Những thủ đoạn của tội phạm rửa tiền

Minh Phương 25/10/2022 07:58

Tại thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) diễn ra chiều 24/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Từ thực tiễn cho thấy cơ bản có 7 thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Thứ nhất, các đối tượng thành lập công ty "ma" với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi rửa tiền. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức dẫn chứng: Cơ quan điều tra vừa phát hiện một số vụ việc, điển hình là vụ việc Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng các đồng phạm thành lập 8 công ty, chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Hà Nội, từ năm 2016 đến năm 2020, Nguyễn Thị Nguyệt giữ vai trò chủ mưu, cùng chồng là Phạm Anh Tuấn (ở quận Tây Hồ) và 11 bị can đã cấu kết hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất, nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Để thực hiện các vụ chuyển tiền, vợ chồng Nguyệt mượn chứng minh thư của những người thân thành lập 8 công ty, lấy pháp nhân phục vụ mục đích phạm pháp. Những doanh nghiệp này do các bị can là người thân, họ hàng của Nguyệt đứng tên giám đốc.

“Chúng ta đã có đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi lập doanh nghiệp “ma” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hay chưa?” - đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi.

Thủ đoạn thứ hai được ông Đức nêu là thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến, điển hình là vụ thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.

Trước đó, Cơ quan công an thông tin, trong quá trình điều tra giai đoạn 2 của vụ án đường dây đánh bạc trực tuyến Rikvip/Tip.club của Phan Sào Nam, công an các địa phương đã liên tiếp khởi tố nhiều bị can đóng vai trò là đại lý.

Thủ đoạn thứ ba là các đối tượng núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch. “Việt Nam đã có một số quy định về giới hạn gửi tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nhưng nhiều đối tượng lợi dụng mục đích chuyển tiền cho người thân, hoặc từ thiện, đi chữa bệnh, học tập ở nước ngoài. Ví dụ trường hợp người Việt đi du lịch tại Bồ Đào Nha, sau đó thông qua luật sư mở tài khoản tại quốc gia này và thông báo cho người nhà là tham gia một tổ chức từ thiện ở Bồ Đào Nha, qua đó trong 1 ngày đã chuyển 200.000 Euro sang quốc gia này. Một thủ đoạn nữa là chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế nhưng hiện chưa phổ biến ở Việt Nam” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết.

Thủ đoạn thứ năm là nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản, đang diễn ra khá phổ biến; thứ sáu là thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu và thứ bảy là lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền. Ông Đức cũng đề cập đến tiền ảo Bitcoin, dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận nhưng trên thực tế các giao dịch đang diễn ra phổ biến, các đối tượng lợi dụng tiền ảo để thực hiện hành vi rửa tiền. Ông Đức cho rằng, với với các thủ đoạn trên, Việt Nam cần tính toán để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, ngăn chặn hành vi rửa tiền.

Theo Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội), việc phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt cùng sự phát triển của thương mại điện tử cũng phát sinh thêm tình trạng tiền ảo, tiền số.

"Cần phải có sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về mặt quản lý Nhà nước trong đó có phòng chống rửa tiền; cần xem xét một số quy định đảm bảo công tác phòng chống rửa tiền thật sự nghiêm túc, hiệu quả và không tạo ra những gánh nặng không cần thiết cho hệ thống ngân hàng, tăng chi phí tuân thủ cũng như giảm tiến độ các giao dịch kinh doanh đặc biệt trên môi trường mạng" - đại biểu Tạ Đình Thi cho biết.

Liên quan tới vụ việc điển hình Nguyễn Thị Nguyệt thành lập 8 công ty, chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng từng cho biết: Theo quy định hiện hành, hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới hiện nay được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối; Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của NHNN.

Theo đó, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng (TCTD) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ xuất trình. TCTD có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, TCTD có trách nhiệm báo cáo NHNN: số liệu chuyển tiền thông qua hệ thống báo cáo thống kê; các giao dịch có giá trị lớn; khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt mức giá trị theo quy định của NHNN (từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Thị trường ngoại tệ phi chính thức không được pháp luật thừa nhận, vì vậy, mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật. Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của thị trường phi chính thức cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương… và UBND các tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thủ đoạn của tội phạm rửa tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO