật, song một ủy ban của chính phủ cho rằng việc trì hoãn chuyển giao quyền lực đã gây cản trở khả năng của chính quyền mới trong việc lựa chọn các vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc gia.

Rắc rối chưa dừng lại ở đó. Khi ông Bush nhậm chức vào đầu năm 2001, nhân viên của ông được cho là đã vô cùng sửng sốt phát hiện toàn bộ phím "W" (vốn là chữ cái đầu trong tên đệm của vị tân tổng thống) đều biến mất trên máy tính ở Nhà Trắng, nhiều đường dây điện thoại bị cắt và hộp thoại tin nhắn phát đi những lời chào tục tĩu. Trong khi đó, các cửa nhà vệ sinh đầy rẫy những hình vẽ graffiti. Báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Công sau đó ước tính thiệt hại do những trò "chơi khăm" này gây ra khoảng 15.000 USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống sóng gió nhất lịch sử Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO