Những thảm họa được báo trước

Nguyễn Chung 08/09/2020 08:00

Hiện nay, toàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) có 659 hộ với 2.982 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Mùa mưa lũ đã cận kề, chính quyền và người dân lại nơm nớp nỗi lo, khi mà ký ức kinh hoàng về trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 8 năm trước vẫn chưa nguôi ngoai.

Suối Khà có thể nhanh chóng dâng nước lên đến 3 m, tạo lũ ống trong mùa mưa lũ.

Sống trong sợ hãi

Trong căn nhà sàn đã cũ kỹ, nằm lọt thỏm dưới chân đồi, ông Lò Văn Khăm khu dân cư Co Hương, thuộc bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện miền núi Quan Sơn không giấu được sự lo lắng khi thấy mây đen đang che kín những ngọn núi phía thượng nguồn con suối Khà. Hơn 60 tuổi nhưng chưa bao giờ ông thấy lo cho cuộc sống của gia đình như lúc này. Nhà ông Khăm và tất thảy anh em dòng tộc nằm ven con suối Khà. Mỗi khi mưa lũ về suối lại hộc lên như con thú bị thương, cuốn phăng tất cả…

Ông Khăm kể rằng, có lần nước vào nhà sàn cao đến 3m, người dân trong bản phải kéo nhau đi trốn lũ, đến khi đi quay trở lại thì đồ đạc, lúa ngô đã bị nước cuốn trôi hết.

“Mùa mưa lũ năm ngoái, chúng tôi phải chạy đến 3 lần. Đêm cứ hễ nghe trời rào rào đổ nước là không ai dám ngủ. Chỉ chờ tiếng kẻng báo động treo ở đầu bản gióng lên là khăn gói bỏ chạy, phó mặc tài sản cho may rủi…Điều mà người dân ở đây mong muốn nhất bây giờ là được Nhà nước cho di dời đến nơi khác để bà con yên tâm làm ăn sinh sống”- ông Khăm lo âu nói.

Chung nỗi lo như ông Khăm, anh Lò Văn Piên, Trưởng bản Ngàm cũng cho biết: Đã nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là sau thảm họa tại Sa Ná vừa qua, người dân luôn sống trong nơm nớp, lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến. Mặc dù biết là hiểm nguy luôn rình rập, thảm họa luôn treo lơ lửng trên đầu nhưng không còn cách nào khác là chấp nhận “sống chung với lũ”.

“Vào mùa này, cứ mưa khoảng từ 2 đến 3 ngày là chúng tôi lại phải đánh kẻng báo động cho bà con di tản đến nơi cao hơn để phòng lũ quét. Nhiều đêm, nước lên nhanh và to quá, mọi người phải ra ngoài bằng cách đu trên chiếc cầu treo được bắc tạm, cách mặt đất hơn chục mét”, anh Piên cho biết thêm.

Đúng như lời anh Piên nói, trong khi chờ được tái định cư, lối thoát hiểm duy nhất của hơn 30 hộ dân Co Hương mỗi khi nước lũ về là con đường mòn ven suối, nhưng khi nước dâng nhanh, người dân chỉ còn cách đu, trèo trên 2 sợi dây sắt treo lơ lửng để thoát ra ngoài.

Tam Thanh vốn là xã biên giới, điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao. Đặc biệt, khu dân cư Co Hương, thuộc bản Ngàm, nằm ngay dưới chân núi, trước mặt là suối. Đây là dạng địa hình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất lớn. Từ năm 2016, do ảnh hưởng của mưa lũ và các hoạt động địa chất, trên sườn đồi núi phía sau khu dân cư Co Hương đã xuất hiện một vết nứt lớn, kéo dài. Vào mùa mưa, nước từ khe nứt này cứ trào ra như muốn nuốt chửng tất cả.

Ông Hà Văn Tựng- Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: Năm 2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã vào khảo sát. Tam Thanh có 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, khu Co Hương với 24 hộ dân được đánh dấu là khu vực đặc biệt nghiêm trọng cần phải di dời. “Huyện cũng đã có kế hoạch di dời, bố trí nơi tái định cư với tổng diện tích khoảng 3 ha, mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời các hộ dân vẫn chưa thực hiện được do không có kinh phí”- ông Tựng nói.

Chờ đến bao giờ?

Hiện nay, toàn huyện Quan Sơn có tới 659 hộ với 2.982 nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, khu vực đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ lũ ống lũ quét là 212 hộ với 957 nhân khẩu; số hộ có nguy cơ sạt lở đất 447 hộ với 2.025 nhân khẩu. Việc di chuyển số hộ dân nói trên ra khỏi vùng nguy hiểm là cấp bách là vậy, tuy nhiên chính quyền huyện Quan Sơn và tỉnh Thanh Hóa vẫn đang khá loay hoay tìm hướng xử lý vì thiếu kinh phí.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 7/9, ông Vũ Văn Đạt- Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 700 hộ nằm ven sông, ven suối, địa chất không ổn định, nguy cơ, lũ quét, sạt lở đất. Cán bộ chuyên môn nhận định, vết nứt ngay chân núi có thể gây sạt lở lớn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bà con khi mùa mưa bão về. Để giải quyết, về lâu dài phải di dời bà con đến nơi mới an toàn hơn.

Theo ông Đạt, với số hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm như hiện nay, trước mắt Nhà nước cần đầu tư xây dựng thí điểm một số khu tái định cư để đánh giá hiệu quả cũng như rút kinh nghiệm trước khi triển khai làm đồng bộ. Khó khăn hiện nay của Quan Sơn là qũy đất để tái định cư cho người dân vì ở đây địa hình phức tạp, đồi dốc. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn có thể khắc phục. Cái khó lớn nhất vẫn là kinh phí để thực hiện. Theo tính toán, để thực hiện di dân, tái định cư, mỗi hộ cần ít nhất từ 250 – 300 triệu đồng, đây là số tiền rất lớn, ngoài khả năng của địa phương.

Xã Tam Thanh có 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, khu Co Hương với 24 hộ dân được đánh dấu là khu vực đặc biệt nghiêm trọng cần phải di dời. Huyện cũng đã có kế hoạch di dời, bố trí nơi tái định cư với tổng diện tích khoảng 3 ha, mức đầu tư gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời các hộ dân vẫn chưa thực hiện được do không có kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thảm họa được báo trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO