Những người 'ngồi lê' thành thị

Giang Vương 08/01/2022 09:00

Mờ sáng khi trời còn chưa rõ bóng người, họ đã trở dậy rời khỏi những căn nhà trọ ọp ẹp, ẩm thấp đề tỏa đi khắp các nẻo đường, thành phố (Hà Nội) bắt đầu cho một ngày mưu sinh mới. Kẻ đi xe, người đi bộ, người gánh hàng rong... Tất cả hòa vào nhịp sống ồn ào, gấp gáp của những ngày cuối năm.

“Cửu vạn” Nguyễn Văn Lưu: “Vợ hay đau yếu, không làm được việc nặng. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Mấy năm trước tôi quyết định ra Hà Nội tìm việc làm, đầu tiên làm cho một xưởng mộc, được 2 năm thì chủ xưởng làm ăn thua lỗ, phá sản. Thế là nhóm thợ của chúng tôi cùng nhau ra đây đứng, ai thuê gì thì làm nấy”.

Từ phận người gánh cảgia đình trên vai

6h30, trong cái lạnh của ngày cuối năm, bên góc cầu Mai Động (Hoàng Mai – Hà Nội) một nhóm cửu vạn 7 đến 8 người đã tụ lại, chờ những người có nhu cầu đến thuê làm việc. Mọi người hay gọi họ là “cửu vạn”.

Chúng tôi rà xe táp vào lề đường, ngay lập tức cả nhóm đứng bật dậy, lao đến: “Anh cần mấy người? Làm tiếng hay làm ngày? Việc gì chúng em cũng làm được” – Cả nhóm nhao nhao lên hỏi. Một vài người ưỡn ngực, kéo phanh chiếc áo khoác đã cũ mèm ra thể hiện sức vóc của mình. Khi biết chúng tôi là phóng viên, nhóm người thất vọng tản ra và chờ đợi tiếp.

Lân la trò chuyện với một người đàn ông trạc ngoại tứ tuần đang nửa ngồi, nửa nằm trên chiếc xe máy của mình, anh cho biết tên là Nguyễn Văn Lưu (SN 1973, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Anh đã có thâm niên 5 năm làm cửu vạn ở chợ lao động này. “Ai thuê gì thì làm, bốc vác, dọn nhà, phá dỡ…” – anh Lưu thủng thẳng chia sẻ.

“Bốc vác, dọn nhà, phá dỡ…”, nghề gì họ cũng làm, miễn là có thu nhập.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất chỉ có cát và gió, gia đình năm miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng, nên mấy năm trước, khi đứa con đầu lòng vào đại học, anh quyết định khăn gói lên Hà Nội mưu sinh. “Vợ hay đau yếu, không làm được việc nặng. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Mấy năm trước tôi quyết định ra Hà Nội tìm việc làm, đầu tiên làm cho một xưởng mộc, được 2 năm thì chủ xưởng làm ăn thua lỗ, phá sản. Thế là nhóm thợ của chúng tôi cùng nhau ra đây đứng, ai thuê gì thì làm nấy. Móc cống, phá dỡ, bốc vác….làm tuốt, miễn sao có tiền” – anh Lưu chia sẻ.

Theo chân anh về căn nhà trọ ngay gần chợ Mai Động, trong căn gác ọp ẹp, tối thui, ẩm mốc là một sàn nhà rộng chừng 12 mét vuông dành cho 8 người ở. “Gia sản của mỗi người là một chiếc chiếu, cái chăn và vài bộ quần áo lao động. Chỉ đêm mới về để ngả lưng thôi, nên điện cũng chỉ dùng đến 22h là chủ họ cắt. 300 nghìn/tháng/người” – anh Lưu giới thiệu.

Để có tiền lo cho đứa lớn học Đại học, rồi vợ và hai con nhỏ ở quê nên không kể trời nắng hay mưa, anh Lưu đều thức dậy từ 5h sáng để bắt đầu cho một ngày mưu sinh của mình. “Ngày có tiền thì ăn nắm xôi, ngày không thì nhịn đói đi làm. Năm ngoái, cháu đầu học Đại học đã ra trường và đi làm nên cũng bớt được một khoản. Thế nhưng bớt được một phần thì lại gặp dịch dã, công việc ngày có ngày không”.

Theo chia sẻ của anh Lưu, chẳng có một mức thu nhập nào cho cả tháng. Tất cả đều phụ thuộc vào công việc và những người thuê mình. Đập tay vào chiếc xe, anh cho biết, cách đây mấy tháng, tằn tiện cũng mua được cái xe máy để những lúc chờ người thuê làm thì chạy xe ôm kiếm thêm.

Những đoạn đường mưu sinh

Chỉ chờ có người rà rà xe tới là nhóm lao động ở cầu Mai Động đứng bật lên mong đợi được thuê, được làm.

Cùng hoàn cảnh với anh Lưu, Trần Văn Nhĩ 23 tuổi, (quê Tĩnh Gia – Thanh Hóa), chia sẻ: “Nghề không có nên đành phải ra đứng đây chờ người thuê thôi. Bốn ngày nay chưa ai thuê nên em phải mượn tạm tiền của anh em gửi về quê cho mẹ mua thuốc. Hy vọng những ngày tới có người thuê để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày”.

Nhà có hai mẹ con, học xong ở quê không có việc làm, Nhĩ theo anh em ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. “Em chỉ định ở đây làm vài năm, tích cóp chút vốn rồi về quê lấy vợ, chứ ở đất Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, kiếm được 10 đồng cũng phải tiêu đến 5, 6 đồng, cơ cực lắm” – Nhĩ chia sẻ.

Chiếc xe đạp cà tàng nghèo nàn, đơn sơ như cuộc đời chị Vũ Thị Thoa (Giao Thủy, Nam Định) vậy. Đã hơn 3 năm nay, ngày nào chị cũng thức dậy từ 6 giờ sáng để rong ruổi khắp các xóm, ngõ thu mua phế liệu. Chị kể, cả gia đình lên Hà Nội đã 3 năm nay, chồng đi làm thợ xây, vợ thu mua phế liệu. “Hai đứa trẻ gửi ông bà ở quê, hàng tháng hai vợ chồng tranh thủ chia nhau về thăm con. Được cái các cháu cũng ngoan ngoãn, chăm học nên hai vợ chồng cũng bớt lo lắng”.

Bà Thìn (quê Thái Bình) làm nghề bán hàng rong đã gần chục năm nay. Sáng nào bà cũng dậy từ sớm, ra chợ đầu mối Hoàng Mai mua rau rồi về chợ Cầu Bươu bán. “Mình không có sạp nên đứng ở chợ bán được ít nào thì bán, không thì đi bán rong. Khổ nhất là những hôm bán ế, rau héo, người cũng…..héo luôn theo rau” – bà Thìn hài hước.

Trong dòng người nhộn nhịp, gấp gáp những ngày cuối năm, trong một góc nhỏ nào đó, vẫn thấp thoáng những phận đời đang mưu sinh giữa chốn thị thành. Tối, họ lầm lũi tìm về khu nhà trọ ẩm thấp, ngả lưng trên chiếc chiếu manh rồi thiếp đi trong giấc ngủ nhọc nhằn.

Thông tin Tổng cục Thống kê, hơn 2,2 triệu lao động đã bỏ thành phố về quê do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài. Trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TPHCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác. Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng ngay của các đợt giãn cách. Song vẫn có khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người 'ngồi lê' thành thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO