Những điều thiêng liêng

Hoàng Mai 12/05/2016 06:18

Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm- điều ấy thêm một lần nữa được lãnh đạo cấp cao Việt Nam tái khẳng định trong những  hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và các cử tri trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra hôm 22/5 tới đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và mới đây nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại TP HCM, chủ đề về chủ quyền biển và hải đảo Tổ quốc vẫn luôn là vấn đề nóng; được cử tri hết sức

Kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Ảnh minh họa.

Riêng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người thống lĩnh lực lượng vũ trang và hiện thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, điều này cũng được ông hết sức quan tâm, chia sẻ; như một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động. Trước cử tri, ông cam kết sẽ quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh để đủ sức bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Những ý kiến ấy đang nhận được sự đồng tình rất cao từ phía cử tri. Bởi, không chỉ với các ứng viên, tình hình biển đảo Tổ quốc với những khó khăn trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là điều ai cũng thấy, ai cũng biết, ai cũng quan tâm- chỉ cần là con dân đất Việt.

Mới đây, trong chuyến về thăm đất nước và đi thăm Trường Sa, hậu duệ của dòng họ Lý tại Hàn Quốc là ông Lý Thừa Vĩnh đã chia sẻ: Chuyến đi này thúc giục tôi cần phải làm nhiều hơn cho đất nước. Làm nhiều hơn với ông Lý Thừa Vĩnh không phải chỉ là việc việc kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở Trường Sa cho các thành viên trong dòng họ, gia tộc mà sẽ còn là lên kế hoạch các dự án truyền thông về Hoàng Sa – Trường Sa, để vấn đề bảo vệ chủ quyền lan tỏa hơn không chỉ với người Việt mà càng nhiều người Hàn sát cánh với người Việt càng tốt và “để không thẹn với tổ tiên khi nói rằng mình là hậu duệ của dòng họ Lý” - ông nhấn mạnh.

Nói thế để thấy rõ hơn mối quan tâm của mỗi người Việt đối với mảnh đất ở tít ngoài trùng khơi xa và cũng để thấy rõ hơn quyết tâm của các vị lãnh đạo đất nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia không phải chỉ đơn thuần vì quốc gia, dân tộc mà còn vì một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Cũng vẫn là vấn đề Biển Đông, hồi đầu tháng này, người lãnh đạo của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) Triệu Hưng Vũ đã cho biết, nước này sẽ tiến hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16/5 đến ngày 1/8. Năm nào cũng thế, Việt Nam đều lên tiếng phản đối lệnh cấm vô giá trị ấy của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia tại vùng biển nơi người ta ban hành lệnh cấm hết sức phi lý.

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến hôm đầu tuần, trong buổi vận động tranh cử của tổ ứng viên tại các Quận 1,3,4, cử tri đã không khỏi băn khoăn. Lo cho chủ quyền và cũng là lo cho con đường mưu sinh vốn đã gặp nhiều bất trắc bởi sóng to, gió lớn ngoài biển xa của ngư dân nay lại thêm phần khó khăn vì các diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Trong bối cảnh ấy, tuyên bố của Chủ tịch nước trong đó khẳng định chủ quyền là vấn đề thiêng liêng nhất, là vấn đề bất khả xâm phạm đã phần nào cho thấy rõ quan điểm đanh thép của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cũng cũng đồng thời tái khẳng định lại lần nữa chủ trương nhất quán của chúng ta là kiên trì kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Việc Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012 chính là hành động khẳng định đanh thép chủ quyền quốc gia trên biển và mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế biển. Ở tầm cỡ quốc gia, ngay sau khi Luật Biển 2012 có hiệu lực thi hành chúng ta đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm góp phần phát triển kinh tế biển; giúp ngư dân làm giàu lên từ biển.

Việc hỗ trợ vay vốn để ngư dân đóng tàu to, tàu vỏ thép vươn khơi xa chính là một tầm nhìn chiến lược trong quá trình mạnh giàu lên từ biển- một chính sách đã được QH, Chính phủ dày công bàn bạc, nghiên cứu để tìm ra phương án khả thi nhất. Và, nó cũng được nhiều ngư dân hưởng ứng. Cũng chính vì thế, độ thẩm thấu của chính sách tới đời sống cũng khá nhanh. Đó cũng chính là một bước đi đúng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết của Đảng đã hơn một lần đề cập.

Cùng với chính sách phát triển kinh tế biển, chúng ta cũng đã thường xuyên, kiên trì sử dụng các kênh như đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Biện pháp này sâu và rộng chứ không đơn thuần chỉ là các tuyên bố của Người phát ngôn.

Nói với cử tri, Chủ tịch nước khẳng định: Chúng ta kiên trì sử dụng các biện pháp tổng hợp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của LHQ, Tuyên bố DOC, tiếp tục đàm phán COC. Những cách làm, những biện pháp ấy xét cho cùng vừa cho thấy nỗ lực của Việt Nam trên tất cả các mặt trận và cũng cho thấy tinh thần hòa hiếu của chính chúng ta trong bảo vệ chủ quyền đất nước-một “sức mạnh mềm” – một cách đi riêng của ta.

Về phần mình, Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Đẩy mạnh góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc, sắp tới, với tư cách là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang, tôi sẽ cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tôi sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh để đủ sức bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.” Nhắc lại lời khẳng định của Chủ tịch nước cũng là để thấy rõ hơn cái quyết tâm sắt đá của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề chủ quyền quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều thiêng liêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO