Những đứa trẻ sống trong ‘bão’

Lan Hương 18/09/2021 06:30

Gia đình, người thân được xem là “lá chắn” an toàn bảo vệ trẻ trước mọi nguy hiểm rình rập. Thế nhưng vẫn có không ít trẻ bị chính người thân ruột thịt, họ hàng xâm hại, bạo hành. Đáng lo ngại, số vụ việc mang tính chất loạn luân vẫn xảy ra gây bức xúc dư luận.

Không chỉ bảo vệ, người lớn cần phải dạy cho trẻ kỹ năng để biết tự bảo vệ mình. Ảnh: Quang Vinh.

6 tháng đầu năm, 171.019 cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 xin trợ giúp

Khi người thân trở thành “yêu râu xanh”

Là chú ruột và đã từng đi tù về tội hiếp dâm thế nhưng, khi ra tù Đỗ Văn Lại (45 tuổi, trú xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã không hoàn lương mà tiếp tục nhẫn tâm phạm tội với cháu ruột của mình.

Lợi dụng anh chị thường xuyên vắng nhà, Đỗ Văn Lại nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục với cháu Đ.T.T. dẫn đến có thai. Chỉ đến khi thai được 14 tuần bố mẹ và người trong gia đình mới vỡ lẽ và hoảng hốt khi biết thủ phạm chính là người thân trong gia đình.

Tại cơ quan điều tra, Đỗ Văn Lại thừa nhận lợi dụng lúc người lớn vắng nhà đã quan hệ tình dục với cháu T. 5 lần, trong đó có 2 lần quan hệ khi T. dưới 13 tuổi. Với hành vi này, Đỗ Văn Lại đã phải nhận bản án thích đáng. Thế nhưng nỗi đau, nỗi ám ánh của cháu T. thì chẳng dễ gì xóa nhòa.

“Con chả muốn về cái nhà đấy nữa đâu. Con sợ lắm rồi. Tối hôm qua con phải tự đi mua thuốc tránh thai…” - Đó là một đoạn trong tin nhắn của nữ sinh N.T.H.T. (17 tuổi, quê ở Yên Lập, Phú Thọ) kể với mẹ về việc bị bố đẻ là N.Đ.Q. (42 tuổi) cưỡng hiếp nhiều lần. Những dòng tin nhắn của cháu T. khiến dư luận xã hội bàng hoàng, phẫn nộ và thương xót cho tuổi thơ đầy ám ảnh và giông bão của em khi bị chính người sinh ra mình xâm hại.

Tương tự, một hoàn cảnh khác xảy ra ở Quảng Ninh cũng rất đau lòng. Vì sự đồi bại của cha ruột mà em T.T.Q., 13 tuổi (ở huyện Ba Chẽ) đã nhiều lần bị người cha mất nhân tính xâm hại.

Đây chỉ là vài trường hợp trong hàng nghìn vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em bị phát hiện trong những tháng đầu năm 2021. Theo đánh giá của ngành chức năng thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em (trong đó chủ yếu là bạo lực, xâm hại tình dục) diễn biến rất phức tạp. Điều đáng nói, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các đối tượng xâm hại trẻ em lại chủ yếu là người thân, người quen, thậm chí là người nhà của nạn nhân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 1.233 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 cho thấy, số vụ hiếp dâm trẻ em tăng 14,59%, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng. Thủ đoạn chính của các đối tượng thường lợi dụng, dụ dỗ nạn nhân đến khu vực vắng vẻ tại nơi công cộng, khu vui chơi để tiếp cận, làm quen và lợi dụng xâm hại. Đáng chú ý số vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại bởi chính những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục như: cha mẹ ruột, mẹ kế, cha dượng, họ hàng, giáo viên, bảo mẫu.

Nạn nhân thường là trẻ em dưới 16 tuổi, chủ yếu là trẻ em gái (chiếm 90% số nạn nhân bị xâm hại) do cha mẹ gửi nhờ quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình khuyết thiếu, sống với ông bà, họ hàng, cha dượng, mẹ kế hoặc gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa, ghen tuông, tranh chấp về kinh tế, tệ nạn cờ bạc, ma túy…

Trẻ em là đối tượng cần phải được bảo vệ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ảnh: Quang Vinh.

Bạo hành là vấn đề nhức nhối

Cùng với XHTD thì bạo hành trẻ em cũng là một trong vấn đề nhức nhối xã hội hiện nay. Ngày 16/9 vừa qua, dư luận xã hội bàng hoàng trước thông tin cháu bé 6 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tử vong nghi do bị chính bố đẻ bạo hành.

Trước đó, vào đầu tháng 8, mạng xã hội và báo chí cũng dậy sóng vì clip dài khoảng 4 phút cho thấy một người đàn ông có hành vi bạo lực tàn nhẫn với một bé trai (khoảng 5 tuổi) gây bức xúc dư luận, được xác định xảy ra tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cháu bé trong tình trạng không mặc quần áo, bị một người đàn ông hành hung liên tục. Mặc dù cháu van xin nhưng người này chẳng những không dừng tay mà còn tiếp tục đấm đá, thậm chí nhấc bổng cháu lên cao và đập xuống đất.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương đã vào cuộc và có những hỗ trợ để giúp cháu bé ổn định tâm lý. Nỗi đau về thể xác thời gian có thể lấp đầy nhưng lỗi đau về tâm hồn chắc chắn sẽ không gì khỏa lấp.

Những năm qua vấn đề XHTD và bạo hành vẫn đuôn đeo bám và trở thành mối nguy hiểm của hàng nghìn trẻ em. Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp (tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước). Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca). Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Khảo sát nhanh thực hiện bởi Đại học Y Hà Nội cho kết quả: cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ chịu bạo lực trong thời gian dịch Covid-19. Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất với tỷ lệ 66,9%, bạo lực thể chất chiếm 39,1% và xâm hại tình dục là 10%. Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Sự im lặng của người lớn, trẻ sống trong đau đớn”

Đây là nhấn mạnh của bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em khi đề cập đến nguyên nhân khiến số vụ bạo hành, XHTD gia tăng bất chấp sự lên án của xã hội, cũng như truy tố của ngành chức năng.

Theo bà Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã nhận được rất nhiều đơn kêu cứu liên quan đến bạo hành và XHTD trẻ em mà thủ phạm là hàng xóm hoặc người thân quen. Về các vụ XHTD, thủ phạm này thường hứa hẹn có trách nhiệm, đền bù nhưng sau đó lại “trở mặt” chối bỏ tội ác, thậm chí quay ra mạt sát, đe dọa gia đình nạn nhân. Lúc này gia đình nạn nhân mới đi trình báo thì cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn vì không còn bằng chứng.

“Nhiều vụ XHTD trẻ em bị chìm xuồng có phần trách nhiệm của chính gia đình. Vì vậy, khi con em mình không may bị hại thì người thân phải trình báo ngay, coi kẻ đó là kẻ thủ ác cần phải được trừng trị. Nếu có sự thoả hiệp, đền bù sẽ là nguy cơ với trẻ khác, cũng là tiếp tay cho tội ác…”, bà Hồng nhấn mạnh.

Là người có nhiều năm trực tiếp tham gia hỗ trợ nạn nhân bị XHTD, bà Nguyễn Khánh Linh, cán bộ Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam), cho biết, nhiều nạn nhân bị bạo hành, XHTD dù đã trưởng thành, lập gia đình song có người phải mất nhiều tháng điều trị mới tạm bình ổn tâm lý. Với những đứa trẻ non nớt thì nỗi ám ảnh ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời. Thế nhưng đáng tiếc, chúng ta chưa nhận diện được đúng hậu quả mà trẻ phải gánh chịu khi bị bạo hành, XHTD. Rất nhiều trường hợp bố mẹ biết rõ con mình bị XHTD nhưng vì bảo toàn danh dự đã chọn im lặng. Sự im lặng này không chỉ làm tổn thương, thiệt hại cho con mình mà còn vô tình tiếp tay cho tội phạm thực hiện với những đứa trẻ khác.

“Rất nhiều em đến nhờ tham vấn với tình trạng tổn thương tâm lý trầm trọng sau khi trải qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng. Đau lòng hơn, sau thời gian dài điều tra, gia đình lại đổ lỗi cho nạn nhân. Không ít em kể không thể chịu đựng khi ở nhà, mẹ nói em là đồ bỏ đi, vì em mà gia đình xấu hổ...” - bà Linh nói.

Với nhiều năm đồng hành tư vấn tâm lý cho trẻ bị XHTD, TS tâm lý Nguyễn Thị Thủy – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, trong số vụ XHTD có 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình. Độ tuổi của nạn nhân đang giảm dần, từ 13-18 tuổi nay có cả những vụ mà nạn nhân chỉ từ mới 5-6 tuổi. Nạn nhân của XHTD không chỉ bị đau đớn về mặt thể xác, bị đe doạ đến tính mạng, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, mà còn phải gánh chịu những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về mặt tinh thần.

Thế nhưng bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn chưa tạo được môi trường an toàn cho con trẻ. Đây là câu chuyện buồn và là dấu hỏi lớn trong công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Nạn nhân khủng hoảng trong quá trình lấy lời khai

Nạn nhân của tội phạm XHTD trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung đặc điểm là ít khả năng tự bảo vệ, chưa có đầy đủ khả năng nhận biết về những hành vi đồi bại xâm hại các em. Tuy nhiên, người được phân công giải quyết các vụ án XHTD trẻ em phần lớn kinh nghiệm và kỹ năng còn hạn chế nên khi tiến hành lấy lời khai có thể khiến trẻ không biết trả lời, trả lời không chính xác hoặc thay đổi lời khai liên tục. Thậm chí ở nhiều vụ án khiến nạn nhân rất hoang mang, lo sợ phải khai đi, khai lại những nội dung bị xâm hại. Thành ra, nơi xét xử lại là nơi khiến các nạn nhân lo lắng nhất.

Bên cạnh đó dù đa số các vụ án XHTD được xét xử kín nhưng nhiều thông tin vụ án, hình ảnh cá nhân của bị hại bị lọt ra ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau khiến nạn nhân và gia đình thêm sức ép.

Trong công tác giải quyết các vụ việc XHTD trẻ em, kiểm soát viên cần chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra phối hợp với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để hỗ trợ và xử lý thông tin ban đầu. Về mặt chế tài đề nghị bổ sung tội danh mới vào Bộ luật Hình sự năm 2015 - Tội quấy rối tình dục trẻ em để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến trẻ em.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục: Mỗi khâu chậm một chút sẽ gây thiệt thòi cho trẻ em

Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em thay cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong Luật Trẻ em đã quy định rõ về việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, cũng như đề ra các giải pháp. Chính vì vậy, khi có vấn đề về xâm hại trẻ em người thân cần phải gọi ngay đến đường dây nóng để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Cũng theo ông Tiến, các cơ quan bảo vệ pháp luật như truy tố, điều tra, xét xử phải nhanh chóng vào cuộc ngay đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại. “Chúng ta có thể tìm ra đối tượng XHTD trẻ em nhanh hơn nhờ khoa học hình sự. Nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, mỗi khâu chậm một chút sẽ gây thiệt thòi cho trẻ em và gia đình”- ông Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương nơi trẻ em sinh sống. Nếu người đứng đầu không “sốt sắng” vào cuộc, coi đó là trách nhiệm của mình thì vụ việc xâm hại sẽ dễ bị chìm xuồng.

Thùy Dương (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đứa trẻ sống trong ‘bão’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO