Những dòng sông 'chết' ở Thủ đô

NAM ANH 26/09/2021 14:20

Hệ thống sông hồ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ô nhiễm nặng nề như hiện này và kéo theo đó là cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy sông hồ Hà Nội ô nhiễm nặng. Ảnh: Nam Anh.

Chưa lúc nào, người ta lại phải chứng kiến cảnh tượng hệ thống sông hồ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ô nhiễm nặng nề như hiện này và kéo theo đó là cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chất lượng nước ở các con sông chảy qua địa bàn thủ đô như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu đều trong tình trạng đáng báo động, nhiều hàm lượng vượt quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể như hàm lượng: BOD từ 30 mg/l – 75 mg/l (vượt 2 – 5 lần), COD đo được từ 60 mg/l – 180 mg/l (vượt 2 – 6 lần), Phosphat đo được 1,2 mg/l – 1,5 mg/l (vượt 4 – 5 lần), Sắt đo được 2,25 mg/l – 3 mg/l (vượt 1,5 – 2 lần), Amoni đo được 9 mg/l – 20 mg/l (vượt 18 – 40 lần), Coliform đo được 1,5x104 MPN/100ml – 7,5x105 MPN/100ml (vượt 2 – 100 lần).

Theo đó, nguyên nhân được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chỉ rõ, do các nguồn nước thải trực tiếp ra sông hồ không được xử lý triệt để. Từ đây, sản xuất nông nghiệp, môi trường sống bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông…

Ô nhiễm trầm trọng

Nhận xét về mức độ ô nhiễm của dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn phường La Khê (quận Hà Đông, TP Hà Nội), chị Phạm Hằng (38 tuổi, ngụ ở cùng địa chỉ trên) đã phải thốt lên “nước sông bốc mùi thối không thể nào mà ngửi nổi”.

Chị Phạm Hằng cho biết, 3 năm trước gia đình chị sinh sống trong một căn hộ nằm bên bờ sông Nhuệ. Nhưng sau đó vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ nước sông Nhuệ, gia đình chị đã phải bán căn hộ đang ở đi, rồi mua một ngôi nhà khác.

Được biết, không riêng gì trường hợp của chị Phạm Hằng, mà những người dân khác sinh sống ở phường La Khê khi được hỏi đều khẳng định sông Nhuệ đang “chết” và gây ô nhiễm trầm trọng. Bằng chứng là tại nhiều khu vực sông Nhuệ chẳng khác nào một dòng kênh nhỏ chứa nước thải đen kịt.

Qua khảo sát thực tế, với chiều dài gần 20 km chảy qua địa bàn Thủ đô Hà Nội (điểm đầu ở quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối tại huyện Phú Xuyên), nhiều khúc của sông Nhuệ nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và gần như không còn xuất hiện sự sống dưới lòng sông. Các điểm ô nhiễm nặng nề nhất như khu vực Cầu Trắng của quận Hà Đông, khu vực Cầu Tây thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Tại đây, có những thời điểm lòng sông gần như cạn khô, xác các loài động vật trương phềnh, thối rữa, bốc mùi cực kỳ khó chịu… Theo các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ con sông Nhuệ trên địa bàn quận Hà Đông, thực trạng ô nhiễm trên diễn ra đã khoảng gần chục năm nay và ngày một tăng theo sự xuất hiện của hàng loạt những khu đô thị, khu chung cư.

Trong khi đó theo bà Hóa (ngụ ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), trước đây dòng sông hiền hòa bao nhiêu, thì giờ lại đáng sợ bấy nhiêu. Bởi theo bà Hóa, dù đã sống gần hết đời người nhưng chưa bao giờ thấy sông Nhuệ bẩn và đáng sợ như hiện nay.

Cũng do nước quá bẩn nên những người sinh sống dọc hai bờ sông Nhuệ thường xuyên bị mắc những chứng bệnh như da mẩn ngứa, nổi mụn, mắc bệnh hô hấp… và phải thường xuyên tới trạm y tế của xã để thăm khám, xin thuốc uống.

Nước sông Nhuệ đen kịt, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Hà An.

Vẫn theo lời bà Hóa, khoảng 5 năm trở lại đây, do sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng đã gây ảnh hưởng tới mạch nước nước gầm. Cụ thể là hàng loạt những giếng nước ăn của các hộ dân sinh sống dọc con sông Nhuệ dần bị sang màu đục nhờ nhờ, nổi váng và có mùi hôi, tanh. Nhiều đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường huyện Thanh Oai về lấy mẫu nước giếng đi xét nghiệm. Và kết quả cho thấy nước giếng ở Cự Khê bị nhiễm asen ở mức độ cao vượt ngưỡng cho phép.

Trong khi đó, theo những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn chảy qua hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, hiện nước ở con sông này ngày một cạn. Không những thế nước sông Tô thường rất đen và có mùi khai, hôi thối nặng. Chỉ những ngày gặp cơn mưa lớn như mấy hôm rồi, dòng chảy dâng cao, mặt sông được rửa trôi đỡ nặng mùi hơn, nhưng cũng chẳng được lâu.

Và phần lớn những ngày còn lại, dòng sông Tô Lịch thực sự là nỗi kinh hoàng của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ. Hiện sông Tô Lịch chẳng khác nào một hồ chứa nước thải, không còn một loài sinh vật nào có thể sống được dưới dòng sông. Qua tìm hiểu mỗi ngày có tới gần 250.000 m3 nước thải xả thẳng xuống dòng sông Tô Lịch mà không hề qua xử lý.

Còn tại các sông thoát nước chính khác như sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức báo động đỏ. Nhiều điểm, lòng những con sông trên chẳng khác cái áo tù, nước đen đặc, nổi váng, bốc mùi xú uế nặng, ruồi nhặng bu kín.

Được biết mỗi ngày, ba con sông này đang phải hứng chịu hàng nghìn mét khối nước thải từ hệ thống thoát nước chung của thành phố, bao gồm nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp và thậm chí là nước thải bệnh viện. Và trong quá trình thực tế, không khó để chúng tôi bắt gặp những hình ảnh xả nước thải trực tiếp từ khu dân cư ra những con sông kể trên.

Cơ hội để những dòng sông “sống” lại

Theo các chuyên gia môi trường thuộc Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nguồn nước ngầm của Hà Nội đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân là do lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường quá lớn. Chỉ tính riêng trong khu vực nội đô, mỗi ngày lượng nước thải xả thẳng ra hệ thống sông hồ vào khoảng 650.000 m3/ngày/đêm.

Phần lớn lượng nước thải ở khu vực nội đô Hà Nội vẫn chưa được xử lý triệt để. Nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra sông hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cộng đồng người dân. Hiện nhiều khu vực ở Hà Nội, nước ngầm bị nhiễm các độc tố chính như Măng gan, Sắt, Asen và Amoni… Đáng lưu ý, khi Amoni đi vào cơ thể thì sẽ làm thay đổi hồng cầu, gây ra một số bệnh nan y.

Xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch.

Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, để giải cứu sông, hồ, TP Hà Nội đã chi hàng trăm triệu USD cho dự án thoát nước làm cống mới, trạm bơm, nạo vét bùn, lu lèn chặt và kè bê tông toàn bộ sông hồ nội thành… Bên cạnh đó, Hà Nội đã xây 4 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) bên cạnh các hồ nhưng kết quả là sông, hồ vẫn ô nhiễm.

Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực trung tâm thành phố cần đầu tư xây dựng 13 nhà máy XLNT, tổng công suất khoảng 905.000m3/ngày đêm. Hiện thành phố đã xây dựng xong 5 nhà máy XLNT gồm: Yên Sở, Trúc Bạch, Kim Liên, Hồ Tây và Hồ Bảy Mẫu với tổng công suất 234.300m3/ngày đêm (chiếm tỷ lệ 26% lượng nước thải khu vực trung tâm).

Và Hà Nội đang kỳ vọng Nhà máy XLNT Yên Xá có công suất xử lý 270.000m3/ngày đêm sẽ “giải cứu” sông Tô Lịch nhưng hai đường ống ngầm đôi bờ sông dài 10km, nhận nước thải từ 300 cửa cống chỉ đón 150.000m3/ngày đêm, tức là mới đạt nửa công suất. Do vậy, ngay cả sau khi Nhà máy Yên Xá hoạt động, tăng thêm 150.000m3, thì tổng lượng nước thải được xử lý là 384.300m3, chưa tới 40% lượng nước thải toàn TP, còn lại 60% nước thải chưa xử lý phát tán ra môi trường hàng ngày.

Theo KTS Trần Huy Ánh, không có phép màu nào có thể làm sạch sông hồ Hà Nội “sau một đêm”. Nhưng có thể tính toán làm sạch sông hồ ngay từ trạm bơm nước sông Hồng đổ vào đầu nguồn Nhuệ, sông Tô lịch và Hồ Tây. Giải pháp này có thể kích hoạt đồng thời với việc Bộ Xây dựng khởi động Dự án quy hoạch xây dựng trụ sở 12 bộ, ngành, quy mô 35 hecta tại Tây Hồ Tây.

Với đặc điểm khu vực gần sông Hồng và Hồ Tây, diện tích được quy hoạch, khoảng 20% sẽ dành xây trụ sở, còn lại 80% để khai thác đa năng trong đó nên xây dựng một vùng chuyển hóa nước sinh học và nâng cấp môi trường cảnh quan cả vùng.

Khu Tây Hồ Tây là cơ hội tốt để Hà Nội có thể hình thành “bộ lọc sinh thái” để tạo ra hệ tuần hoàn tự nhiên, tái tạo nước sạch, không khí sạch... từng bước phục hồi đa dạng sinh học từ đầu nguồn, sau đó lan tỏa toàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những dòng sông 'chết' ở Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO