Những người ’nuôi’ cả dòng sông

Đoàn Xá 31/01/2021 07:38

Trong khi nhiều người đang tìm đủ mọi cách khai thác nguồn thủy sản tự nhiên bằng nhiều phương tiện đánh bắt hủy diệt như lưới mắt nhỏ, kích điện hay thậm chí thuốc nổ, hóa chất... thì ngược lại, có một số người lại sẵn sàng làm “nhà”, bỏ tiền mua thức ăn nuôi những đàn cá tự nhiên trên sông. Họ không chỉ nuôi đàn cá tự nhiên mà dường như đang “nuôi” cả những dòng sông, dòng kênh bởi những đàn cá kia không chỉ là một phần của hệ sinh thái, là hồn cốt của dòng sông vậy.

Đàn cá trên kênh Tháp Mười của bà Nhàn.

Khúc sông của đời người

Là tuyến kênh đào dài nhất vùng Đồng Tháp Mười, kênh Nguyễn Văn Tiếp (trước kia gọi là kênh Tháp Mười) chảy qua nhiều địa phương của vùng chiêm trũng trù phú này. Nhưng cũng như nhiều dòng sông, kênh khác nguồn thủy sản tự nhiên của kênh đang cạn kiệt từng ngày. Chứng kiến điều đó, bà Nguyễn Thị Nhàn (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết bà vô cùng đau buồn.

“Từ nhỏ tôi đã gắn bó với con kênh này. Nhiều năm làm nghề đưa đò qua sông, nó như một phần của đời mình vậy đó. Thế nhưng, nhìn những đàn cá dưới sông ngày ngày bị xuyệt (te điện) biến mất, mình đau lòng lắm. Cũng như nhiều nơi cá ở kênh Tháp Mười thường xuất hiện theo mùa. Sau mùa nước nổi, cá ở đồng dồn về các kênh lớn và dễ bị người ta săn bắt. Có bận mấy năm trước, cuối năm cá từ đồng kéo từng đàn đậu ngay dưới cột tràm sau nhà mình. Nào là cá tra, cá trê, nàng hai, mè dinh đủ cả. Nhưng rồi thấy mấy ghe xuyệt điện ở bên Đốc Binh Kiều sang là những ngày sau vắng bóng đàn cá. Chúng bị trích điện rồi đem đi chợ hết. Nghĩ mà thương lắm. Rồi mình bàn với ông xã quây đám lục bình lại để cho cá sống. Đám lục bình như người ta làm chà, là “nhà” của đàn cá vậy đó. Mấy năm sau, cá kéo đến đông lắm. Chúng lớn nhanh và sinh sôi cũng nhiều” - bà Nhàn kể.

Cũng theo người phụ nữ này, nói thì đơn giản vậy nhưng để đàn cá kéo tới, cư ngụ tại nơi đây không phải chỉ ngày một ngày hai mà cả năm trời. Ngoài nhà cho cá ở, bà cũng phải cho chúng ăn. Ban đầu là cơm nguội, rổ rau ném xuống kênh nhưng sau đó cá kéo về nhiều, bà phải nấu riêng cho chúng ăn bằng nồi lớn. “Khi cá về nhiều, mình không cho chúng ăn thì chúng sẽ bỏ đi, vì đây là kênh tự nhiên mà. Thế nên mỗi ngày phải bỏ tiền ra mua hai rồi ba ký lô gạo nấu, rải xuống cho chúng ăn. Ban đêm lại phải giăng bóng đèn cho điện sáng để mấy người xấu không xuyệt điện mất. Đành rằng cá là của tự nhiên, của sông, của trời chứ chẳng phải có gia đình mình đâu nhưng vẫn giữ gìn, cho chúng sống yên ổn” - bà Nhàn kể.

Nhà bà Nhàn ở ngay sát mé kênh có mặt hướng ra đường lộ. Sau nhà, bà dùng tràm đóng xuống kênh, quây lại thành 2 lớp có đám lục bình nổi ở trên. Đàn cá có thể di chuyển từ kênh vào, qua 2 lớp cọc cừ tràm hoặc di chuyển ra. Bà bảo làm 2 lớp cọc cừ tràm để ngăn không có những người xấu lén đi ghe vào bắt đàn cá và cũng để cho cá dễ di chuyển, đúng theo môi trường sống tự nhiên. Ngoài ra, từ khi câu chuyện về việc bà Nhàn nuôi đàn cá tự nhiên trên sông, nấu cơm cho chúng ăn lan rộng được nhiều người biết thì một số người bắt đầu hùn cơm, gạo với bà. Rất nhiều người đều có mong muốn là được thấy những đàn cá tự do bởi lội dưới sông, thay vì bị đánh bắt cạn kiệt như ngày nay.

Chỉ những ai từng sinh ra, gắn bó với một dòng sông nào đó mới hiểu và yêu quý nó. Bảo vệ dòng sông không chỉ là bảo vệ nguồn nước không ô nhiễm mà có thể là bảo vệ cả hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông, để dòng sông mãi mãi là... dòng sông thay vì một dòng nước đìu hiu cô quạnh. Nhìn dòng kênh Tháp Mười thẳng tắp như một đường kẻ xa mút chân trời mùa khô nhỏ bé đến lạ thường mà chúng tôi càng mến phục gia đình bà Nhàn hơn. Bởi không có những cái chà nhỏ bé kia, có thể hàng trăm con cá ở dòng sông này sẽ bị đánh bắt, và cả một lứa cá mùa sang năm cũng không còn.

Coi cá như “thú cưng”

Nhưng không chỉ có bà Nhàn, ở khu vực miền Tây Nam bộ thời gian qua có nhiều nông dân đã bỏ công sức ra nuôi những đàn “cá nước, chim trời” như vậy. Họ nuôi nhưng không bắt chúng, cũng không giam giữ hay buộc chúng phải sống trong vùng nước nhỏ hẹp mà để chúng tự nhiên trên dòng sông, kênh. Đàn cá có thể tự đến, tự đi nếu chúng muốn. Bắt đầu từ cách đây gần chục năm, ông Phạm Văn Cường, 66 tuổi ở phường Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc, An Giang) đã bắt đầu dụ cá, làm nhà cho đàn cá tra ở trên sông Vĩnh Ngươn (một nhánh của sông Hậu) trước nhà.

Khu vực sông Vĩnh Ngươn có đàn cá của ông Cường.

Ông Cường kể, trước kia ông làm buôn bán nhưng mấy năm gần đây tuổi cao, ông về nhà nghỉ ngơi. Lúc đầu ông đóng cọc tràm, làm cái chòi sau nhà để mắc võng uống nước và trò chuyện cùng bạn bè. Do ông làm Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Hòa Hảo của địa phương nên thường có nhiều bạn bè ghé chơi, thăm hỏi nhau. Ban đầu mọi người thấy dưới kênh có nhiều cá nên thả ít cơm nguội xuống cho chúng ăn. Ai ngờ chúng kéo đến nhiều, lại không chịu bơi đi. Nghĩ mình “có duyên” với đàn cá nên ông đóng cọc tràm, làm chà cho chúng có nơi trú ngụ. Sau đó đàn cá kéo đến ngày một đông khi có thức ăn thả xuống. Hầu hết là cá tra, cá thác lác, mè dinh... nên ông đóng thêm một lớp tràm bên ngoài nữa để ngăn không cho ghe thuyền trên sông bơi vào. Ông còn lấy lục bình phủ lên mặt nước, lấy cây tre đóng xuống cho đàn cá ở. Tùy theo từng thời điểm, chủ yếu là mùa mưa và mùa khô, số lượng đàn cá có sự thay đổi nhưng theo ước tính của ông có thể lên đến vài tấn cá trong khu vực chà này.

Thậm chí, có lần cho chúng ăn, ông còn thấy cả những con cá tra to cỡ 10 ký lô, loại cá có kích cỡ khá hiếm ở ngoài tự nhiên hiện nay. Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường bảo nhiều năm qua ông ăn chay, không đụng chạm gì tới thịt động vật nên cũng không bao giờ có ý nghĩ bắt đàn cá dưới sông phía sau nhà mình. Ông giờ coi chúng như bạn, như thú cưng trong nhà vậy. Mỗi lần muốn nhìn thấy chúng ông chỉ việc ném một ít thức ăn là cả bầy hàng trăm con lập tức bơi lại. Thú thực, khi nhìn ông Cường thả đồ ăn gọi bầy cá lại, chúng tôi cứ ngỡ đây là đàn cá nuôi trong ao, hồ chứ không thể tưởng tượng được đó là cá tự nhiên trên sông. Hàng trăm con chen chúc nhau vẫy vùng tung tóe cả mặt nước đòi ăn. Ông Cường bảo, giờ ông chỉ lo người khác tới đánh bắt đàn cá hoặc có khi chúng di chuyển đi nơi khác (mùa sinh sản) rồi bị người khác đánh bắt mất mà thôi.

Việc người dân miền Tây là chà để dụ đàn cá ngoài tự nhiên tìm tới sinh sống ở những khu vực ven sông, kênh có từ khá lâu đời. Nhưng nhiều người thường sử dụng cách này để đánh bắt, khai thác đàn cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tiếng lành đồn xa, nhiều người đã không đánh bắt mà tìm cách “nuôi” chúng ở khu vực chà này. Việc giữ đàn cá tự nhiên và cho chúng ăn thực tế là điều rất khó khăn. Những đàn cá ở chà này thường chỉ vài tháng bởi tới mùa nước về, theo thói quen tự nhiên chúng sẽ di chuyển tới vùng nước khác để sinh sản. Sau đó chúng có thể quay lại khu vực này nếu sống sót.

Những ngày tháng cuối năm, cả vùng châu thổ Cửu Long Giang rộng lớn đã bước vào mùa khô. Đây là lúc mực nước sông ngòi, kênh rạch vùng đồng bằng xuống thấp nhất. Nhiều tuyến kênh lớn, nước xuống trơ cả đất bùn, cỏ mọc ven bờ. Giữa khung cảnh đìu hiu hoang hoải ấy, thật may mắn khi vẫn có những người dân ở đây biết gìn giữ, bảo vệ dòng sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người ’nuôi’ cả dòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO