Ninh Bình: Lấp sông mở đường phục vụ doanh nghiệp?

Anh Tuấn - Đình Minh 18/10/2022 06:39

Thấy doanh nghiệp mất lối đi vì cầu bị cấm để sửa chữa, UBND xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã dùng đất, đá lấp sông Hệ để tạo thành một con đường mới cho xe tải di chuyển. Việc này khiến dòng sông bị chia cắt, thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chính quyền xã Ninh Vân cho lấp sông Hệ mở đường cho phương tiện doanh nghiệp lưu thông.

Tìm hiểu được biết, sau khi đi kiểm tra thực địa hiện trạng cây cầu Khánh Dưỡng, ngày 8/10, UBND huyện Hoa Lư có văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế hạ tầng, Công an huyện và UBND xã Ninh Vân khẩn trương kiểm tra, lập chốt cảnh báo và rào chắn, hướng dẫn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu này.

Nguyên nhân văn bản được ban hành là do hiện trạng cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập. Tại mặt cầu, lớp bê tông đã sụt lún, xuất hiện hàng chục ổ voi, ổ gà với nhiều kích cỡ khác nhau. Các lỗ thủng bê tông rất lớn khiến mặt cầu tách rời khỏi 2 bên mố cầu với chiều rộng khoảng 15cm, có thể nhìn xuyên xuống dòng sông.

Mặc dù biết cầu nguy hiểm nhưng các xe chở vật liệu với tải trọng lớn của 4 doanh nghiệp khai thác đá tại đây vẫn tiếp tục qua lại thường xuyên, nguy cơ xảy ra tai nạn.

Sau khi tiếp nhận văn bản của UBND huyện Hoa Lư, xã Ninh Vân đã lập tức cấm cầu, đồng thời lập chốt cảnh giới, bố trí lực lượng trực chốt, lập rào chắn, cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên cầu, đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn biết. Tuy nhiên, khi vừa thông báo, cả 4 doanh nghiệp đã phản đối vì con đường qua cầu là lối đi duy nhất để chở vật liệu ra bên ngoài. Nếu đóng cầu để tu sửa, cả 4 doanh nghiệp buộc phải nghỉ làm.

Sau khi họp bàn để tìm giải pháp, đến sáng 11/10, UBND xã Ninh Vân bất ngờ chỉ đạo các xe tải, máy xúc đem đất, đá đổ ồ ạt xuống sông Hệ ngay bên cầu Khánh Dưỡng để tạo thành một lối đi cho xe tải ra bên ngoài. Việc làm này đã vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ. Có mặt tại khu vực trên, chúng tôi chứng kiến nhiều khối đất, đá đã vùi lấp dòng sông trên diện tích hàng chục mét vuông.

Ông Vũ Văn Dĩnh - người dân thôn Dưỡng Thượng cho biết, việc lấp sông lấy lối đi cho doanh nghiệp đã được hoàn thành từ ngày 12/10. “Cầu này có tuổi đời 23 năm, rộng 4m, dài hơn 10m, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc sửa chữa cầu, theo tôi là cần thiết, nhưng việc cấm cầu, cần có thời gian thông báo sớm chứ không thể ngày hôm nay kiểm tra, ngày mai đã thông báo được. Thay vì lấp sông lấy lối đi cho doanh nghiệp, xã có thể tìm phương án khác để đảm bảo dòng nước được lưu thông bình thường. Giờ lấp đi rồi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân” - ông Dĩnh nói.

Về việc này, ông Vũ Ngọc Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân thừa nhận: Việc lấp sông để làm đường đi cho doanh nghiệp UBND xã đã xin ý kiến và được UBND huyện đồng ý. “Kinh phí nâng cấp và tu sửa cầu này là hơn 1,4 tỷ đồng, được 4 doanh nghiệp khai thác đá tự nguyện đóng góp 100%. Theo kế hoạch, cầu Khánh Dưỡng đã được sửa chữa. Nhưng lúc đó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp không xuất được hàng, không có tiền dẫn đến việc tu sửa bị đình trệ. Mấy ngày trước, huyện về kiểm tra thấy cầu xuống cấp nghiêm trọng nên yêu cầu phải tu sửa ngay, vì thế nên chúng tôi bị động trong việc chuẩn bị” - ông Tuyên nói. Theo ông Tuyên, khi tiến hành lấp sông, xã đã xin ý kiến chỉ đạo và được các phòng, ban của UBND huyện Hoa Lư đồng ý nên mới thực hiện.

Đáng chú ý là việc lấp sông đã hoàn thành từ ngày 12, nhưng đến ngày 13/10, các sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư mới tiến hành họp để bàn phương thức xử lý việc này. Theo ông Tuyên, ngày 13/10, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) cùng các phòng, ban của UBND huyện Hoa Lư đã về địa phương họp và thống nhất phương án xử lý vấn đề trên. Theo đó, Sở NNPTNN đã yêu cầu phải lắp ngay cống để tiêu thoát nước trên sông Hệ. Theo dự kiến, việc nâng cấp, tu sửa cầu phải cần ít nhất 1 tháng mới xong. Sau khi hoàn thành cầu, địa phương sẽ múc hết chỗ đất, đá này đi, trả lại sự tự nhiên vốn có của dòng sông Hệ” - ông Tuyên phân trần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Bình: Lấp sông mở đường phục vụ doanh nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO