Tôi vừa đọc thư bạn gửi về, cảm nhận được nỗi tha thiết nhớ quê nhà mà bạn vì Covid-19, lâu chưa được trở về.
G thân mến!
Tôi vừa đọc thư bạn gửi về, cảm nhận được nỗi tha thiết nhớ quê nhà mà bạn vì Covid-19, lâu chưa được trở về. Bạn kể tôi nghe về những người Việt lớn tuổi, những người trung niên và cả những bạn trẻ đi du học đang cùng một nỗi nhớ. Mỗi cuộc đời giống như một thước phim quay thật chậm, chiếu lên những câu chuyện. Ở phương trời xa ấy, những con người Việt Nam bình dị, từng ngày đối mặt với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nhưng vẫn dưỡng nuôi một tâm hồn tình cảm, lãng mạn, hài hước xen lẫn hoài niệm về quê nhà.
Bạn bảo rằng có những người trung niên, đặt chân lên đất Mỹ từ thưở chỉ là những cô cậu nhóc, đã sớm thấm đượm nỗi buồn giữa những đứa bạn nói thứ ngôn ngữ mà mình nói không rành, nghe không hiểu. Và cũng chính những con người ấy đã tự nhủ với nhau rằng “ngôn ngữ, kiến thức là một điều vô cùng cần thiết nhưng có đôi lúc bằng chính con tim và tấm lòng, người ta vẫn có thể đến với nhau một cách dễ dàng nhất”. Họ vượt qua bao sóng gió cuộc đời, từng ngày lớn lên, vững chãi, an nhiên vì họ còn có những người thân cùng sát cánh, những người bạn bản xứ nhiệt tâm, “vì nơi đây, tôi may mắn có được cơ hội gặp gỡ những người bạn chân thành, những tâm hồn biết yêu quý những giá trị phục vụ, luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh”.
Cũng có những người, sống tại Mỹ nhưng tâm hồn vẫn cứ day dứt miên man về ngày xưa cũ tại quê nhà. Nhớ mãi những kỉ niệm bên cây đàn nhỏ, bên xe bán bột chiên hay chỉ là những tác phẩm văn học nước nhà. Họ nhớ những mái trường trung học, nơi chất chứa bao trong sáng tuổi học trò, bao đẹp đẽ của những bài thơ, bài hát. Qua đến nơi ấy, trải qua bao biến cố, thế mà hình ảnh ngày hôm qua ấy vẫn cứ mãi còn, để rồi cứ giữ mãi một nỗi nhớ đau đáu về quê nhà.
Phải kể đến những cụ ông, cụ bà người Việt. Các cụ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, chẳng mong được ăn sung mặc sướng, chẳng mong gì cái thẻ an sinh hay thẻ bảo hiểm. Các cụ chỉ có một ước nguyện, quay về cố hương, tận hưởng cái ồn ào khói bụi mà chân tình của khu phố nhỏ. Các cụ thèm lắm được nói chuyện bằng chính thứ ngôn ngữ đã ăn sâu vào tâm can, tiềm thức của mình. Quê hương chính là để trở về.
G yêu quí!
“Cái gì mà chúng ta học được ở tuổi thơ thì luôn còn mãi”, câu nói ấy của nhà văn Cerventes đúng với tâm trạng của chúng ta bây giờ. Ký ức tuổi thơ dường như không bao giờ phai mờ. Tình bạn từ tuổi thơ lại càng như vậy.
Hồi còn học ở tiểu học, tôi đã có lần cãi cọ kịch liệt với một bạn học cùng lớp. Tôi đã quên mất cãi nhau vì chuyện gì, nhưng bài học mà tôi học được từ ngày ấy tôi không bao giờ quên.
Lúc ấy, tôi tin chắc là mình đúng còn bạn tôi thì sai và bạn tôi cũng vậy, bạn tin chắc là tôi đã sai còn bạn ấy thì đúng. Cô giáo đã dạy cho chúng tôi một bài học quan trọng mà tôi mãi mãi không bao giờ quên.
Cô cho chúng tôi đứng trước lớp, để bạn ấy đứng một bên bàn và tôi đứng bên kia. Giữa bàn cô để một vật tròn to. Tôi thấy rõ ràng đó là vật tròn to màu đen. Cô hỏi bạn ấy thì bạn ấy nói đó là màu trắng.
Tôi không thể tin được vì rõ ràng mười mươi là đen mà bạn lại nói là màu trắng. Thế là một cuộc đấu khẩu kịch liệt lại tiếp tục diễn ra giữa bạn và tôi về màu sắc vật để trên bàn cô.
Cô giáo bèn bảo chúng tôi đổi chỗ cho nhau, rồi hỏi chúng tôi bây giờ thấy đó là màu gì? Thì đến lúc này chúng tôi mới hiểu và đồng ý với nhau vì vật ấy có 2 màu khác nhau ở 2 mặt, tùy vị trí đứng mà ta có thể thấy nó là màu gì. Khi tôi đổi sang chỗ đứng của bạn thì vật ấy có màu trắng và bạn đứng ở vị trí cũ của tôi thì vật ấy có màu đen. Thật đúng như bạn ấy và tôi đã nói.
Thế là chúng tôi đã được cô giáo dạy cho một bài học sâu sắc mà chúng tôi, mà tôi nghĩ là cả lớp nữa, không bao giờ quên: “Mình phải đứng ở vị trí của người khác thì mình mới hiểu và nhìn sự vật bằng đôi mắt của họ, từ đó hiểu được quan điểm của họ”.
Đấy là bây giờ đến tuổi này rồi tôi đúc kết lại câu chuyện tuổi thơ như thế. Chứ hồi ấy chỉ cần nhớ được là sự vật màu gì là do góc nhìn. Và quả thật, bài học ở tuổi thơ thì luôn còn mãi.
G thân!
Kể ra thì cũng buồn cười. Chẳng phải chúng ta cố gắng phấn đấu cả đời để đạt được các mục tiêu hay sao. Thế mà khắp các diễn đàn trên mạng xã hội, chỗ nào tôi cũng thấy tràn lan một không khí hoài cổ. Chỗ nào cũng tiếc rẻ hình ảnh tuổi thơ lam lũ mò cua bắt ốc, trèo sấu trèo me, đám cưới chở nhau xe đạp… Bình luận nào cũng bảo đẹp thật, đẹp quá, hạnh phúc quá… dưới mỗi cái ảnh thưở nảo thuở nào. Tôi dám chắc rằng tất cả những người đang ra sức hoài niệm ấy mà bảo cho về sống nghèo khổ như thế thì chả ai đổi đâu. Thế nên, hạnh phúc là chấp nhận hiện thực cuộc sống. Đang giàu sang mà cứ bảo hồi nghèo khó ấy hạnh phúc nhỉ thì tôi chả tin đâu. Tôi chỉ nghĩ là hồi ấy người ta hạnh phúc vì biết tìm nó trong hiện thực khó khăn. Cũng như bây giờ biết tìm hạnh phúc trong sự dư thừa vật chất.
Tôi nói thế để G đừng nghĩ rằng tôi quá ca tụng tuổi thơ khó nhọc của chúng mình. Bởi vì tuổi thơ của trẻ con bây giờ hơn chúng ta chứ, ít nhất là không khổ, còn đâu thì có phải cứ trèo me trèo sấu mới là hạnh phúc trẻ thơ. Mỗi một thời lại có những niềm hạnh phúc riêng, chả cứ phải theo sẵn một khuôn phép.
Nhưng ký ức tuổi thơ thì tôi tin là còn mãi, dù là trong nhung lụa hay giữa nhọc nhằn. Chính là nhờ ký ức ấy mà những người già, những người trung niên hay những bạn trẻ đều chung một nỗi nhớ quê nhà, đều khắc khoải được trở về.
G thân!
Những ngày này tôi biết, rất nhiều người khác như G đang chờ đến lượt mình được tiêm vaccine để có thể trở về. Có một người bạn tôi đi làm phóng viên thường trú ở một nước châu Á đã đếm từng ngày mỏi mòn, Tết bạn đã không về, phấp phỏng chờ sau Tết. Giờ cũng đã qua mấy tháng rồi, vẫn chưa được về. Thế mà mỗi ngày vẫn đều đặn gửi về những bản tin, giấu hết cả khắc khoải, giấu đi cả nỗi nhớ nhà cứ mỗi ngày một dày thêm mãi.
Cái gì học được ở tuổi thơ thì còn mãi. Hình như tuổi thơ bài học lớn nhất là nhớ mẹ, nhớ nhà. Có phải thế chăng mà dù có lớn cỡ nào, nếu mà sống ở nơi nào đó xa xôi, nỗi nhớ quê nhà cứ luôn còn mãi, theo người ta đến tận vô cùng!
Chào G nhé!
Hẹn gặp lại thư sau!