Những giấc mơ của xẩm

Nguyễn Quang Long 08/09/2016 15:05

Hơn mười năm trước hẳn chả mấy ai mảy may nghĩ có ngày hát xẩm lại tưng bừng giữa chốn phồn hoa Hà Thành ngày nay. Có chăng nó chỉ dừng lại ở giấc mơ của một nhóm nghệ sĩ yêu âm nhạc cổ truyền. Nhưng giấc mơ ấy đang ngày càng gần hiện thực.

Đêm Xẩm & Đời lần 1 – tháng 1/2015.

1. Tưng bừng những đêm xẩm với đầy ắp khán giả, điều vô cùng bình thường với những nghệ thuật thời thượng nhưng lại là giấc mơ xa vời ngay cả với các thể loại âm nhạc cổ truyền khác chứ chưa nói tới hát xẩm, một nghệ thuật chịu nhiều thiệt thòi. Vậy mà giờ đây, điều đó lại không quá xa lạ với khán giả. Đêm nghệ thuật nhân mùa Vu Lan 2016 với cái tên “Ngãi mẹ sinh thành” vừa được nhóm Xẩm Hà Thành tổ chức hôm 12-8 tại Laca café số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội với sức chứa 200 chỗ ngồi đã chật kín. Có một điều rất khác, đa phần các đêm nghệ thuật cổ truyền miễn phí cốt sao có khán giả thì “Ngãi mẹ sinh thành” làm ngược lại: bán vé. Không những thế nhóm lại định mức giá vé tương đối so với mặt bằng phòng trà ca nhạc, ngang một đêm có ca sĩ hạng trung tên tuổi đã được biết đến.

“Với quan niệm nghệ thuật truyền thống cũng có những giá trị đặc biệt cần phải trân trọng và nếu phải bỏ tiền túi ra những ai tới sẽ thực sự chăm chú thưởng thức” - Lương Ái Vân, thành viên tổ chức của nhóm chia sẻ. Nhóm còn nói vui với nhau “xẩm cũng phải danh giá”! Lần tổ chức nào cũng vậy, tưởng ế vé nhưng cứ trước giờ diễn, khán giả lại kéo đến ùn ùn. Đêm “Ngãi mẹ sinh thành” có cả một nhóm ở tận Hưng Yên rủ nhau lên xem xong rồi về. Lại có nhóm khán giả ở Đông Anh, Thạch Thất cũng vượt mấy chục km trong mưa tới. “Vui nhất là sự quan tâm của truyền thông” - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ và cho biết thêm: Dẫu nhóm không chủ trương mời vì sợ ảnh hưởng tới không gian thưởng thức nghệ thuật, ấy vậy mà có tới gần chục kênh truyền hình tới nhìn chẳng khác gì những chương trình có sao nhạc nhẹ, cũng thấy vui.

Lần trước, vào dịp áp Tết Nguyên đán Bính Thân, chương trình “Xẩm Xuân 16” cũng tổ chức với phương thức tương tự, áp giờ diễn, có vị khách trẻ khoác ba lô trên vai hớt hải tới, hỏi ra mới biết anh vừa đi ô tô khách từ Hải Phòng tới nơi đến thẳng điểm diễn. Lại có những cặp vợ chồng lớn tuổi cùng tới, chắc để nhớ lại một thời đã qua. Nhưng phần đông khán giả vẫn là thanh niên và trung niên. Những ấm áp nho nhỏ ấy thắp lên niềm tin trong lòng nghệ sĩ.

2. Gần đây Xẩm Hà Thành liên tiếp ra những MV hoặc audio xẩm mới tạo được hiệu ứng truyền thông cũng như sự đón nhận của công chúng. Hơn 3 vạn lượt xem chỉ sau 3 ngày ra mắt là con số MV “Xẩm Đường lưỡi bò” vừa đạt được. Trước đó, “Xẩm trà đá” tạo được chú ý ngay sau khi ra mắt, thậm chí Cuộc sống thường ngày VTV1 còn mời ê-kíp tới chia sẻ trực tiếp trong khi có những tờ báo lớn còn dành vị trí trang nhất truyền tải tin tức. Nhưng ghi dấu ấn nhất phải kể tới MV đầu tiên của nhóm “Tiễu trừ cướp biển”, một tác phẩm tâm huyết chắt lọc giữa những tinh hoa của nhạc Việt với ngôn ngữ hiện đại nói về những vi phạm của dàn khoan 981 ra mắt năm 2014. Hiện tại nhóm đang còn tới 5 MV về văn hóa giao thông đã hoàn thiện, đang chờ thời điểm thích hợp để ra mắt.

Có lẽ một trong những điều tưởng như chỉ là giấc mơ của xẩm xưa kia có được hiện thực như vậy là bởi Xẩm Hà Thành tôn vinh những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại. Sự pha trộn giữa truyền thống với hiện đại một cách có chủ ý. Xẩm Hà Thành luôn cho rằng, muốn một nghệ thuật có truyền thống từ xa xưa nối dài sức lan tỏa thì phải truyền tải được hơi thở cuộc sống hôm nay. Khai thác chất dí dỏm, hài hước nhưng có phần châm biếm của xẩm để lồng vào những nội dung đang được xã hội quan tâm sẽ khiến xẩm gần hơn với mọi người.

Như “Xẩm Đường lưỡi bò” là tiếng nói ủng hộ phán quyết của tòa quốc tế bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về đường chín đoạn dí dỏm với cách nói trực diện, thẳng mà vẫn rất văn minh, cứ như cả một “hội nghị bàn tròn” với các cụ bô lão trong làng đứng ra phân bua phải trái, có lúc mềm, lại có lúc như mắng. Dẫu thế, bài xẩm vẫn đầy chất nghệ thuật, hoàn toàn không sa đà vào sự thô tục, kệch cỡm. Hay “Xẩm Trà đá” kể chuyện thời sự nóng hổi theo kiểu buôn chuyện vỉa hè. Cánh đàn ông cùng nhâm nhi chén trà ở vỉa hè bàn toàn chuyện lớn, nào là văn hóa của lớp trẻ, nào là những đứa trẻ bị bỏ rơi, nạn chặt gỗ lậu… Gợi lại hình ảnh những người dân thường nói lên những tâm tư suy nghĩ cũng chính là một nét đặc trưng của xẩm, vốn được coi là tiếng nói của tầng lớp nông dân, nhân dân lao động. Bên cạnh đó, Xẩm Hà Thành vẫn dành tâm huyết cho những dự án mang tính nghệ thuật, những bài xẩm “Rau má”, “Quê choa”… MV “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” mới ra mắt dịp đầu 2016 được thực hiện với kỹ thuật hình ảnh lung linh không kém những MV của giới trẻ bây giờ cũng là cố gắng đưa xẩm vào đời sống.

3. Sống. Sống một cách thực sự trong đời sống hôm nay là điều không tưởng với hát xẩm vốn quá nhiều thiệt thòi khi nó dường như không được thừa nhận là một nghệ thuật, lại còn bị đánh đồng với ăn xin, bị hắt hủi và tưởng chừng đã thuộc về một thời quá khứ. Nhưng ngay cả khi xẩm lay lắt với một ngọn đèn duy nhất mang tên Hà Thị Cầu, thì người nghệ nhân già sống trong nghèo khổ ấy cũng vẫn luôn tin ngọn lửa dù yếu nhưng còn cháy có nghĩa vẫn còn hy vọng.

Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một bà già nhỏ bé, mặt hơi cau cau, ngồi bỏm bẻm nhai trầu trên chiếc giường cũ rích bên khung cửa sổ của ngôi nhà cấp bốn đã rất lâu không được sửa chữa. Khi vừa nhìn thấy nhạc sĩ Thao Giang và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa bước vào đã ném ngay câu gọn lỏn: “Ai đấy?” rồi nhìn vào Mai Tuyết Hoa giọng căng hơn: “Cha bố mày!”. Rồi với ngay cây đàn nhị đã để sẵn ở bên, miệng vẫn còn nhai trầu, cất lên tiếng hát cứ réo rắt “Tứ hải giao tình anh em ta ơi tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà…” Đó là một ngày cách đây hơn chục năm, lần đầu tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu. Sự tinh tế đến từng nốt nhạc, lời ca, cách giao tiếp hóm hỉnh đáo để và cuộc sống vật chất gần chạm số không khiến tôi không sao thoát ra khỏi ám ảnh về bà. Ngay thời điểm đó, trở về Hà Nội tôi đã đề nghị thực hiện các dự án hỗ trợ nghệ nhân Hà Thị Cầu. Gọi là dự án cho to tát, thực ra chỉ là để cái chậu ra trước sân khấu và nói dăm câu ba điều và mỗi người biếu bà chút tiền gọi là. Nhưng việc làm ấy cứ bền bỉ trong vài năm cũng đủ để cuộc sống của bà đỡ vất vả hơn.

Song, cái chúng tôi cảm nhận được ấy là tình yêu vô bờ của bà với xẩm. Ao ước trước khi chết một lần được chứng kiến lại lễ giỗ tổ nghề, có người nối tiếp những câu hát… Những thứ ấy chúng tôi cứ lần lượt biến nó thành hiện thực trong suốt gần 10 năm gắn bó với xẩm có bà ở bên cạnh. Và rồi một ngày, chợt nhận ra, nếu chỉ dừng lại ở những câu hát từ trong quá khứ, xẩm cũng sẽ chỉ dừng lại ở bảo tồn. Vậy là dòng chảy đã bị ngắt. Dù rất quý giá nhưng làm sao cứ bắt khán giả nghe mãi những thứ ngày càng lùi xa với cuộc sống của họ? Vậy là Xẩm Hà Thành ra đời với mong muốn nối tiếp mạch nguồn truyền thống để tiếp tục chảy trong đời sống hôm nay.

Những MV, chương trình nghệ thuật vẫn đậm chất truyền thống lại ngập tràn hơi thở đương thời ra đời từ khuynh hướng ấy. Dẫu thế, tất cả chỉ dừng ở mức độ thể nghiệm, những chương trình bán vé dẫu có khách vẫn chưa có lãi. Lại đôi khi không tránh khỏi đôi ba lời rèm pha. Nhưng nếu nhóm với thành viên hầu hết là những nhà nghiên cứu không làm thì ai làm? Và thời điểm này, khi vẫn còn sung sức không làm thì bao giờ mới làm? Chỉ thế thôi, chứ chẳng ai giao trách nhiệm, là do tự gánh vác, nhóm vẫn kiên định đường riêng.

Trước mắt, Xẩm Hà Thành đang bận rộn vận hành dự án đêm “Xẩm và Đời” lần thứ 2 nếu thuận sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đầu năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giấc mơ của xẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO