Những gì diễn ra sau 'cái chết' của người đàn ông da màu

Đinh Hoàng Tú 14/06/2020 08:00

Cùng với bão dịch Covid-19 thì trận “cuồng phong xã hội” tiếp tục nổi lên ở Mỹ và nhiều nước khác, kể từ sau cái chết của người đàn ông da màu 46 tuổi, George Floyd, được cho là do viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin gây ra.

Kể từ ngày 25/5 oan nghiệp ấy, tình hình diễn biến ngày một trầm trọng với những đợt biểu tình liên miên. Kể cả những kẻ lợi dụng tình hình để cướp bóc, hay là tấn công cảnh sát. Truyền thông Mỹ cho rằng, Tổng thống Donald Trump cần phải gấp rút “tháo ngòi nổ”. Ngòi nổ thì đã thấy, nhưng tháo bằng cách nào thì lại không hề đơn giản. Chính vì thế việc mới đây ông Trump bổ nhiệm một viên tướng gốc Phi đầu tiên làm Tham mưu trưởng Không quân Mỹ được giới quan sát cho là “cách làm khôn ngoan”.

Những gì diễn ra sau 'cái chết' của người đàn ông da màu

Tướng Charles Q. Brown.

Ngày 9/6, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu tán thành 100% giúp Tướng Charles Q. Brown trở thành Tham mưu trưởng Không quân trong bối cảnh nước Mỹ rối ren với những vấn đề sắc tộc. Theo tờ Politico, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một công dân gốc Phi được đề cử nắm giữ cương vị lãnh đạo một trong 6 quân chủng của quân đội. Ông cũng là vị tướng gốc Phi thứ hai làm việc trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, sau Chủ tịch Colin Powell trong giai đoạn 1989-1993.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Donald Trump viết: “Đây là một ngày lịch sử với nước Mỹ. Rất hào hứng khi làm việc, Tướng Brown là một người yêu nước và một nhà lãnh đạo vĩ đại”. Trước đó, vào đầu tháng 3, ông Trump đã đề cử Tướng Brown giữ chức Tham mưu trưởng thứ 22 của Không quân Mỹ, khi ông này đang giữ chức chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình dương. Còn trước đó, Tướng Brown lãnh đạo lực lượng Không quân tại Trung Đông và từng làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ. Brown trở thành sĩ quan Không quân vào năm 1984. Ông là phi công và hướng dẫn điều khiển chiến đấu cơ F-16. Trong quá trình phục vụ quân ngũ, vị tướng này có kinh nghiệm 2.900 giờ bay và 130 giờ tác chiến.

“Tôi đang nghĩ về những xúc cảm trong mình, không phải chỉ dành cho George Floyd mà còn cho nhiều người Mỹ gốc Phi đã phải hứng chịu số phận tương tự như George Floyd. Tôi nghĩ về lịch sử đầy rẫy các vấn đề sắc tộc và trải nghiệm của chính mình khi không phải lúc nào cũng hát vang tự do và bình đẳng. Tôi chỉ muốn có trí tuệ và sự hiểu biết để lãnh đạo trong những thời điểm khó khăn như này”-Tướng Brown phát biểu trong một đoạn video dài 5 phút đăng trên mạng xã hội Twitter.

Những gì diễn ra sau 'cái chết' của người đàn ông da màu - 1

Một người biểu tình chỉ tay vào mặt lực lượng cảnh sát ở thành phố Tucson, bang Arizona, Mỹ.

Điều “lạ thường” đang diễn ra

Đó là sự đồng thuận hiếm hoi từ lưỡng đảng lớn nhất nước Mỹ: đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Vậy họ đồng thuận về điểm gì? Theo CNN, làn sóng bất ổn xã hội hiện nay đã thúc đẩy một sự đồng thuận hiếm có của lưỡng đảng rằng cải cách ngành cảnh sát là cần thiết. Tuy rằng cả hai phe Dân chủ và Cộng hoà đều tìm kiếm những cải cách riêng. Tuy nhiên, đây được coi là điều “lạ thường” khi mà một mức độ đồng thuận lưỡng đảng vốn hầu như không thể tìm thấy trong các vấn đề khác ở Washington.

Đi bước trước, đảng Dân chủ đã công bố một dự luật cải cách sâu rộng lực lượng cảnh sát “như một câu trả lời với những kêu gọi của người biểu tình”. Chỉ sau đó một hôm, ngày 9/6, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết họ cũng đã lên kế hoạch giới thiệu các đề xuất cải cách riêng. Đáng chú ý, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố công khai rằng ông ủng hộ một số điều khoản trong dự luật của đảng Dân chủ, trong đó có một điểm rất đáng chú ý: Tạo ra các điều kiện dễ dàng để sa thải các sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc sai trái; đồng thời không để cảnh sát bị cáo buộc chuyển đi nơi khác (nhằm trốn tránh trách nhiệm).

“Đây là thời điểm quan trọng. Đây là thời điểm chúng ta phải tìm ra cách có thể cùng nhau hợp tác”-Thượng nghị sĩ McCarthy nói với tờ Los Angeles Times.

Trong khi đó tại Texas, nơi nạn nhân George Floyd lớn lên, Thống đốc Greg Abbott (người của đảng Cộng hòa) còn bước những bước gấp gáp hơn. Trả lời giới truyền thông, ông Abbott đã trực tiếp liên hệ vấn đề cải cách cảnh sát với nạn phân biệt chủng tộc. “Tôi đã hứa với gia đình anh ấy rằng tôi sẽ phối hợp với gia đình trong các cuộc thảo luận. Bởi chính họ là những người đã phải chịu đựng nạn phân biệt chủng tộc ở tiểu bang này và trên đất nước này. Để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không còn tình trạng cảnh sát tàn bạo như những gì đã xảy ra với George Floyd”- ông Abbott nói.

Một cuộc thăm dò mới của CNN/SSRS cho thấy 67% người Mỹ tin rằng hệ thống tư pháp hình sự ủng hộ người da trắng hơn người da đen. Và cùng tỷ lệ đó nói rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn ngày nay, so với chỉ 49% vào năm 2015, một năm sau làn sóng bạo loạn Ferguson. Tương tự, một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Đại học Monmouth, cho thấy 57% người Mỹ tin rằng cảnh sát lạm dụng vũ lực quá mức đối với người da đen (tăng từ 34% vào năm 2016).

Đó là sự thay đổi mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ, và nói như chuyên gia thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa, ông Frank Luntz thì “trong 35 năm thực hiện các cuộc thăm dò, tôi chưa bao giờ thấy quan điểm của công chúng ​​thay đổi nhanh và mạnh mẽ như vậy. Ngày nay chúng ta là một quốc gia khác so với chỉ 30 ngày trước”.

Những gì diễn ra sau 'cái chết' của người đàn ông da màu - 2

Biểu tình ở Melbourne, Australia, ngày 6/6.

Cấm cảnh sát ghì cổ nghi phạm

Trước làn sóng dư luận vô cùng mạnh mẽ, Nhà Trắng buộc phải nhất trí thông qua một loạt cải cách đối với lực lượng cảnh sát. Trong đó có quy định mới cấm hành vi ghì cổ, như vụ cảnh sát ghì cổ người Mỹ gốc Phi George Floyd và yêu cầu cảnh sát cung cấp hình ảnh từ camera gắn trên đồng phục trong những vụ gây chết người hoặc dùng vũ lực.

Theo cải cách mới, cảnh sát thủ đô bị cấm tuyển dụng người từng có lịch sử sai phạm trong ngành, giới hạn việc dùng vũ lực và mua vũ khí. Còn theo CNN, trước khi những cải cách này được luật hóa thì ít nhất 11 thành phố đang áp lệnh cấm hành động ghì cổ của cảnh sát.

Một trong những cải cách quan trọng được phe Dân chủ đưa ra nhằm ngăn chặn bạo lực và phân biệt chủng tộc là phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy tố những cảnh sát có hành xử sai phạm, vi phạm quyền dân sự.

Theo tờ The Guardian (Anh), “nhiều người đã đến nhà thờ ở Houston để nói lời từ biệt với ông Floyd trước khi ông được chôn cất ở một nghĩa trang tại TP Pearland. Điều đó cho thấy nỗi nhức nhối trước một cái chết oan nghiệt lẽ ra đã không xảy ra nếu như màu da của ông trắng hơn và cũng không có những cảnh sát được dung túng sử dụng bạo lực”.

Làn sóng biểu tình ngoài nước Mỹ

Không chỉ ở nước Mỹ, nơi Floyd thiệt mạng người ta mới xuống đường biểu tình mà nhiều nơi trên thế giới người dân cũng đã xuống đường. Các màu da đứng bên nhau, sát cánh cùng nhau trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng sắc tộc. Họ coi đây như một khoảnh khắc lịch sử, để thay đổi, để có một tương lai “đáng sống” hơn cho tất cả mọi người.

Từ nước Mỹ, làn sóng biểu tình lan rộng tại các nước Anh, Đức, Pháp, Ireland, Australia, Cộng hòa Séc, Tunisia… Hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Dublin của Ireland để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và lạm dụng vũ lực của cảnh sát Mỹ. Người biểu tình đã quỳ gối xuống đường để bày tỏ sự bất bình và yêu cầu một sự thay đổi mang tính hệ thống trước nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành để tưởng nhớ George Floyd. Bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, những người biểu tình vẫn xuống đường ở các khu vực gần Tháp Eiffel. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 23.300 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên cả nước, trong đó riêng tại Paris là 5.500 người. Tại thành phố Hamburg của Đức, cảnh sát đã phải sử dụng bình xịt hơi cay nhằm vào người biểu tình.

Nhưng có lẽ “sôi động” hơn chính là tại nước Anh. Tại Thủ đô London, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra ôn hòa, nhưng có một số ít người biểu tình tại khu vực gần nơi ở của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phố Downing đã ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng này có hành động tự vệ và đẩy lui những người biểu tình này. Người biểu tình cũng đã tuần hành ngang qua Đại sứ quán Mỹ ở phía nam sông Thames, chặn lối đi và giương cao các biểu ngữ phản đối. Họ cũng kéo về tòa nhà Quốc hội Anh, giơ cao biểu ngữ với dòng chữ “Black Lives Matter” (Quyền sống cho người da đen). Người Anh đã xuống đường phớt lờ các khuyến cáo của chính phủ là tránh tụ tập đông người do lo ngại Covid-19.

“Giờ đã đến lúc phải thay đổi”- Aisha Pemberton, một giáo viên tiểu học, 39 tuổi, ở London bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những gì diễn ra sau 'cái chết' của người đàn ông da màu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO