Những ngôi nhà tuổi thơ

Y Ban 09/11/2021 09:00

Những ngày này bỗng các kỷ niệm ùa về tươi rói, chúng khiến tôi rất hưng phấn. Tôi muốn ngôi nhà mà tôi đang tưởng tượng ra có hương vị của tất cả những ngôi nhà mà tôi đã ở nhờ ngày thơ ấu.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Từ lúc biết nhớ, tôi đã ở qua nhiều ngôi nhà. Và tôi nhớ nhất là những ngôi nhà đi ở nhờ. Lúc 5 tuổi nhà tôi ở nhờ nhà cô chú Am ở Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng, Nam Định). Nhà tôi ở nhờ trong một căn nhà lợp ngói có những cánh cửa bằng gỗ lim. Đằng trước có sân gạch rộng, có bể nước mưa hứng từ mái ngói bằng ba ống máng luồng nối với nhau. Phía đằng sau có một chiếc ao rộng, cầu ao bắc bằng ba phiến đá xanh. Tôi rất thích căn nhà ở nhờ này tuy có một nỗi sợ hãi không hề nhẹ, đó là căn buồng phía bên trái. Căn buồng đó rất tối, cho dù nắng rờ rỡ ngoài sân gạch thì trong buồng cũng chỉ thấy nhờ nhờ. Trong buồng có một chiếc rương rất to. Tôi quá bé để dù có rất tò mò cũng không thể nào nhòm vào được chiếc rương đó. Bếp ở bên tay phải, cạnh bếp là chuồng lợn.

Nhà chúng tôi 5 người và một bà giúp việc. Cô chú Am lên rừng làm ăn chỉ thi thoảng mới về. 5 tuổi tôi đi học vỡ lòng, bố bảo, cho con đi học sớm vì con gái hay yêu sớm, yêu rồi còn học hành gì được nữa. Tôi bé như cái kẹo và có chiếc trán rất dài, đôi mắt xếch. Lớp vỡ lòng được đặt trong đình làng. Đình làng có chiếc sân rất rộng, để phơi lúa khi đến mùa gặt. Đằng sau đình có một vườn cây xoan, cao vút. Đình làng rất rộng. Lớp vỡ lòng chỉ học ở một góc đình. Bàn ghế được kê sát cửa sổ, để hứng ánh sáng. Cô giáo đầu tiên của tôi không còn trẻ nữa. Cái tên của cô cũng mộc mạc: Nguyễn Thị Hinh. Chữ cô viết rất đẹp. Theo tay thước của cô chúng tôi đọc: “O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ, ơ thời thêm râu. O, a hai chữ khác nhau, vì a có cái móc câu bên mình”.

Khi lên lớp 1 tôi phải đi xa hơn. Lên lớp 1 nhà nào cũng đội đến trường một đống rạ to để lợp lại mái nhà lớp học đã bị dột. Tôi đi theo bạn cùng lớp đến trường, con đường rất xa, đi trên đường làng rồi đi tắt qua đường ruộng rồi lại lên con đường đất. Nếu trời mưa tôi ngã liên tục có hôm phải quay về không đi học. Đường rất trơn mà tôi lại không biết cách bấm chân xuống đất để khỏi ngã.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Lên lớp 2 tôi khóc không chịu đi học, dứt khoát không đi. Mẹ hỏi tại sao không đi học?

- Tại không có quần đen, nếu không có quần đen con không đi học.

- Thế tại sao con phải mặc quần đen?

- Tại vì nếu mặc quần hoa thì chúng nó sẽ lêu lêu.

Mẹ xin được một chiếc bao tải đựng bột của Liên Xô viện trợ rồi mua thuốc nhuộm đen về nhuộm rồi cắt thành quần đen cho tôi. Tôi lại đi học, nếu hôm nào bị ngã quần ướt tôi nghỉ học. Nhà tôi bố mẹ làm việc ở Bệnh xá Nghĩa Hưng. Bố mẹ có lương nhà nước có tem thịt, tem mua vải. Chúng tôi luôn phải đeo dép nhưng ở lớp tôi không có đứa nào đeo dép cả, nên khi đi học tôi cũng đi chân đất.

Ở Nghĩa Thái tôi được học những bài luân lý đầu đời mà tôi đã viết trong truyện dài “Cẩm cù”: “Cho cho đòi đòi ông sấm ông sét đánh lòi mắt ra”; “Ai mà chửi mẹ mắng cha chết xuống âm phủ leo qua cầu vồng”; “Thứ nhất là đái đầu cầu; Thứ hai bắt chấy bỏ đầu người ta; Thứ ba ăn trộm trứng gà; Thứ tư đánh rắm chạy qua mặt người” đó là 4 thứ cấm kỵ.

Mùa hè mẹ cấm tiệt không cho bén mảng ra ao. Mẹ để ba chiếc roi dâu ở khe cửa. Mỗi đứa một cái. Khi mẹ đánh đòn, mẹ bắt cả ba chị em đi lấy roi, rồi lần lượt từng đứa nằm dài ra giường. Một bận thằng em giáp tôi rất sợ lằn roi của mẹ bèn vứt cả ba cái roi xuống ao. Mẹ bắt nó đi kiếm bằng được cái roi dâu. Từ sân nó đã trịnh trọng dâng roi cho mẹ bằng cả hai tay trong một nghi lễ đau đớn. Nhìn vẻ mặt nó tôi bỗng cười váng nhà. Mẹ cũng bật cười. Mẹ dữ đòn, chúng tôi lại không dạn đòn.

Trận mưa rào ào ào đổ xuống. Những bong bóng nước đuổi nhau quanh sân gạch. Chúng tôi cởi áo quần chạy ra sân tắm mưa. Mát lịm, sạch sẽ và trong lành. Trời tạnh và nắng lại chói chang. Tôi sang nhà bác Thạo. Bác bảo: Ra vườn bói cam nẻ. Tôi cười sung sướng.

Những ngày bố về nhà chúng tôi đầy ắp tiếng cười. Thường thì bố và hai đứa em tôi sẽ đùa nghịch cùng nhau còn tôi và mẹ nấu ăn.

Bố mẹ tôi gặp nhau ở bệnh xá Nghĩa Hưng, một cặp rất đẹp đôi. Mẹ tôi rất đẹp trắng ngần mặt trái xoan nhưng chỉ là cô hộ lý. Bố tôi là y tá đẹp trai hát hay chơi đàn măng đô lin rất hay. Ở cái thị trấn Liễu Đề những năm 60, các cô nàng xinh đẹp vẫn truyền tai nhau “Ngũ hổ”là 5 chàng đẹp trai tài hoa, có bố tôi trong nhóm đấy.

Bố là y tá rất giỏi chuyên môn, mẹ kể mùa nóng bố mặc quần đùi mặc áo blouse đeo ống nghe khám cho bệnh nhân, bao cô cứ loanh quanh bệnh viện để ngắm anh bác sĩ đẹp trai, là các cô ấy tưởng thế. Bố mẹ làm ngành y nhưng sinh con theo đàn như các cụ cho dễ nuôi, 5 năm ba đứa, khi đứa em thứ ba được hơn 1 tuổi thì bố thi đỗ trường y sĩ Nam Định. Trường khi ấy sơ tán ở Cao Đà, bố cũng ở trọ.
Bố dạy hai đứa em câu cá. Bố còn vót cần câu, mua cước và lưỡi câu.

Cuối năm 1969, nhà tôi lại có cuộc di cư. Nhà tôi chuyển lên thành phố Nam Định, vì tương lai của ba đứa con lên thành phố có trường học tốt hơn. Bố mẹ tôi được nhận vào làm việc tại bệnh viện số 1 Nam Định. Chúng tôi lại tiếp tục đi ở nhờ.

Ảnh: Việt Khánh.

Học xong lớp 4 nhà tôi lại chuyển đến ở nhờ nhà cô Thu làm cùng với bố mẹ tôi. Cô Thu là y sĩ, chồng cô là bác sĩ. Nhà cô ở cạnh sân bóng đá Chùa Cuối mà tôi đã nhắc đến ở phần đầu. Ngôi nhà ở nhờ này tôi cũng rất nhớ dù chỉ là nỗi nhớ buồn. Nhà cô Thu có hai đứa con gái tầm tuổi tôi và chúng nó cũng đanh đá như tôi. Chúng tôi cãi nhau suốt ngày…

Tôi biết nấu cơm bằng bếp dầu. Có bận dầu không có bán thay bằng mùn cưa. Tôi cũng biết nấu bếp mùn cưa. Bếp mùn cưa làm bằng sắt tròn khoét cái lỗ, dùng cái chai cho vào giữa rồi cho mùn cưa vào lèn cho chắc sau đó vẫn phải dùng củi để nhóm, khi lửa đượm rồi chỉ cần dùng rất ít củi. Hôm trời hanh khô thì dễ nhóm bếp mùn cưa còn khi trời mưa mùn ẩm thì nhóm được cái bếp mùn cưa là cả một vấn đề lớn. Ngày tháng 10 chưa cười đã tối, tôi đi học về trời đã nhá nhem, bố mẹ chưa về. Tôi đóng xong bếp mùn cưa sờ đến củi thì hết, tôi dùng dao rựa chẻ củi. Tôi chặt ngay phải ngón tay cái. Không thấy đau chỉ thấy buồn ngủ. Tôi bò được lên giường rồi thiếp đi. Mẹ về nghe tiếng mẹ, sao con bé này lại ngủ lúc này. Mẹ bật đèn thấy ngón tay chảy máu ra gối bèn băng lại cho tôi.

Tôi cũng đã từng có một lần buồn ngủ như thế trên đường từ quê nội về. Đám cưới chú út bố mẹ đứng ra lo liệu toàn bộ, bánh kẹo thuốc lá tất tật từ Nam Định chở về. Quê nội tôi ở xã Khánh Hồng, Ninh Bình cạnh bến đò Nhân Hậu. Ngày chúng tôi ở Liễu Đề về quê đi trên bờ đê qua bến đò 10. Mẹ may cho ba chị em ba áo mới để đi đám cưới chú. Tôi chỉ nhớ vui ơi là vui. Tôi bị lở mồm mỗi khi ăn cơm đau không chịu nổi nhưng tôi không thấy đói. Tôi chỉ thấy vui thôi. Buổi tối hôm đón dâu về nhà bà nội hình như bố mẹ tôi cãi nhau, không khí nặng nề. Bố mắc màn ngoài sân cho ba chị em ngủ. Sáng sớm hôm sau mẹ đánh thức ba đứa dậy, dậy dậy đi về nhà. Bà nội bảo, mẹ nó để các con ăn sáng đã. Mẹ nói, con cho các cháu về sớm kẻo nắng bu ạ, về qua thị xã con cho các cháu ăn. Mẹ đèo ba chị em trên chiếc xe đạp Thống Nhất. Bố không về cùng. Ra đường to có chú bộ đội đèo tôi giúp mẹ. Từ nhà bà nội lên đến thị xã Ninh Bình hơn 20 cây số. Đến trước một cửa hàng ăn mẹ nói với chú bộ đội, cảm ơn bác đã đèo cháu, bác cho cháu xuống đây để các cháu ăn chút gì đã. Chú bộ đội dừng xe. Mẹ bảo, Ban xuống đi con. Tôi trèo xuống, bỗng buồn ngủ không chịu được, tôi ngủ luôn. Không biết tôi ngủ bao lâu đến lúc tỉnh ngủ thì thấy bao nhiêu gương mặt đang nhìn vào mặt tôi. Tôi nhìn thấy đầu tiên là gương mặt mẹ đầm đìa nước mắt, sau đó là gương mặt bố đầy lo âu và những gương mặt lạ. Bố đỡ tôi ngồi dậy, mẹ đút cháo cho tôi. Miệng tôi vẫn rất đau nên tôi không ăn được. Bố bảo tôi uống hết cốc nước đường. Những gương mặt lạ là mấy cô mậu dịch viên và chú lái xe. Bố đã đuổi theo bốn mẹ con và bắt gặp cơn buồn ngủ của tôi. Chú lái xe cho cả nhà tôi lên thùng xe chở về Nam Định…

Những ngày này bỗng các kỷ niệm ùa về tươi rói, chúng khiến tôi rất hưng phấn. Tôi muốn ngôi nhà mà tôi đang tưởng tượng ra có hương vị của tất cả những ngôi nhà mà tôi đã ở nhờ ngày thơ ấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ngôi nhà tuổi thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO