Làng tôi những năm tháng ấy quanh năm chỉ cấy lúa trồng khoai, không ai vượt bờ tre ra phố làm ăn buôn bán gì. Bỗng đâu, nhà ông Thung, người được cho là thức thời nhất làng, mang về một đàn dê khoảng 30 con, nghe nói nuôi để lấy thịt bán ra nhà hàng cho người thành phố. Hàng ngày, đàn dê được giao cho người con trai út tên là Thất chừng mười lăm, mười bảy tuổi, lùa đi chăn thả ở những nơi tốt cỏ.
Sự xuất hiện của đàn dê trở nên hấp dẫn lạ lùng với cả người già trẻ em làng tôi. Sáng sáng, chiều chiều, không ai là không chú ý nhìn theo cái dáng vẻ chậm rãi, thảnh thơi và hiền lành của lũ dê. Cũng không ai là không lắng tai nghe cái tiếng kêu be be ngồ ngộ, vui vui, là lạ.
Có lẽ, rất nhiều người già làng tôi hồi những năm 80 của thế kỷ trước ấy, chưa từng nhìn thấy con dê. Làng tôi thuộc vùng chiêm trũng, không bóng một ngọn núi, cũng chẳng có lấy một mét rừng hay một khoảnh biển. Những năm 80 ấy, cả làng cũng chưa hề có lấy một cái tivi. Chúng tôi hồi đó lên năm lên mười cũng chỉ nhìn thấy con dê được in hình trong sách giáo khoa.
Bởi lẽ đó, mỗi khi lũ dê nhung nhăng trên đường làng, tiếng kêu be be của chúng khiến bọn trẻ vừa lạ lẫm vừa thích thú reo hò, bắt chước. Chỉ tội anh Thất chăn dê lắm hôm tức giận đến điên người, vì mỗi khi một đứa trẻ bắt chước tiếng kêu be be, thì lũ dê nháo nhác một chút rồi dừng hết cả lại, đứng ngơ ngác giữa đường và đồng loạt kêu lên “be be be…” như thể đáp bầy, cũng như là bỡn cợt anh chủ Thất vốn đang rất sốt ruột lùa chúng về chuồng, bởi trời đã xâm xẩm hoàng hôn.
Lũ dê tinh quái nhất định không chịu nghe theo ngọn roi tre chỉ huy của anh Thất mà về chuồng trước khi trời tối. Anh Thất chạy tới chạy lui, vung roi lên lại quật roi xuống vệ cỏ, có lúc lại nhắm roi vào một con dê nào đó mà dọa nạt, nhưng lũ dê vẫn cứ bướng bỉnh rướn cổ be lên những tiếng kêu chói lói đầy phấn khích. Bởi chúng thừa biết anh Thất chỉ dọa dẫm thế thôi, đời nào mà anh đánh chúng!
***
Bà cụ Thi không hiểu sao đã mấy chiều lững thững ra đường, theo sau lũ dê để làm cái việc xưa nay không ai làm, là nhặt những hạt phân dê khô giống như hạt đậu đen, bỏ vào túi áo. Cái Đào, cháu nội bà cụ, khi ấy cũng chừng 10 tuổi, cũng hùa với lũ trẻ làng, chạy theo nhại tiếng lũ dê và chế giễu bà cụ thoải mái mà không bị cụ mắng. Cụ đã ngoại bảy mươi rồi, chắc lẫn. Người còn minh mẫn, ai đi nhặt phân dê? Nhưng cụ Thi cười hiền và lên giọng chắc nịch: “Ngọc đen đấy. Ngọc của đất trời. Đôi mắt ta còn tinh anh lắm. Rồi ta sẽ tặng chúng cho tất thảy những đứa con gái để chúng đeo vào cổ, xâu vào tai. Chúng sẽ đẹp lộng lẫy trong ngày chúng làm cô dâu cho mà xem”.
Cụ Thi, từ ngày trẻ, đã nổi tiếng là người mát tay ở cái rẻo làng Đông Khê Trại. Cụ từng đỡ cho rất nhiều đứa trẻ ra đời vào cái thuở trạm y tế xã còn chưa có. Mỗi khi trong làng có người đàn bà sắp đến kì sinh nở, người nhà lại đến có nhời trước, hẹn đi hẹn lại hễ người nhà trở dạ thì sẽ đến rước bà Thi trẻ khi ấy, tới giúp một tay.
Còn thường ngày, trong làng xóm, cụ Thi từng xâu lỗ tai cho tất thảy lũ trẻ nhiều thế hệ. Một nhát kim sắc ngọt xuyên qua dái tai nhanh đến nỗi đứa trẻ chưa kịp phản ứng gì, chỉ thấy nhốt một cái như con kiến lửa đốt, thế là lập tức đã có cái vòng chỉ trắng buộc một bên tai, rồi lại nhốt một cái nhanh thoắt cho bên tai còn lại, chẳng đứa nào phải đau khóc gì.
Dăm ngày sau, vết xuyên tai khô lại, lành lặn, là đã có thể rút chỉ và thay vào đó một đoạn cuống chiếu nhỏ xíu như cái đầu tăm. Cái cuống chiếu có khả năng giữ nước khiến nó nở to ra, để nong cho cái lỗ tai dần dần rộng ra, cho đến lúc có thể đeo khuyên tai được. Lên ba, bốn tuổi, tất thảy bọn con gái trong làng đều được cụ Thi xâu lỗ tai, tôi cũng thế.
Chúng tôi thuở bé thường rút búp lá tre đeo vào tai làm chiếc toòng teng lúc lắc, thế đã là đẹp. Lớn lên có thể kiếm được cái toòng teng nào đó khá hơn bán ngoài hàng la-ghim giá vài hào bạc là cùng. Nhiều người đến khi già đi như mẹ tôi, lỗ tai to lắm, có thể đeo được cả một hạt đậu đen vào mà không bị rơi. Bà cụ Thi cũng thế.
***
Không biết bà cụ Thi đã nhặt được bao nhiêu những viên phân dê khô mà bà gọi là “ngọc đen” ngày ấy. Tôi chỉ mang máng nhớ rằng, nhà ông Thung nuôi đàn dê đâu cũng chỉ được vài năm. Khi đàn dê được đem bán hết ra thành phố và không thấy ông Thung gây thêm đàn khác, thì cũng là thời điểm bà cụ Thi ốm một trận thập tử nhất sinh rồi không còn sức mà ra đường lang thang được nữa. Con cháu giữ bà chăm sóc ở nhà.
Cái túi vải đựng “những viên ngọc đen”, nghe nói, bà cất kỹ lắm vào dưới gối, để ở đầu giường. Bà có vẻ đã lẫn, lúc nhớ lúc quên, lại hay kể dân ca tục ngữ, nói ra miệng những câu sâu sắc như triết lí khiến người làng thấy lạ đời. Ngày ngày, cụ thường cầm cái túi lên lắc lắc, cười khanh khách rồi nhắc đi nhắc lại mệnh lệnh: “Cấm đứa nào đụng vào đấy! Ta sẽ tu luyện để chúng hóa thành ngọc đen! Rồi sẽ đến ngày chúng bay làm nàng dâu…”
Những câu chuyện về bà cụ Thi cứ rông dài được truyền miệng trong lũy tre làng, khi mang theo sắc thái biết ơn bà đã cứu mạng mẹ con một người làng trong cơn chuyển dạ ngặt nghèo có thể cướp đi tính mạng của cả mẹ lẫn con. Khi lại mang những sắc màu chiêm nghiệm của một người đàn bà nghèo khổ nhưng nhiều trải nghiệm nhờ một đời đi khắp nơi đỡ đẻ, gặp bao cảnh đời, cứu giúp bao người và khi về già cứ thỉnh thoảng lại nói ra những lời gan ruột đậm màu minh triết dân gian khiến những người xung quanh phải giật mình suy ngẫm.
Chuyện về “những viên ngọc đen” tưởng đâu chỉ vu vơ trong cõi quên cõi nhớ mông lung của một bà cụ gần đất xa trời, bỗng diễn ra thật sự trong đám cưới cái Đào, hồi ấy vẫn cứ được kể đi kể lại mãi như cổ tích ở làng tôi. Người làng thường kể rằng, bà cụ Thi khi ấy đau ốm gần như nằm một chỗ đã dăm năm, nói năng lẫn lộn, chỉ đôi mắt là luôn tinh tường và chất giọng vẫn sang sảng, rành rọt. Nghe đến gần ngày cháu gái đi lấy chồng, cụ như chợt bình sinh trở lại. Từ lễ ăn hỏi cháu gái, ngày nào cụ cũng đòi mặc quần áo đẹp. “Để ta chuẩn bị nghi lễ trao tặng ngọc đen cho cháu gái của ta” – cụ nói vậy. Và ai cũng chiều ý cho cụ được vui.
Thời khắc cô dâu làm lễ gia tiên trước khi về nhà chồng, cụ Thi lấy ra một cái gói giấy điều, thận trọng mở từng lớp một. Cụ gói kỹ lắm, có dễ đến bốn, năm lớp giấy chứ chả ít. Cụ cầm lấy tay cháu gái, rưng rưng: “Ngọc này là quà của trời đất, nhớ giữ lấy, cháu sẽ có hạnh phúc, sẽ đẻ chắt nội cho ta. Cháu sẽ đẹp lên như công chúa khi ta đeo nó cho cháu đây!”.
Và đôi tay gầy guộc của bà cụ Thi run run cầm lên một chiếc vòng ngọc đen, đeo vào cổ cái Đào. Trong lúc mọi người còn ngỡ ngàng đến sửng sốt, không hiểu sao trong cái gói giấy bí ẩn của cụ Thi, giờ lại có thể hóa ra cái vòng ngọc trai đẹp đẽ nhường kia, thì bà cụ Thi nhẹ nhàng đeo nốt đôi khuyên tai ngọc trai vào tai cái Đào. Rồi cứ thế cụ xuýt xoa khen cháu gái đẹp như công chúa. Trông cụ lúc ấy, chẳng ai dám nói là đã ra người lẩm cẩm.
Còn cái Đào, đúng là nó trở nên đẹp lộng lẫy chưa từng có. Đám đông người chen chúc xem lễ cưới, cứ hết nhìn cái Đào lại nhìn bà cụ Thi mà sửng sốt thì thầm…
Sau đám cưới cái Đào vài tháng, bà cụ Thi một hôm đòi tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, rồi nhẹ nhõm ngả mình trên chiếc giường tre cũ kỹ. Trên cổ cụ đeo chiếc vòng ngọc đen. Đôi tai cũng được xâu hai hạt huyền óng ánh.
Cụ Thi có thể đã lẫn như mọi người đến tuổi cổ lai hy trên thế gian này, nhưng vì một lý lẽ đặc biệt nào đó chỉ có thể thuộc về sâu thẳm trái tim nhân hậu của cụ, hay một giao ước bí mật nhiệm màu chỉ có trái tim hai bà cháu thầm hẹn và ngầm hiểu, đã khiến cái thứ vớ vẩn nhất của lũ dê trở thành những viên ngọc của đất trời, của tình đời chắt chiu, trong veo hiển hiện.
Và cho đến khi đôi mắt tinh anh của bà cụ Thi đã vĩnh viễn khép lại một cuộc đời nhiều tiếng cười và nước mắt, chỉ cái Đào biết được bí mật sâu thẳm về những viên ngọc đen…
Chuyện về “những viên ngọc đen” tưởng đâu chỉ vu vơ trong cõi quên cõi nhớ mông lung của một bà cụ gần đất xa trời, bỗng diễn ra thật sự trong đám cưới cái Đào, hồi ấy vẫn cứ được kể đi kể lại mãi như cổ tích ở làng tôi. Người làng thường kể rằng, bà cụ Thi khi ấy đau ốm gần như nằm một chỗ đã dăm năm, nói năng lẫn lộn, chỉ đôi mắt là luôn tinh tường và chất giọng vẫn sang sảng, rành rọt. Nghe đến gần ngày cháu gái đi lấy chồng, cụ như chợt bình sinh trở lại. Từ lễ ăn hỏi cháu gái, ngày nào cụ cũng đòi mặc quần áo đẹp. “Để ta chuẩn bị nghi lễ trao tặng ngọc đen cho cháu gái của ta” – cụ nói vậy. Và ai cũng chiều ý cho cụ được vui.